Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa bão, mực nước trên các sông ngày càng dâng cao khiến cho nhiều khu dân cư ngập lụt. Chạy đua với mưa lũ, Bộ CHQS tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tham gia ứng cứu, chống tràn, di dời người, tài sản ra khỏi vùng ngập lụt, khắc phục diện tích lúa, hoa màu bị đổ, gãy ở các địa phương.
Theo ghi nhận đến thời điểm này, cơn bão số 3 tuy không có thiệt hại về người, song đã khiến 7.928 ha lúa bị đổ; hơn 700 ha hoa, rau màu bị dập nát; 21 nhà dân bị thiệt hại; trên 836 hộ dân bị ảnh hưởng… Mực nước trên các sông tiếp tục dâng cao khiến các hộ dân bị ảnh hưởng ngày càng tăng; các tuyến đê trọng yếu, xung yếu bị đe doạ nghiêm trọng. Công tác ứng cứu, khắc phục được Bộ CHQS tỉnh khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện. Gần 4 nghìn lượt người, phương tiện được huy động tham gia công tác khắc phục hậu quả ở các địa phương. Chỉ đạo tại thực địa, Đại tá Trịnh Hồng Phong, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đề nghị các đơn vị tập trung mọi nguồn lực, ứng cứu bà con một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong đó ưu tiên cứu người trước, cứu tài sản sau. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Xác định khu vực bị ảnh hưởng nặng nề: vùng ven sông bị ngập lụt, trọng điểm đê, kè, cống bị tràn; nguy cơ bị sạt lở, vỡ đê, sập đổ công trình... lực lượng vũ trang đã khẩn trương triển khai nhân lực, vật lực ứng cứu kịp thời. Công tác cứu hộ, vận động di dời nhân dân vào nơi tránh trú an toàn được thực hiện khẩn trương. Ưu tiên hộ già cả neo đơn, phụ nữ và trẻ em… Đêm ngày 10/9 đến rạng sáng ngày 11/9 nước sông dâng cao, một số khu vực đã ngập tràn, các lực lượng chạy đua với dòng nước để đắp đập, ngăn tràn, di dời nhân dân.
Trên địa bàn huyện Lý Nhân, Bộ CHQS tỉnh đã tăng cường lực lượng tập trung ứng cứu các xã ven sông Hồng và địa bàn bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng bão số 3 đi qua. Đây là địa phương có nhiều xã ven sông Hồng, số hộ nuôi trồng thuỷ sản nhiều nên việc ứng cứu cần hết sức khẩn trương. Tại xã xã Phú Phúc – địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề với hàng trăm ha hoa màu, thuỷ sản bị ngập có nguy cơ mất trắng, hàng trăm lượt CBCS các cơ quan Bộ CHQS tỉnh và Trung đoàn bộ binh 151 cùng LLVT địa phương đã tập trung ứng cứu, khắc phục hoa màu giúp nhân dân; gia cố lồng bè nuôi cá trên sông; di chuyển người và gia súc, gia cầm, tài sản của bà con ra khỏi vùng lũ về nơi an toàn. Thượng tá Vũ Ngọc Giao, Chính uỷ Trung đoàn 151 trực tiếp chỉ huy lực lượng của đơn vị ứng cứu tại Lý Nhân cho biết: Không kể ngày đêm, CBCS trung đoàn đã cùng LLVT địa phương nhanh chóng giúp dân khắc phục hậu quả một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chị Lê Thị Chung – một hộ dân nuôi cá trên sông Hồng thuộc địa bàn Phú Phúc (Lý Nhân) cho biết: gia đình rất lo lắng bởi bao nhiêu tài sản đổ hết vào mấy lồng cá. Hàng chục tấn cá đã và đang cho thu hoạch nếu không gia cố kịp thời sẽ bị mất trắng. Rất may mắn, chúng tôi được các anh bộ đội đến hỗ trợ kịp thời, các anh rất nhiệt tình coi việc của dân như việc nhà mình, khẩn trương giúp bà con di chuyển tài sản và hàng chục tấn thức ăn chăn nuôi vào nơi an toàn.
Trung tá Nguyễn Bá Đông, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lý Nhân cho biết: những ngày qua, đơn vị đã cử lực lượng toả về các địa phương phối hợp lực lượng tại chỗ ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt là ở những xã ven sông có các trọng điểm, tuyến đê xung yếu như: Phú Phúc, Chân Lý, Trần Hưng Đạo, Nhân Thịnh, Chính Lý, Nguyên Lý... Giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, thu dọn cây đổ, cột điện đổ, giảm thấp nhất thiệt hãi do bão lũ gây ra.
Tại thị xã Duy Tiên, trong ngày 10 và 11/9, Ban CHQS thị xã đã huy động xuồng cứu hộ cùng trên 200 CBCS lực lượng thường trực và dân quân tự vệ tham gia chốt trực, ứng cứu tại các tuyến đê sông Hồng, sông Nhuệ, tuyến Bắc Châu Giang, Hoành Uyển; tuyến chắn nước Hà Nội và Tả Duy Tiên; tuyến hậu phương. Các lực lượng đã phối hợp vận động một số hộ dân trong vùng nguy hiểm chấp hành nghiêm điện của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, di dời đến nơi an toàn; giúp nhân dân xã Mộc Bắc di chuyển hơn 2 nghìn con bò sữa, hơn 1 nghìn con lợn, hơn 6 nghìn con gà đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời giúp nhân dân các khu vực bị ngập nước trên địa bàn di chuyển vật chất, đồ đạc, chằng chống nhà cửa…
Trên địa bàn thành phố, các khu vực ngập lụt cũng khá nhiều gồm các xã Phù Vân, Kim Bình, Đinh Xá, Châu Sơn, Lê Hồng Phong, Quang Trung, Thanh Châu, Thanh Tuyền. Ngày 10, rạng sáng 11/9, CBCS LLVT thành phố đã tăng cường lực lượng tại các khu vực ngập nặng ứng cứu, đắp đập ngăn tràn, di dời nhân dân đến nơi an toàn. Trung tá Trần Mạnh Tuân, trợ lý Chính trị, Ban CHQS thành phố cho biết: chúng tôi tham gia đắp bờ, ngăn nước tràn vào đường giao thông đoạn cầu vượt Liêm Tuyền xuyên đêm. Sáng sớm lại có lệnh tiếp tục lên đường ứng cứu, giúp nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả.
Đối với địa bàn huyện Thanh Liêm tập trung ứng cứu tại các trường học, khẩn trương di dời nhân dân cùng tài sản ra khỏi vùng bị ngập lụt đến nơi tránh trú an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt chú trọng bảo vệ an toàn các trọng điểm đê, kè, cống, vị trí xung yếu; khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sập đổ, kịp thời xử lý trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Hiện nay, mưa vẫn chưa dứt, nước từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về. Nước trên các sông dâng cao từng giờ. Bám sát diễn biến tình hình, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường phối hợp, khẩn trương chạy đua trong mọi tình hình thời tiết, khắc phục một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Phương Dung