Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng 6 tháng đầu năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của huyện Lý Nhân đều đạt trên 50% kế hoạch năm đề ra, trong đó có chỉ tiêu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển sôi động tại hầu khắp các xã, thị trấn đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung toàn huyện.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, huyện Lý Nhân đã quan tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, nhất là các dự án về giao thông, đô thị, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển du lịch; thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch, nhất là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Bà Vũ, khu tưởng niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch, liên kết tour, tuyến du lịch với các điểm đến du lịch trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, huyện cũng chú trọng thúc đẩy phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các khu làng nghề truyền thống; phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại gắn với phát triển các khu đô thị, nhà ở mới; quan tâm, khuyến khích các ngân hàng thương mại trên địa bàn mở rộng hoạt động để tăng cường nguồn vốn phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình; hiện đại hóa mạng lưới bưu chính - viễn thông, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Những năm qua, huyện Lý Nhân cũng quan tâm, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng, hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại; giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề; đầu tư nâng cấp, cải tạo các chợ dân sinh trên địa bàn…
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hằng năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện Lý Nhận đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của huyện vẫn tăng trưởng khá, ước đạt 3.584 tỷ đồng, bằng 53,8% kế hoạch năm, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 30,2% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện.
Theo số liệu của Chi cục Thống kê huyện Lý Nhân, trên địa bàn hiện có trên 13.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Trong đó, một số loại hình dịch vụ đang phát triển mạnh như kinh doanh dịch vụ ăn uống (trên 500 hộ); kinh doanh dịch vụ vận tải (gần 800 hộ)… Bình quân mỗi năm, toàn huyện có hàng trăm hộ đăng ký kinh doanh mới; số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn huyện ngày càng tăng, thể hiện được vai trò nòng cốt ở những mặt hàng như xăng dầu, lương thực, điện tử, viễn thông. Thương mại tư nhân dưới hình thức các công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển.
Qua tìm hiểu cho thấy, tại Lý Nhân, hoạt động thương mại, dịch vụ đang phát triển sôi động ở hầu hết các xã, thị trấn, nhất là các xã có điều kiện thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý như thị trấn Vĩnh Trụ; các xã: Công Lý, Chính Lý, Nhân Bình, Nhân Chính, Nhân Khang, Xuân Khê, Hòa Hậu...
Theo đánh giá của các xã, thị trấn, sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới bán lẻ, nhất là các cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên kinh doanh về điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, nội thất, xe máy, xe điện… đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ như tài chính ngân hàng, viễn thông, xăng dầu, vận chuyển hàng hóa… cũng phát triển nhanh và ổn định. Các sản phẩm tiêu dùng đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá cả, phù hợp với nhu cầu, thu nhập của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau ở khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Công Lý (Lý Nhân) khẳng định: Thương mại, dịch vụ đang là ngành kinh tế mũi nhọn của xã với tỷ trọng đạt gần 38% trong cơ cấu kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của xã ước đạt trên 150,6 tỷ đồng, bằng 55,86% kế hoạch năm. Trong những năm qua, mạng lưới thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã có sự phát triển nhanh, tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang làm dịch vụ. Đến nay, toàn xã có khoảng 600 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Trong đó, có hơn 100 hộ kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Trên địa bàn xã có trên 120 đầu xe các loại như ô tô tải, xe khách, taxi, vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Ngoài ra, các cửa hàng thuốc tân dược, phòng khám chữa bệnh, dịch vụ làm đẹp, nhà hàng ăn uống, hàng thời trang, mỹ phẩm… cũng ra đời, phát triển mạnh mẽ, qua đó đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ vậy đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Để đạt được mục tiêu đề ra là năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn huyện đạt 7.346,65 tỷ đồng, theo ông Nguyễn Đức Nhương, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, trong thời gian tới, huyện Lý Nhân sẽ tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, buôn bán. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện tốt công tác phát triển, quản lý chợ theo Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 của Chính phủ; duy trì, phát triển mạng lưới các cửa hàng bán lẻ, khuyến khích phát triển đại lý tiêu thụ tại các điểm bán lẻ trong khu dân cư và quầy hàng cố định tại khu vực các chợ; quan tâm xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm tiêu biểu, làng nghề truyền thống có thể mạnh như dệt may, đồ gỗ, chế biến nông sản… gắn với phát triển du lịch làng nghề; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, cung cầu hàng hóa ổn định…
Nguyễn Oanh