Thành lập cách đây hơn 100 năm, làng Ấp (trước kia là Ấp Thọ Cầu, nay sáp nhập với thôn Thọ Cầu thành thôn Thọ Cầu Ấp, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng) là làng giàu truyền thống cách mạng. Thời kỳ đầu thành lập, làng chỉ có khoảng trên 20 hộ gia đình, phần đông là dân từ làng Thụy Sơn, xã Tân Sơn (Kim Bảng) và một số gia đình từ huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định tới lập ấp. Dưới chế độ thực dân phong kiến, phần đông người dân làng Ấp không có ruộng, phải đi làm thuê cho địa chủ để sinh sống. Cuộc sống hết sức cơ cực, lầm than.
Tuy nghèo khó, nhưng người dân làng Ấp luôn đoàn kết, gắn bó, sống đùm bọc thương yêu và rất nghĩa tình. Với địa hình hiểm trở, gần núi, thanh niên trong làng lại sớm giác ngộ cách mạng, trước tháng Tám năm 1945, một số cán bộ cách mạng đã về làng Ấp xây dựng cơ sở hoạt động. Từ năm 1930-1942, làng Ấp là an toàn khu của xứ ủy Bắc Kỳ. Đình làng Ấp là nơi cất dấu tài liệu, thư báo của cách mạng và con dấu của xứ ủy Bắc Kỳ. Trong số cán bộ cách mạng về làng Ấp hoạt động ngày ấy có các đồng chí như: Đỗ Mười, Trần Tử Bình, Lê Thành, Mai Văn Thái... Trong quá trình hoạt động, cán bộ cách mạng được nhân dân làng Ấp đào hầm nuôi dưỡng, che giấu và bảo vệ; được bí mật đưa đón bằng thuyền chở vào Thung Nước và Hoa Đỏ để tránh địch...
Nhớ về thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cụ Phan Ngọc Lưỡng, 86 tuổi (con trai lão thành cách mạng Phan Ngọc Lưỡn, tên cách mạng là Phan Văn Hạnh), người làng Ấp chậm chãi chia sẻ: Ngày ấy tôi còn nhỏ nhưng cuộc sống nghèo khổ, cơ cực dưới chế độ thực dân phong kiến đến giờ tôi vẫn nhớ. Như bao gia đình khác trong làng, bố mẹ tôi không có ruộng nên phải đi làm thuê, làm mướn. Nhà tranh vách đất, mùa đông không có chăn phải đắp tải gai rách để chống giá rét. Cơm không đủ ăn phải nấu cháo loãng, nấu quả chuối xanh, ăn rau tàu bay... để chống đói. Nhà tôi ở rìa làng, để nuôi giấu cán bộ cách mạng bố mẹ tôi đào hầm thông với hào ao, phòng khi địch phát hiện cán bộ cách mạng có đường thoát ra ngoài. Cảnh nghèo, để tránh lạnh dưới hầm cho cán bộ cách mạng gia đình tôi lấy lá chuối khô lót trên nền, chăn đắp cũng là những chiếc tải gai rách như mọi người trong gia đình. Nhiều hôm không có gạo, phải cắt lúa non về xay nấu cháo nuôi giấu cán bộ. Nghèo khó, cơ cực nhưng gia đình một lòng tin tưởng theo Đảng, theo Bác, theo cách mạng. Vì vậy, khi bị phát hiện nuôi giấu cán bộ cách mạng, bị địch bắt và tra tấn hết sức dã man cha tôi vẫn tuyệt đối giữ bí mật, bảo đảm an toàn cho cán bộ, cho các cơ sở cách mạng trong làng. Đặc biệt cảm động là, dù bận lo bao việc, lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng các chú, các bác khi về hoạt động bí mật ở làng vẫn nhớ mua cho lũ nhỏ chúng tôi lúc gói kẹo vừng, khi đôi tất... làm quà.
Tiếp lời cụ Lưỡng, đồng chí Phan Quốc Văn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thọ Cầu Ấp cho biết: Theo tư liệu lịch sử ghi lại, khi giặc Pháp phát hiện làng Ấp là cơ sở cách mạng, chúng đã cho máy bay ném 4 quả bom tấn xuống làng. Làng Ấp bị san phẳng, không còn một mái nhà. 4 vị trí quả bom rơi xuống tạo thành 4 “ao bom”. Tuy nhiên, người dân làng Ấp không hề sợ hãi mà càng quyết tâm theo Đảng, theo Bác, theo cách mạng chống thực dân phong kiến giành độc lập tự do cho dân tộc, cho quê hương. Ngày 18/8/1945, làng Ấp là nơi họp mặt trận Việt Minh của huyện Kim Bảng để quyết định sự kiện quan trọng, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền huyện Kim Bảng. Ngày 20/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thành công, thoát kiếp nô lệ lầm than, trở thành người tự do, người làm chủ trên quê hương, đất nước của mình, nhân dân làng Ấp vô cùng phấn khởi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chung sức xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong kháng chiến chống Pháp, làng Ấp có 4 người con ưu tú anh dũng hy sinh, được công nhận là liệt sỹ chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều thanh niên trai tráng trong làng tình nguyện lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Làng Ấp tuy nhỏ nhưng có 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 lão thành cách mạng và nhiều du kích tiêu biểu. Hòa bình lập lại, ngày 3/1/1980 làng Ấp vinh dự được tặng thưởng “Bằng có công với nước”.
Luôn ghi nhớ: Nhờ ơn Đảng, ơn Bác, ơn cách mạng người dân mới được tự do, mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làng Ấp đã chọn ngày 19/8 - ngày Cách mạng Tháng Tám thành công là ngày hội làng của quê hương. Cụ Phan Ngọc Lưỡng vui vẻ nói: Có lẽ, chỉ làng tôi mới có ngày hội làng đặc biệt đến vậy. Vào những năm mở hội lớn, làng không rước thần, thánh như các làng khác mà rước ảnh Bác Hồ đi đầu, tiếp sau là “Bằng có công với nước”, rồi đến Bằng công nhận “Làng văn hóa”. Ngày hội làng người dân cùng ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương; tổng kết đánh giá kết quả hoạt động chung của làng trong năm, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao; tặng quà khuyến học cho các cháu học sinh có thành tích học tập tốt... Hội làng năm nào cũng vậy, rất vui và ý nghĩa.
Đồng chí Phan Quốc Văn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thọ Cầu Ấp chia sẻ thêm: Làng Ấp giờ đổi thay nhiều so với trước kia. Trong giai đoạn cách mạng mới, luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân làng Ấp tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Làng Ấp hôm nay nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng được bê tông, trải nhựa rộng rãi, khang trang, thông thoáng, có hệ thống điện chiếu sáng. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Hiện làng Ấp chỉ còn 2 hộ nghèo. Đặc biệt, phát huy truyền thống hiếu học, làng Ấp là đơn vị xây dựng được quỹ khuyến học đầu tiên của xã Tượng Lĩnh. Hiện nay làng có 2 tiến sỹ, 6 thạc sỹ, nhiều kỹ sư, y, bác sĩ và con em đang theo học các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2024), những ngày thu tháng Tám, người dân làng Ấp treo cờ Tổ quốc đỏ rợp đường đi. Cán bộ, đảng viên và nhân dân làng Ấp tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới, chung tay góp sức bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh trật tự thôn xóm, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Phạm Hiền