Lái xe trong dông bão không được khuyến cáo, nếu mắc kẹt trong bão, tài xế cần dừng xe, bật đèn khẩn cấp, chờ bão qua mới di chuyển tiếp.
Lái xe trong điều kiện dông bão là việc làm nguy hiểm, nhiều rủi ro nên không được khuyến khích. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bất khả kháng phải lái xe ra đường khi trời mưa bão hoặc mắc kẹt giữa đường khi bão về. Lúc này, biết trước các kỹ năng ứng phó với dông bão sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại về người lẫn phương tiện.
Sử dụng xe trong khu vực dông bão
Nếu đang lái xe gặp dông bão, cách tốt nhất là cho xe dừng lại tại những đoạn đường được phép dừng, hoặc bãi đỗ riêng biệt, có mái che kiên cố. Trong trường hợp dừng bên vệ đường, cần hạn chế đỗ dưới cây to hoặc cột điện, vì có thể bị cành, cây đổ đè bẹp xe và người.
Nếu dừng xe, cần dừng sát lề bên phải, bật đèn khẩn cấp và đèn sương mù trước/sau nếu điều kiện thời tiết làm giảm tầm nhìn. Không ra khỏi xe, nếu phải ra khỏi xe cần quan sát kỹ, khi trời tối có thể dùng đèn flash trên điện thoại để báo hiệu cho các xe khác.
Ngoài ra, không nên trú mưa ở gầm cầu, hầm đường bộ nếu không có người điều tiết giao thông, vì hành động ngày có thể gây ồn ứ, cản trở giao thông các phương tiện khác, đặc biệt là phương tiện cứu hộ.
Trong trường hợp bất khả kháng không thể dừng xe, tài xế khi lái xe cần giảm tốc độ, không đạp ga hoặc phanh bất ngờ, giữ khoảng cách xa hơn với xe phía trước. Tài xế có thể tham khảo trước tình trạng giao thông trên ứng dụng bản đồ.
Bên cạnh đó, tránh di chuyển ở những đoạn cầu cao, vì trong điều kiện dông bão sẽ khiến gió giật mạnh trên cầu, có thể gây ảnh hưởng đến độ ổn định của xe, khó kiểm soát, đặc biệt là những người đi xe máy. Cần đi chậm trên những đoạn đường này, và dùng nguyên tắc "lên số nào xuống số đó" khi đi lên dốc và xuống dốc. Nếu sử dụng xe số tự động có thể chuyển qua chế độ số tay (M), để cài số thấp khi đi lên hoặc xuống dốc cầu dài.
Nếu lái xe trong khu vực dông bão có sấm chớp, tài xế cần ngồi yên bên trong ôtô. Các chuyên gia cho biết khi xe ôtô bị sét đánh, dòng điện sẽ được truyền qua phần khung kim loại và xuống mặt đất, cabin xe lúc này đóng vai trò như một "lồng Faraday", do đó những người ngồi bên trong sẽ không bị giật, nếu tay hoặc bộ phận cơ thể không đặt vào các chi tiết tiếp xúc trực tiếp với khung xe.
Chuẩn bị xe trước khi mưa bão
Chủ xe nên bơm đầy bình xăng, kiểm tra kỹ các chi tiết của xe như phanh, lốp (cả lốp dự phòng), gạt mưa, đèn trước khi vào mùa giông bão. Bên cạnh đó, chủ xe nên chụp lại ảnh hiện trạng của xe trước mùa mưa bão, nhằm dễ dàng xác định mức độ thiệt hại trong trường hợp xe gặp nạn và cần được bảo hiểm.
Cần lưu ý tham khảo kỹ điều khoản về bảo hiểm, vì một số loại bảo hiểm thân vỏ sẽ không bao gồm bảo hiểm do thiên tai. Ngoài ra, nếu có bảo hiểm thiên tai, nhưng nếu chủ xe cố ý khiến xe bị ngập hoặc hư hại, ví dụ như biết trước đoạn đường có ngập nước nhưng vẫn lái qua, hoặc xe chết máy do ngập nước bất ngờ, nhưng chủ xe vẫn nổ máy trở lại, thì có thể nằm trong điều khoản loại trừ bảo hiểm.
Cuối cùng, nếu sinh sống trong khu vực dễ ngập nước khi mưa dông, chủ xe có thể tìm các bãi đậu trên cao, có che chắn để bảo quản xe nếu cần thiết.
Theo vnexpress.net