Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giải

Tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy, từ lâu đã không còn là chuyện mới mẻ đối với những người dân sống trong lưu vực. Rất nhiều giải pháp đã được đề xuất nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy dường như vẫn chưa được cải thiện. Với mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, tần suất các đợt ô nhiễm ngày càng dày hơn và kéo dài hơn, đã tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Vấn đề đặt ra ở đây là: đến khi nào bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy mới có được lời giải đúng?

Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giảiSông Nhuệ - Đáy từng là một dòng sông xanh mát, bao quanh Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; là nhánh nhỏ của sông Hồng, điểm đầu từ cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, điểm cuối là Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Nhiệm vụ chính của dòng sông là tiêu thoát nước cho nội đô Hà Nội và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Đối với Hà Nam, hệ thống thủy lợi sông Nhuệ- Đáy từ lâu đóng vai trò quan trọng, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng hạ du; được  phân theo 2 hướng: hướng chảy về sông Đáy tại ngã ba cầu Hồng Phú và hướng chảy vào sông Duy Tiên nhánh đoạn cầu Giẽ (Phú Xuyên – Hà Nội). Nguồn nước này, phục vụ cho phần lớn diện tích sản xuất của huyện Kim Bảng, thị xã Duy Tiên, một phần thành phố Phủ Lý, huyện Bình Lục, Lý Nhân với hơn 10 nghìn ha đất canh tác.

Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giải
Sông Nhuệ đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Nam thường xuyên bị ô nhiễm nghiêm trọng do tình trạng xả thải từ đầu nguồn.

Với mức độ ô nhiễm nặng nề, sông Nhuệ- Đáy đã lọt vào danh sách 1 trong 3 dòng sông có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong cả nước. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng có thế nhận biết được mức độ ô nhiễm của dòng sông; nhất là vào thời điểm mùa khô, màu nước đen và bốc mùi xú uế nặng, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và môi trường sống của gần 10 triệu dân ở lưu vực sông.

Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), những năm gần đây, do sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh của các tỉnh, thành phố nơi dòng sông đi qua, đã dẫn đến lượng chất thải, nước thải đổ ra sông tăng đột biến, thiếu kiểm soát. Bình quân mỗi năm sông Nhuệ- Đáy có từ 8 – 15 đợt ô nhiễm nặng, có đợt kéo dài đến 2 tháng. Đặc biệt, từ tháng 7/2023 đến nay, ô nhiễm xảy ra gần như liên tục, nước trên sông Nhuệ chuyển sang màu đen. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, sông Nhuệ có 3 đợt ô nhiễm, với tổng số gần 80 ngày.

Qua mẫu nước được lấy phân tích, các chỉ số đều vượt ngưỡng nhiều lần so với giới hạn theo QCVN 08:2023/BTNMT; Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt (mức B – Chất lượng nước trung bình, nước có thể sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp phù hợp). Cụ thể, nồng độ COD dao động từ 30 – 68 mg/l, vượt giới hạn cho phép từ 2 – 4,53 lần; nồng độ BOD dao động từ 10 – 36 mg/l, vượt giới hạn cho phép từ 1,67 – 5,33 lần; nồng độ Amoni  dao động từ 7,17 – 38,7 mg/l-n, vượt giới hạn cho phép từ 23,9 – 129 lần (Theo QCVN 08-MT 2015/TNMT); DO rất thấp…

Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giải
Một tuyến kênh tưới lấy nước từ sông Nhuệ phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Nhuệ- Đáy chủ yếu là do nước thải từ thành phố Hà Nội đổ về. Nguồn nước từ sông Tô Lịch qua đập Thanh Liệt chảy xuống hạ lưu. Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, toàn lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy hiện phải tiếp nhận lượng nước thải khoảng 800.000 m3/ngày đêm, trong đó, nguồn nước thải riêng khu vực Hà Nội (chưa mở rộng) chiếm tới trên 50%. Thống kê sơ bộ cho thấy, phạm vi lưu vực sông Nhuệ - Đáy có 700 nguồn nước thải công nghiệp, làng nghề, bệnh viện, sinh hoạt; trong đó nước thải công nghiệp chiếm phần lớn vào lượng nước thải khổng lồ trên, nhiều nguồn thải chứa các chất nguy hại và khó phân hủy, như: kim loại nặng, dầu mỡ, dung môi hữu cơ... Riêng Hà Nội, tổng lượng nước thải công nghiệp từ 100.000 - 120.000m3/ngày đêm, nhiều khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, hiện có khoảng 500 làng nghề và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất hộ cá thể. Nước thải của các làng nghề hầu hết đều không qua xử lý, đổ trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, môi trường đất và không khí.Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giảiTheo bà Trịnh Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, đơn vị được giao theo dõi ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ: Ô nhiễm môi trường sông Nhuệ hiện nay ngày càng gia tăng. Tuy đã có quy trình vận hành  hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của nước thải thành phố Hà Nội qua đập Thanh Liệt nhưng tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ khu vực hạ du vẫn chưa giải quyết hiệu quả.

Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giảiNhận thức rõ vai trò quan trọng của sông Nhuệ - sông Đáy, việc bảo vệ môi trường lưu vực 2 con sông trên đã được các bộ, ngành chức năng và các địa phương nơi dòng sông đi qua quan tâm, nhiều giải pháp đã được triển khai. Tuy nhiên, chất lượng môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy hiện nay chưa được cải thiện nhiều, tình trạng ô nhiễm vẫn đang ở mức báo động.

Lý giải về vấn đề này, ông  Nguyễn Quang Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Do thiếu một cơ chế điều phối giữa các ngành, các địa phương trong công tác quản lý môi trường tổng thể của toàn lưu vực, để tiến tới xây dựng một quy hoạch chung nhằm xác lập các mục tiêu và đề xuất các biện pháp bảo vệ, cải thiện, phát triển bền vững tài nguyên môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Đặc biệt, ở phạm vi của mỗi địa phương, trong quá trình triển khai xây dựng quy hoạch thiếu sự gắn kết giữa các ngành liên quan: Tài nguyên và môi trường, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông công chính, cấp và thoát nước... (các ngành có mối quan hệ mật thiết, chia sẻ thông tin, không gian khi xây dựng quy hoạch, để bảo đảm sự phát triển đồng bộ, có tầm chiến lược trong bảo vệ môi trường sông)... Đây chính là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước sông Nhuệ - Đáy. Điều đó, đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của những hộ dân ở lưu vực sông.Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giảiQua tìm hiểu thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng tại những vùng phải lấy nước từ sông Nhuệ đang bị ảnh hưởng rất lớn. Với cây lúa, nhất là thời điểm lấy nước đổ ải làm đất gieo cấy vụ xuân (đúng vào mùa khô) nước sông Nhuệ xuống thấp ô nhiễm càng nặng. Hiện, có khoảng 70% diện tích đất lúa của huyện Kim Bảng và diện tích sản xuất phía tây quốc lộ 1A thị xã Duy Tiên vẫn phải nhập nước từ sông Nhuệ. Nguồn nước được bơm lên ở giai đoạn này phần lớn có màu đen, nhiều bọt trắng. Nhất là ở các tuyến kênh chính của trạm bơm Giáp Ba tưới cho huyện Kim Bảng.

Tại bể xả Trạm bơm dã chiến Duy Hải (Xí nghiệp Thủy  nông thị xã Duy Tiên) lấy nước trực tiếp từ sông Nhuệ nên thường xuyên bốc mùi nồng nặc, tạo khối bọt trắng cao 2 – 3 m tràn cả ra xung quanh. Ông Bùi Thanh Hùng, Cụm trưởng Cụm thủy nông đường 1A (Xí nghiệp Thủy nông thị xã Duy Tiên) cho biết: Tuy nước sông Nhuệ cạn và ô nhiễm nặng, nhưng đơn vị vẫn phải bơm tưới vì đây là nguồn duy nhất không có thay thế. Yêu cầu của sản xuất đặt ra là cần bảo đảm đủ nước, không để chậm thời vụ...

Do sử dụng nguồn nước sông Nhuệ để tưới nên nhiều diện tích lúa của các địa phương đã bị ảnh hưởng. Theo ông Vũ Văn Khuynh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tây (Kim Bảng), toàn bộ hơn 200 ha đất canh tác của xã đều lấy nước từ sông Nhuệ qua trạm bơm Kim Bình, Hoàng Tây và Giáp Ba. Mặc dù chưa có phân tính, đánh giá khoa học cụ thể nào về chất lượng sản phẩm khi sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ sông Nhuệ, nhưng tại những diện tích ở đầu cống cây lúa thường bị tốt lốp, sâu, bệnh tập trung gây hại. Năng suất lúa tại những nơi bị ảnh hưởng trực tiếp này thấp hơn so với bình quân chung. Những địa phương lấy nước tưới từ sông Nhuệ rất khó áp dụng sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, Viet Gap do chất lượng nước không bảo đảm tiêu chuẩn. Đặc biệt, các vùng nuôi trồng thủy sản nhiều năm lại đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi nguồn nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi chung phục vụ chính cho 2 vụ lúa. Vì thế, không bảo đảm để nuôi cá theo hình thức thâm canh, bán thâm canh khi thường xuyên thiếu nước...

Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giải
Trạm bơm tưới Chợ Lương, thị xã Duy Tiên hiện nay chủ yếu lấy nguồn từ sông Hồng qua cống Tắc Giang thay thế nguồn nước sông Nhuệ.

Được biết, khu nuôi trồng thủy sản tập trung Văn Xá – Kim Bình – Hoàng Tây trước đây được xây dựng có diện tích gần 100 ha; hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi và cả trạm bơm riêng lấy nước từ sông Nhuệ đã được đầu tư khá đồng bộ. Tuy nhiên, do nguồn nước luôn bị thiếu hụt và không bảo đảm chất lượng việc khai thác không hiệu quả nên nhiều ao nuôi trong vùng hiện đã bị bỏ không, hoặc nuôi cá theo hướng quảng canh cho năng suất chỉ bằng 30 – 40% bình quân chung những vùng khác. Ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết: Nuôi thủy sản quan trọng nhất là nguồn nước cần được bảo đảm cả số lượng và chất lượng. Những vùng sản xuất thủy sản truyền thống tại nhiều địa phương của thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng hiện không còn do nguồn nước sông Nhuệ - Đáy ngày càng ô nhiễm.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân ở lưu vực sông Nhuệ- Đáy cũng thường xuyên bị ảnh hưởng. Theo chia sẻ của nhiều người dân sống gần đập Nhật Tựu, nơi chịu trực tiếp tác động từ ô nhiễm nguồn nước trên sông Nhuệ: tình trạng nước sông ô nhiễm đã tác động tiêu cực đến môi trường sống của người dân. Nhiều năm lại đây nước sông luôn trong tình trạng đen đặc, nổi đầy bọt trắng. Vào những hôm thời tiết thay đổi, nắng nóng, nước sông sủi bọt, bốc mùi rất khó chịu… Mặc dù, chưa có con số đánh giá về tác động của ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ - Đáy đối với sức khỏe của con người, nhưng theo bà Trịnh Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Hà Nam, nếu thường xuyên sử dụng nguồn nước ô nhiễm thì không chỉ chất lượng nông sản bị ảnh hưởng mà sức khỏe của người dân cũng bị đe dọa nghiêm trọng...

Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giải

Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giảiLưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng, diện tích 7.665 km2, thuộc địa phận của 5 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Hồng. Với chiều dài khoảng 76 km, sông Nhuệ chảy qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, điểm bắt đầu là cống Liên Mạc, lấy nước từ sông Hồng trong địa phận Từ Liêm (thành phố Hà Nội) và điểm kết thúc là cống Phủ Lý khi hợp lưu với sông Đáy (tỉnh Hà Nam). Với phụ lưu gồm bốn con sông thoát nước chính của Hà Nội là: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ chứa hầu như toàn bộ nước thải của Hà Nội.

Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giải
Thực trạng các tuyến sông Nhuệ - Đáy ô nhiễm nguồn nước gây khó khăn trong v iệc xây dựng vùng sản xuất an toàn tại các xã ven 2 bên bờ.
Trong ảnh, sản xuất dưa chuột tại xã Nhật Tân (Kim Bảng).

 Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của môi trường nước sông Nhuệ - Đáy, ngày 29/4/2008, "Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg. Theo đó, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã được thành lập, có nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất và có hiệu quả các nội dung bảo vệ và cải thiện môi trường sông Nhuệ - sông Đáy.

Theo đề án, giai đoạn 2011 - 2015, sẽ xử lý xong tất cả các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có và mới phát sinh trên lưu vực 2 con sông; giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành cơ bản việc xây dựng hệ thống cấp nước, hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải riêng biệt; 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; thu gom toàn bộ chất thải công nghiệp, hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng...Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giải

Trong nội dung trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nam về vấn đề ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV( năm 2023) của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã khẳng định: Thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan (Hà Nam, Hà Nội...), thực hiện các giải pháp ngăn chặn ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, cụ thể: Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu môi trường; điều tra, thống kê các nguồn thải; đánh giá và xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường liên vùng, liên tỉnh...; triển khai Dự án thí điểm xây dựng trạm xử lý nước thải sông Nhuệ (với công suất 400m3/ngày đêm) và các trạm xử lý nước thải tại một số điểm xả vào sông Nhuệ (với công suất 1.500 - 2.000 m3/ngày đêm); xây dựng và đưa vào vận hành một số trạm quan trắc tự động theo dõi diễn biến chất lượng nước; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các nguồn thải đổ vào lưu vực sông; xây dựng và thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường để theo dõi và cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trong lưu vực sông....

Bên cạnh đó, các địa phương, cùng với nỗ lực thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và tập trung nguồn lực giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, đã từng bước đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thoát nước và đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, cụ thể: Thành phố Hà Nội đã triển khai 07/41 dự án nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch đã được phê duyệt, còn lại 34 dự án sẽ tiếp tục được lựa chọn ưu tiên kêu gọi nguồn lực triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại xã Ninh Phong, đạt 11% đô thị (01/09) có hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 15.000 m3/ngày đi vào hoạt động từ năm 2022; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt khoảng 15% trên tổng khối lượng nước thải sinh hoạt phát sinh.Hiện, Hà Nam là một trong những địa phương nằm trong nhóm có tỷ trọng các ngành công nghiệp chiếm cao - 68,5% trong cơ cấu kinh tế (năm 2023). Do đó, việc bảo vệ tài nguyên nước 2 con sông trên, là một nhiệm vụ bức thiết đối với Hà Nam trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.Bài toán ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ  Đáy bao giờ có lời giảiĐược biết, trong những qua, Hà Nam cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ - Đáy. Theo đó, 8/8 khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung, công trình ứng phó với sự cố môi trường. 8/8 KCN đã xây dựng được 10 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất 31.650m3/ngày đêm; chất lượng nước thải sau xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT- Cột A trước khi xả ra môi trường tiếp nhận.

Cùng với đó, các trạm xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt đô thị đã được quan tâm đầu tư. Hiện, toàn tỉnh có 12 trạm XLNT sinh hoạt đô thị; trong đó có 3 trạm có công suất từ 2.500 – 5.000 m3/ngày đêm, bao gồm: Trạm XLNT thành phố Phủ Lý tại phường Trần Hưng Đạo, trạm XLNT khu đô thị Bắc Châu Giang và trạm XLNT Thanh Châu (Phủ Lý). Đặc biệt, từ hơn 10 năm trở lại đây, sau khi hệ thống thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý được xây dựng và đi vào vận hành nhập nước phù sa từ sông Hồng đã thay thế và giải quyết hiệu quả ô nhiễm trên sông Châu, sông Duy Tiên do không còn phải lấy nguồn từ sông Nhuệ.

Tại các trạm bơm dọc sông Nhuệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông, địa phương cố gắng tranh thủ nguồn nước triều sông Đáy hòa loãng nước ô nhiễm để bơm tưới. Nước sinh hoạt của người dân hiện nay đều được sử dụng nguồn cung cấp của các Nhà máy cấp nước sạch tập trung đặt tại sông Hồng và sông Đáy.

Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế, khó có thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nếu các địa phương, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào phát triển kinh tế thuần túy mà bỏ qua các biện pháp bảo vệ môi trường. Sự xuống cấp nghiêm trọng về môi trường của sông Nhuệ - Đáy hiện nay chính là một bài học đắt giá, bởi những hậu quả của nó không chỉ là thiệt hại về kinh tế mà còn để lại những di chứng qua nhiều thế hệ. Vì vậy, để giải quyết hữu hiệu các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường sông Nhuệ- Đáy, đòi hỏi phải có sự quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc tăng nặng chế tài xử phạt, kiên quyết đóng cửa những doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, với xu thế phát triển chủ đạo của thế giới là “tăng trưởng xanh”, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi ý thức, hành vi, để bắt kịp dòng chảy phát triển trên, phải gắn chặt hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường.

Nội dung: Minh Thu – Mạnh Hùng

Thiết kế: Đức Huy

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy