Giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì

Dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn, với những thay đổi mạnh mẽ cả thể chất và tinh thần do sự phát triển của các hoóc môn. Thông thường, tuổi dậy thì ở bé gái từ 8 - 13 tuổi và bé trai thì thường muộn hơn, khoảng từ 9 - 14 tuổi. Đây được xem là giai đoạn “khủng hoảng” ở trẻ, rất cần sự quan tâm, định hướng của cha mẹ thông qua những cuộc trò chuyện cởi mở trên tinh thần: thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành và dẫn dắt.

Cha mẹ nên là người đồng hành và hướng dẫn con trong độ tuổi dậy thì.
Ảnh minh họa

Cha mẹ “sốc” vì sự nổi loạn của con

Chị Thanh Hường (phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý) điếng người khi tận mắt nhìn thấy cô con gái 13 tuổi phì phèo thuốc lá điện tử. Vốn là một đứa trẻ hiền lành, học giỏi, bố mẹ đặt bao kì vọng nhưng từ khi bước vào lớp 7, con gái chị thay đổi tính nết, trở nên ương bướng tới mức bố mẹ, gia đình phải chịu những “cú sốc liên hoàn”. Hết đua đòi với bạn bè chưng diện mốt áo hở rốn, quần rách te tua, không mặc đồng phục trường quy định… đến yêu đương, hẹn hò với mấy cậu con trai xăm trổ. “Dù trước đó đã được nghe mọi người nói nhiều về giai đoạn ẩm ương của bọn trẻ nhưng tôi không nghĩ nó lại kinh khủng vậy. Mình nói một thì con cãi hai, thậm chí còn vùng vằng giận dỗi, đóng chặt cửa nằm cả ngày trong phòng không ăn uống gì. Đôi lúc tôi có cảm giác đứa con gái mình dứt ruột đẻ ra giờ như không phải con mình” - chị Thanh Hường bộc bạch.

Cùng chung cảnh ngộ, gần một năm trở lại đây chị Minh Anh (phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) thường xuyên bị nhà trường “mời” lên làm việc vì cậu con trai 14 tuổi  học hành sa sút, tóc nhuộm vàng hoe, thường xuyên trốn tiết đi chơi điện tử, lấy trộm tiền của bạn… Không ít lần chồng chị nổi cơn thịnh nộ, đánh con  nhưng nó vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí, càng ngày càng lì lợm, tỏ thái độ ngang ngược, bất cần, thách thức bố mẹ, khiến không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, căng thẳng. Đỉnh điểm của sự đau khổ, bất lực là khi chị Minh Anh vô tình đọc được những dòng tin nhắn con gửi cho bạn tâm sự rằng căm thù bố mẹ, chỉ muốn được thoát khỏi ngôi nhà lúc nào cũng ngột ngạt như nhà tù…

Đồng hành giúp con vượt qua “khủng hoảng dậy thì”

Theo các chuyên gia, tuổi dậy thì của trẻ em hiện nay thường bắt đầu sớm hơn (khoảng 9 - 10 tuổi) và bị tác động bởi rất nhiều yếu tố như: môi trường sống, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, thông tin trên mạng internet, qua sách báo, bạn bè.

Ở giai đoạn này, về thể chất, trẻ có hiện tượng vỡ giọng, mọc râu, lông… Về cảm xúc, hệ thần kinh của lứa tuổi này có quá trình hưng phấn mạnh hơn ức chế nên trẻ nhạy cảm, tự tôn cao, rất dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng với những biểu hiện như: stress, bướng bỉnh, cáu gắt, đánh nhau, hút thuốc, mê điện tử, sống khép mình… Nếu phụ huynh sử dụng bạo lực hay la mắng con trước mặt mọi người sẽ khiến trẻ bị tổn thương,  khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một xa, thậm chí có nguy cơ mất kết nối, đẩy trẻ vào hành động tiêu cực.

Cha mẹ không nên kiểm soát gắt gao, không áp đặt con theo ý của người lớn mà phải động viên, khuyến khích con phát triển trên nền tảng tố chất của chính con. Tuyệt đối không phê bình, phán xét, so sánh con với người khác. Tăng thời gian tương tác với con thông qua những hoạt động mang tính gắn kết như cùng xem phim, đi du lịch, làm thiện nguyện. Khuyến khích con chơi thể thao, đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách dành cho tuổi mới lớn.

Việc trẻ ở độ tuổi dậy thì phạm sai lầm là điều khó tránh. Thay vì đánh mắng hay chỉ trích con một cách nặng nề, cha mẹ cần đồng hành cùng con bằng sự đồng cảm, biết lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ. Muốn làm được điều đó, cha mẹ cần thay đổi để thích ứng. Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải hiểu đặc điểm tâm lý lứa tuổi thiếu niên, phải quản lý tốt cảm xúc của mình, đồng thời là tấm gương về cách sống cho con cái học tập. Cha mẹ không nên kiểm soát gắt gao, không áp đặt con theo ý của người lớn mà phải động viên, khuyến khích con phát triển trên nền tảng tố chất của chính con. Tuyệt đối không phê bình, phán xét, so sánh con với người khác. Tăng thời gian tương tác với con thông qua những hoạt động mang tính gắn kết như cùng xem phim, đi du lịch, làm thiện nguyện. Khuyến khích con chơi thể thao, đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách dành cho tuổi mới lớn.

Khi trẻ có những phản ứng chưa đúng mực hoặc gặp vấn đề khó xử, cha mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, giải thích, hỗ trợ con kịp thời, đúng lúc, giúp con rút ra những bài học và trưởng thành hơn sau mỗi “sự cố”. Hãy tán dương, ghi nhận cố gắng, thành tích và cả những hành vi tích cực của con. Chủ động trang bị cho con những kiến thức về chăm sóc bản thân, về giới tính, về quan hệ tình bạn, tình yêu. Những kiến thức này không chỉ dựa trên kinh nghiệm của các bậc cha mẹ mà phải là kiến thức được cập nhật thường xuyên, khoa học, phù hợp với tâm sinh lý của trẻ. Khi trẻ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý nặng như: trầm cảm, mất ngủ, lạm dụng chất kích thích, chán ghét bản thân, nghĩ quẩn… cần đưa con đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để tư vấn, điều trị sớm nhất.

Tâm lý tuổi dậy thì rất phức tạp, khó lường vì thế “chìa khóa” để cha mẹ giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này một cách tốt nhất chính là sự lắng nghe, kiên nhẫn, đồng hành và thấu hiểu để có thể nắm bắt được tâm lý của con, từ đó đồng cảm, sẻ chia và hướng những suy nghĩ, hành động của con sao cho tích cực nhất.

Hoàng Oanh (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy