Bộ Y tế đề nghị các địa phương phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch sởi

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh sởi.

Theo Bộ Y tế từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Mới đây nhất, ngày 27-8, UBND TP Hồ Chí Minh đã chính thức công bố dịch sởi, bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế và chính quyền các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương phát hiện sớm xử lý triệt để các ổ dịch sởi
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh sởi. Ảnh: Phong Lan

Cùng với đó, chủ động phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi.

Đồng thời tăng cường truyền thông, tuyên truyền vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến cáo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi tập trung đông người và các địa điểm công cộng.

*Bộ Y tế vừa ban hành công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương việc sử dụng vitamin A trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em.

Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc, số ca nhập viện bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị và phòng chống, bệnh sởi trong đó việc bổ sung vitamin A cho việc điều trị hỗ trợ các bệnh liên quan đến mắt và suy dinh dưỡng là cần thiết.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố phân bổ vitamin A viên nang 100.000 đơn vị và 200.000 đơn vị hiện còn tồn kho sau khi kết thúc Chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đợt 1 năm 2024 cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi trên địa bàn.

Trường hợp số lượng vitamin A còn tồn tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu, đề nghị các tỉnh, thành phố liên hệ Viện Dinh dưỡng để được cấp bổ sung. Bên cạnh đó tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch sởi cho người dân, trong đó có vai trò của vitamin A trong điều trị bệnh sởi và dự phòng biến chứng khô mắt của bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

Bệnh sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.

Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ 3-5 năm.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.

Theo QĐND

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy