Sáng ngày 16/4 (tức ngày 8 tháng 4 năm Giáp Thìn), UBND xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm đã long trọng khai mạc Lễ hội truyền thống đền Lăng.
Đền Lăng xã Liêm Cần nay, vùng đất Bảo Thái xưa là nơi ghi dấu ấn lịch sử thời kỳ hoạt động quân sự buổi đầu của Lê Hoàn. Đây không chỉ là đất khởi nghiệp, mà còn là quê nội của ông. Sau khi Lê Hoàn mất, trên mảnh đất quê hương dân làng đã xây đền thờ phụng, gọi là đền Trung. Đinh Bộ Lĩnh trong thời gian chiêu hiền, nạp sĩ, ông cũng đã về Bảo Thái lập căn cứ tuyển quân, huấn luyện binh sĩ.
Sau khi lên ngôi, đỉnh núi Lăng là nơi lập sinh từ của ông và sau này nhân dân dựng đền thờ ông, gọi là đền Thượng. Còn đền Hạ (đền Lăng) dưới chân núi nơi thờ 4 vị vua: Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều; 2 vị nhân thần là tướng quân Nguyễn Minh cùng vợ là bà Nhữ Đê phò Đinh Bộ Lĩnh đẹp loạn 12 sứ quân và một vị thiên thần là Thiên Cương Đại Vương.
Đền Lăng được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1999. Với tầm vóc lịch sử, văn hóa đặc biệt, đền Lăng đã được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư tôn tạo, tu bổ theo từng giai đoạn. Năm 2023, đền Trung và đền Thượng cũng đã được dựng mới trên nền đền cũ.
Hàng năm vào các ngày từ mùng 6 – 8/3 âm lịch, nhân dân nơi đây lại tưng bừng mở hội nhằm tri ân công đức vua Lê Đại Hành cũng như các vị vua và thần dược thờ nơi đây. Ngày mùng 6 dân làng làm lễ an vị, khai quang đền Thượng và đền Trung, sau đó tiến hành tế nam quan và nữ quan. Ngày mùng 7, buổi sáng tổ chức các trò chơi dân gian, buổi chiều lễ rước kiệu từ đền Lăng đến Mả Dấu rước hương linh cụ Lê Lộc về dự lễ hội làng.
Ngày mùng 8, buổi sáng làm lễ khai hội và tiếp đón các dòng họ, dân làng, cùng khách thập phương về dâng hương; buổi chiều, rước hương linh cụ Lê Lộc về lại Mả Dấu. Sau cùng làm lễ tạ và cúng đàn Mông Sơn Thí Thực.
Buổi tối những ngày diễn ra lễ hội đều có chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân vui đón hội làng
Chu Bình