Hiện nay, thời tiết nồm, ẩm là điều kiện thuận lợi để dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan. Trên địa bàn cả nước từ đầu năm 2025 đến nay, đã xảy ra 6 ổ dịch cúm A/H5N1 (tại 4 tỉnh: Tuyên Quang, Nghệ An, Tiền Giang, Long An), số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là trên 17.245 con (tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2024). Để hiểu rõ về nguy cơ và công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã trao đổi với ông Đinh Huy Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường).
Trang trại chăn nuôi gà đẻ quy mô tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm). Ảnh: kim chi
P.V: Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh cúm gia cầm thời gian qua trên địa bàn tỉnh và công tác phòng, chống được triển khai như thế nào?
Ông Đinh Huy Bách: Thời gian qua, chăn nuôi gia cầm của tỉnh khá ổn định. Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh duy trì ở mức trên 8 triệu con. Dịch cúm gia cầm được kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả tại cơ sở, hộ chăn nuôi. Hơn 4 năm nay, trên địa bàn không xảy ra ổ dịch cúm gia cầm (gần nhất dịch xuất hiện tháng 1/2021 tại xã Nhân Chính, Lý Nhân và Tượng Lĩnh, Kim Bảng). Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm luôn được ngành chức năng và địa phương quan tâm thực hiện. Trong đó, việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm được triển khai đầy đủ tại các địa phương cả chính vụ (vụ xuân, vụ thu) và tiêm bổ sung hằng tháng. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân tiêm đúng loại vắc-xin theo chủng virus cúm gia cầm lưu hành trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, cả tỉnh đã tiêm phòng vắc-xin dịch cúm cho hơn 1,8 triệu con gia cầm (tập trung nhiều ở các trang trại chăn nuôi có số lượng lớn). Công tác giám sát dịch bệnh cũng được tăng cường, cơ quan chuyên môn đã lấy 35 mẫu swab kiểm tra sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm. Kết quả cho thấy trên địa bàn tỉnh không lưu hành vi rút cúm gia cầm. Ngoài ra, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi được quan tâm thường xuyên. Toàn tỉnh đã sử dụng 14.209 lít hóa chất, hơn 176 nghìn kg vôi bột để vệ sinh chuồng trại, môi trường tự nhiên…
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, như: gia cầm nuôi nhỏ, lẻ trong nhiều hộ dân cư, nhập con giống không rõ nguồn gốc, khó kiểm soát dịch bệnh; số lượng gia cầm được tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm vẫn thấp so với tổng đàn gần 9 triệu con (mới đạt trên 20%); còn tình trạng rải rác gia cầm ốm, chết bị bỏ ra môi trường tự nhiên rất dễ phát sinh dịch bệnh…
P.V: Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện và có những diễn biến phức tạp, hiện ngành đã triển khai những biện pháp phòng, chống như thế nào, thưa ông?
Ông Đinh Huy Bách: Thời điểm này, nguy cơ xuất hiện dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh rất cao. Vì vậy, ngành đã chủ động phổ biến, triển khai biện pháp phòng, chống đến người dân. Đối với công tác tiêm phòng, ngành xây dựng kế hoạch đợt tiêm phòng vụ xuân năm 2025. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm đạt tối thiểu 80% tổng đàn được tiêm vắc-xin cúm gia cầm tại thời điểm tiêm; chủ yếu bằng một số loại vắc-xin cúm gia cầm được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & Môi trường) khuyến cáo sử dụng có khả năng bảo hộ cao. Ngành cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người dân về lợi ích, trách nhiệm của việc tiêm vắc-xin cúm đối với gia cầm trong diện phải tiêm. Công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh tích cực được triển khai nhằm sớm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời khi dịch còn trong diện hẹp. Chú trọng giám sát chủ động qua việc lấy mẫu swab kiểm tra sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm; đồng thời, triển khai tốt tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đợt I năm 2025 (từ ngày 1 – 31/3). Hiện, ngành đã cấp cho các địa phương 4.500 lít hóa chất phục vụ phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chăn thả, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm…
Đầu năm cũng là thời điểm người dân tập trung tái đàn gia cầm, do vậy ngành yêu cầu bộ phận chức năng giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm thông qua hoạt động kiểm soát vận chuyển. Từ đó, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc…
P.V: Để phòng, chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, điều quan trọng là phải bắt đầu từ cơ sở, hộ chăn nuôi và người dân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đinh Huy Bách: Đúng vậy! Ý thức, trách nhiệm và sự chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm ngay tại cơ sở, hộ chăn nuôi đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, cùng với áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, người dân cần chú trọng đến các khâu: khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin; đáp ứng chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng cho gia cầm; nhập con giống bảo đảm rõ nguồn gốc xuất xứ, sạch bệnh, tránh lây nhiễm virus cúm gia cầm từ bên ngoài... Trong tiêu dùng hằng ngày, người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc; gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch. Khi sử dụng thịt gia cầm cần nấu chín, tuyệt đối không ăn tiết canh gia cầm… Một vấn đề nữa là khi phát hiện gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân người nuôi phải báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên thú y để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, không vứt xác gia cầm chết ra môi trường tự nhiên tránh lây lan dịch bệnh. Thực hiện tốt các yêu cầu nêu trên là góp phần quan trọng trong việc phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mạnh Hùng (thực hiện)