Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2024, Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu tổng vốn đầu tư đạt hơn 12.091 tỷ đồng, trong đó Chính phủ giao hơn 7.282 tỷ đồng; ngân sách cấp tỉnh hơn 3.018 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện, xã hơn 1.790 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch trên, ngay từ những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, ban quản lý dự án phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tập trung thu ngân sách, giải phóng mặt bằng các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ nhà thầu giải quyết các thủ tục hành chính, thi công công trình, bảo đảm giải ngân vốn theo đúng quy định.

Triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 trong điều kiện kinh tế suy thoái, nguồn thu ngân sách từ đất gặp khó khăn, các dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn thu ngân sách, tập trung giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm phấn đầu hoàn thành trong năm 2024 – 2025; đối với các nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, bảo đảm chất lượng và hoàn thành theo kế hoạch đề ra như: cầu Liêm Chính, cầu vượt nút giao đường sắt từ QL1A đến đường Lê Duẩn, nút giao Phú Thứ... Hiện nay, nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công phấn đầu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch.

Nhà thầu đang thi công đường nối 2 đền Trần thuộc khu vực xã Nhân Mỹ (Lý Nhân).

Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Ninh Bình, kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử – văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định). Dự án chia làm 2 tuyến gồm: Tuyến 1 dài 32km, kết nối QL1A theo đường 495B (giai đoạn 1) với đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, QL21A, QL21B, nối lên cầu Thái Hà, cầu Hưng Hà; tuyến 2 dài 14,6km kết nối hai đền Trần điểm đầu ở khu vực xã Trần Hưng Đạo, điểm cuối ở xã Hòa Hậu ( Lý Nhân). Tổng mức đầu tư dự án 3.600 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ kết hợp với vốn địa phương, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 – 2025. Đến thời điểm này, nhà thầu đã thi công được khoảng hơn 60% khối lượng công việc và chủ đầu tư đã cơ bản giải ngân vốn theo tiến độ khối lượng hoàn thành. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, nhà thầu đang gặp khó khăn về mặt bằng, giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Ông Hán Thành Công, Chỉ huy trưởng công trường thi công đường nối 2 đền Trần (Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN.E&C) cho biết: Quy mô tuyến đường nối 2 đền Trần có chiều dài 14,6 km, trong đó có 9,6 km mặt cắt 68m (gồm 22 m đường và dải phân cách), còn lại 5 km có mặt cắt mặt đường 11 m. Đến thời điểm này, nhà thầu đang tập trung 4 mũi thi công (từ Km0 đến Km4; Km4 đến Km6 + 600; Km6 + 600 – Km10 + 800; Km10 + 600 đến Km 14 +600). Ba mũi thi công đầu đã cơ bản làm xong nền đường lớp K95, còn lại mũi 4 từ Km10 + 600 đến Km 14 + 600 nhà thầu đang tiếp cận mặt đường. Về cơ bản chủ đầu tư bàn giao mặt bằng đến đâu nhà thầu thi công ngay đến đó.

Tuy nhiên, hiện nay trên toàn tuyến còn vướng 5 điểm từ Km1 + 700 – Km2; từ Km3+500 – Km3 + 900 khu vực xã Trần Hưng Đạo; từ Km10 + 800 – Km11+ 500 khu vực xã Tiến Thắng; từ Km 12+ 700 – Km13+200; từ Km13 + 400 – Km 14+ 600 khu vực xã Hòa Hậu chủ đầu tư chưa bàn giao được mặt bằng. Đơn vị thi công đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Bởi khi nhận thi công nhiều điểm phải xử lý nền đất yếu mất 3-6 tháng, trong khi dự án lại phấn đấu thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2024 và hoàn thành tuyến đầu năm 2025. Ngoài khó khăn về mặt bằng, dự án còn gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát để đắp nền do thiếu nguồn và giá vật liệu xây dựng tăng cao so với giá nhà nước quy định. Để sớm giải ngân vốn đầu tư công của dự án, nhà thầu đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, những tháng cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; các địa phương lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, từng quý; chủ đầu tư dự án tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án.

Đồng thời, các ngành, địa phương chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân trong nội bộ theo quy định, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.

Đặc biệt, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án để bàn giao cho nhà thầu thi công theo đúng kế hoạch; cần ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án quan trọng. Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy