Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người yếu thế

Lao động, việc làm luôn là mối quan tâm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo người lao động. Những năm qua, với vai trò cầu nối người lao động với doanh nghiệp và ngược lại, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) luôn nỗ lực tìm các giải pháp tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, trong đó đặc biệt quan tâm các đối tượng yếu thế. Qua đó giúp nhiều người được tư vấn học nghề, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống; đồng thời, giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động thuận lợi, phù hợp, đáp ứng duy trì và phát triển sản xuất bền vững. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trao đổi thông tin với phóng viên. Ảnh: Trần Xuân

P.V: Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh luôn đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động về lao động, việc làm và duy trì, nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh. Sau đại dịch Covid – 19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động ít việc làm? Qua nắm bắt nhu cầu lao động, việc làm, ông thấy tình hình này trên địa bàn tỉnh được cải thiện ra sao?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Sau đại dịch, các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi và ổn định sản xuất. Đơn hàng cũng đã thường xuyên hơn, cộng với môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng hấp dẫn các doanh nghiệp mới. Do đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng tăng. Nhiều vị trí việc làm có mức thu nhập khá xuất hiện, người lao động có nhiều lựa chọn. Đánh giá của chúng tôi trong những tháng đầu năm 2024 thì thị trường cung - cầu lao động trong tỉnh tương đối tốt và có chiều hướng phát triển.

 P.v: Cầu nối lao động, việc làm của Trung tâm giai đoạn này được thực hiện thế nào? hiệu quả ra sao?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Chúng tôi vẫn duy trì các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 15 hằng tháng (bất kể thứ bảy hay chủ nhật); tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phiên giao dịch việc làm online kết nối các tỉnh phía Bắc để kết nối cho các lao động có nhu cầu dịch chuyển. Ngoài ra, Trung tâm cũng tích cực liên hệ với các tỉnh bạn, như: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Lạng sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang… để thu hút lao động nhàn rỗi về làm việc tại Hà Nam.

Qua đánh giá, hiệu quả các phiên giao dịch tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

P.v: Chính sách lao động, việc làm cho những người yếu thế luôn được toàn xã hội quan tâm. Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách ưu tiên cụ thể nào về việc làm, khởi nghiệp đối với họ?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Có thể nói, mỗi đối tượng yếu thế đều được Đảng và Nhà nước có những chính sách ưu tiên hỗ trợ riêng. Ví dụ, như người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số có chính sách miễn giảm học phí đối với con em họ; cho vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Hay như đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương có chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng chính sách - cho vay vốn tối đa đến 100 triệu đồng/người; hỗ trợ giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động là những đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương được vay vốn sản xuất, kinh doanh…

P.v: Trung tâm đã vận dụng và thực hiện các chủ trương, chính sách đó ra sao?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Chúng tôi thường xuyên tư vấn, giới thiệu việc làm cho người yếu thế hoàn toàn miễn phí. Tùy từng đối tượng để giới thiệu cho họ việc làm phù hợp như phối hợp với Trại tạm giam Công an tỉnh tư vấn chính sách, việc làm cho những người chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù; phối hợp với Trung tâm Điều trị nghiện ma túy để tư vấn, giới thiệu việc làm cho những người cai nghiện thành công chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, thời gian qua, chúng tôi phối hợp với Phòng Cảnh sát Thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh tổ chức thành công 6 phiên giao dịch việc làm cho những người mãn hạn tù trở về địa phương với gần 1.000 người tham gia. Kết quả ban đầu, có gần 500 người có việc làm.

P.v: Theo ông, trong số người lao động yếu thế, cần quan tâm đối tượng nào nhất hiện nay?  Vì sao?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Mỗi đối tượng yếu thế đều có đặc thù riêng. Vì vậy, theo tôi xã hội nên nhìn nhận và quan tâm đến tất cả các nhóm đối tượng một cách công bằng và có chính sách phù hợp với từng đối tượng. Qua đó khuyến khích, động viên họ nỗ lực học nghề, tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống bản thân, gia đình và bảo đảm an sinh xã hội...

Đại diện doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng chấp hành xong án phạt tù, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Cục cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng Bộ Công an, Công an tỉnh, ngành chức năng và huyện Thanh Liêm. Ảnh: Quyết Trần

P.v: Ông nghĩ thế nào về vấn đề khởi nghiệp đối với các đối tượng lao động này?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Rất cần thiết. Bởi vì, theo thống kê sơ bộ, những đối tượng này chiếm từ 20% - 25% lực lượng lao động. Nếu các chính sách tốt, sẽ có thể giúp họ tham gia một lượng công việc tương đối cao và đóng góp hiệu quả kinh tế không nhỏ cho gia đình, xã hội.

P.v: Đối tượng nào cần được tư vấn khởi nghiệp nhất? Vì sao?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Những người có khát vọng khởi nghiệp và những người không còn sức khỏe để lao động nặng nhọc, nhưng có động lực, có nhu cầu khởi nghiệp làm giàu.

P.v: Họ nên làm gì để mang lại hiệu quả khi khởi nghiệp?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Họ phải có nhu cầu đi tìm việc làm, khởi nghiệp và phải tích cực tìm kiếm. Mỗi người phải xác định được thế mạnh của mình và tập trung vào thế mạnh đó; khai thác thông tin về sản phẩm mà mình dự kiến làm ra, thị trường ở đâu? Nhắm đến đối tượng khách hàng nào? Họ cũng cần phải biết nguồn vốn ở đâu? Khả năng huy động và khấu hao thế nào?

P.v: Theo ông, cần quan tâm tạo điều kiện như thế nào để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề lao động, việc làm đối với các đối tượng lao động yếu thế?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Theo tôi, cả xã hội cần quan tâm đến đối tượng yếu thế, từ cơ chế chính sách, tạo việc làm cho họ. Nói tóm lại, trước mắt giúp họ con cá để khuyến khích và lâu bền là giúp họ cần câu để câu cá.

P.v: Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ quan tâm nội dung gì xung quanh vấn đề này trong thời gian tiếp theo?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Chúng tôi sẽ tập trung vào thế mạnh của mình là tư vấn, giới thiệu việc làm cho những người yếu thế, như: Tư vấn thông tin thị trường lao động; các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh; về thị trường hàng hóa... ; giới thiệu việc làm trong nước, ngoài nước để họ có thể tham gia.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát Thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh và công an các địa phương thực hiện mô hình tái hòa nhập cộng đồng giúp những người mãn hạn tù trở về địa phương có việc làm phù hợp, hiệu quả. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để giới thiệu cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn khởi nghiệp theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ...

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Quyết (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy