Nỗ lực nâng hạng Chỉ số Đào tạo lao động

Đào tạo lao động là chỉ số thành phần quan trọng cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong 2 năm trở lại đây, chỉ số này của tỉnh ta liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các chỉ số tăng cả về điểm số và thứ hạng. Điều này cho thấy sự nỗ lực của tỉnh trong việc thúc đẩy đào tạo nghề, nâng cao chất lượng và cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm 2023, Chỉ số PCI của tỉnh Hà Nam đạt 66,47 điểm, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 2,47 điểm và tăng 10 bậc so với năm 2022, xếp hạng nhóm khá của cả nước. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của 5 chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng so với năm 2022, trong đó có Chỉ số Đào tạo lao động.

Cụ thể, năm 2023, Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh đạt 6,42 điểm, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 0,56 điểm và tăng 7 bậc so với năm 2022. Trong đó, có 5/11 chỉ tiêu cơ sở có sự cải thiện mạnh mẽ về thứ hạng gồm: 58% doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng lao động phổ thông tại tỉnh là dễ dàng, tăng 12% so với năm 2022 (tăng 18 bậc, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố); 33% doanh nghiệp được hỏi đánh giá việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật tại tỉnh là dễ dàng, tăng 17% so với năm 2022 (tăng 33 bậc, xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố); 34% doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát tại tỉnh là dễ dàng, tăng 18% so với năm 2022 (tăng 42 bậc, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố); 53,23% tỷ lệ lao động tại doanh nghiệp đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng 9,74% so với năm 2022 (tăng 19 bậc, xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố); điểm thi trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT là 6,87 điểm, tăng 0,11 điểm so với năm 2022 (tăng 1 bậc, xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố).

Sản xuất tại Công ty TNHH May Minh Khuê, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên.

Kết quả đạt được cho thấy, thời gian qua, tỉnh Hà Nam luôn nỗ lực triển khai công tác dạy nghề; đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình tuyển dụng và đào tạo lao động. Các doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá cao chất lượng tay nghề của người lao động và hiệu quả công tác đào tạo nghề của tỉnh. Chất lượng lao động ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động cũng dễ dàng hơn...

Ông Hiroshi Kuroda, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên) cho biết: Ngay khi đi vào hoạt động, Sumi Việt Nam đã luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam, nhất là trong việc tuyển dụng lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất tại các thời điểm khác nhau.

Đặc biệt, đối với dự án nhà máy tại KCN Thanh Liêm, ngay khi nhà máy đi vào sản xuất, Ban Quản lý các KCN tỉnh, các cấp chính quyền tỉnh đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, tuyển dụng lao động cho Sumi Việt Nam. Nhờ đó, thời điểm này, nhà máy đã tuyển dụng được khoảng 3.000 lao động theo đúng kế hoạch đề ra, cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ sản xuất. Ngoài tuyển đủ số lượng, chúng tôi cũng đánh giá cao chất lượng tay nghề của lao động phổ thông cũng như đội ngũ cán bộ quản lý của tỉnh.

Được biết, thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đơn vị được giao chủ trì thực hiện Chỉ số Đào tạo lao động đã tích cực triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động. Cùng với đó, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổ chức công tác tuyển sinh, đào tạo hằng năm. Trong đó, định hướng tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề trọng tâm như: điện, điện tử, công nghệ ô tô, logistics…

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trên 95% người học sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm các công việc phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 28.500 lao động, vượt 14% kế hoạch; xuất khẩu lao động được trên 1.300 lao động, vượt 30% kế hoạch; giải quyết việc làm thêm cho 25.200 người, vượt 20% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 74%, trong đó tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp đạt 58%. Kết quả này đã góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Trong tổng số các chỉ tiêu cơ sở của Chỉ số Đào tạo lao động, năm 2023, Hà Nam vẫn còn một số chỉ tiêu đạt thấp, chưa có sự cải thiện so với năm 2022, như: 2,88% chi phí tuyển dụng lao động trong tổng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp (giảm 40 bậc, xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố); 5,03% chi phí đào tạo lao động trong tổng kinh phí kinh doanh (giảm 3 bậc, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố); 46% tỷ lệ lao động đáp ứng hoàn toàn/ phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp (giảm 18 bậc, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố); 58% doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt (giảm 33 bậc, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố)… Qua đó cho thấy, chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động vẫn được doanh nghiệp đánh giá ở mức cao; tại một số ngành nghề, lĩnh vực, chất lượng lao động chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ số Đào tạo lao động, trong đó, tập trung cải thiện thứ hạng các chỉ tiêu cơ sở bị giảm thứ hạng trong năm 2023, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, giúp người sử dụng lao động thấy được quyền lợi của mình trong việc sử dụng lao động đã qua đào tạo; tăng cường các hoạt động phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề để định hướng đào tạo theo nhu cầu thực tiễn; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lao động, cung ứng nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong thực hiện kế hoạch nâng hạng chỉ số Đào tạo lao động, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; chú trọng hướng nghiệp cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông...

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy