Kỷ niệm Điện Biên

Cách đây vừa tròn 20 năm, dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004), cha tôi khi ấy 79 tuổi, là một trong những Chiến sỹ Điện Biên được mời trở lại thăm chiến trường xưa. Thật tiếc, đến thời điểm đăng ký tham gia đoàn thì cha tôi yếu, không đi được. Trong sự tiếc nuối, một lần nữa cha tường tận kể cho tôi nghe chuyện 9 năm trường kỳ kháng chiến, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đấy cũng là lần cuối cùng tôi được nghe cha kể chuyện Điện Biên!

Kỷ niệm của cha…

Nhiều năm rồi, cứ mỗi khi đến ngày chiến thắng, cha lại kể cho tôi nghe chuyện tham gia du kích chống giặc càn quét mở rộng vùng chiếm đóng ở nông thôn, đồng bằng; rồi chuyện hành quân gian khổ, băng rừng, vượt dốc, "khoét núi, ngủ hầm"; chuyện kéo pháo vào trận địa làm hầm, ngụy trang cẩn thận cho pháo chỉ chờ giờ phút khai hỏa nhưng rồi lại kéo pháo ra, chuyển từ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định vô cùng khó khăn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Cha kể rằng, ngày ấy, quê tôi cũng như bao làng quê khác là vùng tạm chiếm, giặc Pháp thường xuyên đi càn quét, lùng sục vào làng bắn giết, bắt bớ… Cuối năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến. Cha tôi khi ấy người nhỏ thó, ốm nhom, tham gia dân quân du kích tại địa phương.

Cha tôi nhớ lại “Năm 1949, trong một đợt tuyển quân tăng cường lực lượng, do thấp bé, nhẹ cân, phải năn nỉ mãi mới được chấp nhận nhập ngũ”. Sau được biên chế vào Đại đoàn 312, tham gia chiến đấu nhiều trận, góp phần cùng đơn vị lập nhiều chiến công. Tham gia chiến dịch, cha tôi bị thương nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu, không sợ hy sinh. Kết thúc chiến dịch thắng lợi, cha tôi đã được tặng thưởng Huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”, Kỷ niệm Chiến thắng và sau này được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba…

Kỷ vật Điện Biên của cha tôi.

 Và kỷ niệm của con

Khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, nghe cha kể chuyện kháng chiến, trong tôi luôn thầm ước một ngày nào đó được tận mắt ngắm nhìn vùng đất lịch sử một thời cha đã cùng đồng đội “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Thật không ngờ, sau khi tốt nghiệp cấp III, điều mong ước ấy đã thành hiện thực. Nhập ngũ tháng 2/1987, tôi cùng hàng nghìn thanh niên Hà Nam Ninh vinh dự được nhập vào Đoàn quân tình nguyện Việt - Lào thuộc Mặt trận 379, đóng quân ở tỉnh U-Đôm-Xay. Sau một thời gian làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào, đơn vị được trở về nước, tôi được biên chế vào đại đội 34, Tiểu đoàn 16 Pháo phòng không 37 ly trực thuộc Mặt trận 379 (sau là Sư Đoàn 379), làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Mường Thanh và vùng trời Điện Biên.

Gần 40 năm đã trôi qua nhưng trong tôi vẫn đầy ắp hình ảnh thị xã Điện Biên (thuộc tỉnh hợp nhất Lai Châu) ngày ấy. Một thị xã miền sơn cước đầy nắng và gió với bốn bề rực rỡ hoa ban trắng. Những con đường mỏng manh, gồ ghề dài tít tắp đến các bản làng xa xôi. Một Điện Biên khiêm nhường, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chúng tôi vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng Điện Biên. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, tôi đã may mắn hai lần được trở lại Điện Biên công tác.

Lần đầu trở lại Điện Biên sau hơn chục năm rời quân ngũ tôi đã thấy nơi đây thay “áo mới”. Cả nước vì Điện Biên, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đã làm cho diện mạo nơi đây không còn là một thị xã nghèo nàn như trước nữa, mà đã trở thành thành phố theo Nghị định số 110/2003/NĐ-CP, ngày 26/9/2003 của Chính phủ và ngay sau đó là thủ phủ của tỉnh Điện Biên, tách ra từ tỉnh Lai Châu ngày 01/01/2004. Một cảm xúc vui mừng ùa về trong tôi như chính sự thay đổi của quê hương mình vậy.

Nhớ lại, sáng ngày 20/4/1987, khoảng 1.200 chiến sỹ trẻ chúng tôi hành quân từ Khoái Châu (Hải Hưng, nay là tỉnh Hưng Yên), qua Thủ đô Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La và chiều ngày 24/4 đoàn đến Điện Biên, dừng nghỉ gần cửa khẩu Tây Trang trước khi sang làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào. Nghỉ lại một đêm ở chân cửa khẩu Tây Trang, màn đêm buông xuống, đây đó, xa xa trên những triền núi có rất nhiều điểm sáng do bà con đốt nương, làm rẫy. Trong bản, thấp thoáng những đốm lửa đầu sàn, chị em đang se sợi dệt vải xen lẫn tiếng nói cười. Bà mẹ Thái trải đệm bông lau mới tinh còn thơm mùi vải và nói “Các con bộ đội ngủ ở đây”. Mặc dù rất mệt, song mãi tôi không sao chợp mắt được. Sáng tinh sương, con gà rừng chưa thức dậy, mẹ đã dậy đồ xôi, gói cho bộ đội mang đi đường ăn. Một tối dừng chân thôi nhưng đã đọng trong tôi biết bao kỷ niệm đến tận bây giờ.

Sau một thời gian công tác tại Bắc Lào, chúng tôi được lệnh trở về Điện Biên, đóng quân ngay bên cạnh sân bay Mường Thanh. Bên dòng sông Nậm Rốm, nơi trung tâm là khu hành chính vẫn còn đơn sơ, chợ Điện Biên lúp xúp nhưng cũng khá nhiều hàng hóa nông, lâm, thổ sản của bà con dân tộc mang từ núi xuống bày bán. Đối diện Đồi A1 là Bảo tàng Điện Biên Phủ cũng vẫn đơn sơ với sa bàn và hàng trăm hiện vật, tranh, ảnh trưng bày. Xa xa là các di tích đồi C1, E1, Độc Lập, Hồng Cúm, Him Lam… và những bản làng thấp thoáng dưới lùm cây xanh. Ngày ấy, ngoài khu trung tâm hành chính, sân bay, bến xe, chợ Điên Biên, đội sản xuất, các nơi khác dân cư thưa thớt, đường xá đi lại khó khăn.

Năm 2013, chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lần thứ hai tôi được cùng đồng nghiệp trở lại nơi đây. Thành phố Điện Biên đã được đầu tư xây dựng khá hiện đại. Những tòa nhà công sở bề thế, những khu dân cư đông đúc; những con đường rộng thênh thang trải nhựa phẳng lì chạy xa tít tắp đến tận các bản làng xa xôi. Hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân. Chợ Điện Biên được xây dựng quy mô, khang trang. Khu dân cư được quy hoạch; những công trình xây dựng, khách sạn, nhà hàng mọc lên soi bóng hai bờ Nậm Rốm. Dòng Nậm Rốm, cùng với di tích lịch sử cầu Mường Thanh, đã có thêm các cầu Thanh Bình, A1…, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và đi lại của nhân dân. Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân tăng đáng kể so với khi tôi bắt đầu đặt chân lên mảnh đất này…

Dẫu biết rằng, Điện Biên vẫn còn bao gian khó, song diện mạo nơi đây đã và đang đổi thay từng ngày. Sự ưu tiên đầu tư của Nhà nước vào những công trình di tích lịch sử để đồi D1 uy nghi với Tượng đài chiến thắng nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; hay công trình Bảo tàng Điện Biên Phủ, hầm Đờ - Cát, đồi A1… được đầu tư tôn tạo xứng tầm lịch sử. 70 năm trước “Dốc Pha Đin, chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát”, cả nước cùng ra mặt trận để làm nên chiến thắng. Và bây giờ cả nước đã và đang chung tay xây dựng Điện Biên ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng tầm.

Năm nay, dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tuy tôi không có điều kiện trở lại thăm Điện Biên, song qua thông tin báo chí, được biết tỉnh Điện Biên nói chung, thành phố Điện Biên Phủ nói riêng đã và đang được Đảng, Nhà nước và cả nước hướng về đầu tư, góp sức xây dựng để xứng tầm lịch sử; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Những ngày này, thành phố Điện Biên Phủ đang rực rỡ cờ hoa, với nhiều hoạt động chào mừng, người người vui khôn tả, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên với niềm tin thắng lợi to lớn hơn!

Trần Quyết

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy