Năm học mới 2024-2025 đã chính thức bắt đầu. Cùng với công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) học đường cũng được các cấp, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm. Để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh, một trong những giải pháp được cơ quan chức năng khuyến nghị đưa ra, đó là tích cực phối hợp tuyên truyền gắn với tăng cường kiểm tra, xử lý, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Theo thống kê từ ngành chức năng, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 47 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm 9 em chết, 56 em bị thương; riêng 8 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ TNGT liên quan đến học sinh làm 1 em chết, 21 em bị thương. Cùng với đó, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 976 trường hợp, phạt tiền gần 400 triệu đồng. Đây là con số đáng báo động và cần có sự đánh giá tổng thể, căn cơ, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu nhằm kéo giảm TNGT liên quan đến học sinh.
Kết quả phân tích nguyên nhân những vụ TNGT liên quan đến học sinh cho thấy, tai nạn xảy ra chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận học sinh chưa cao; thiếu quan sát, không nhường đường, phóng nhanh, vượt ẩu… Các hành vi vi phạm quy định về TTATGT đối với lứa tuổi học sinh thường xảy ra phổ biến, như: điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện khi chưa đủ tuổi; không chấp hành tín hiệu giao thông; không có giấy phép lái xe (GPLX), không đội mũ bảo hiểm (MBH); đi dàn hàng ngang, chở quá số người cho phép… Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm giáo dục con em đúng mức hoặc quá nuông chiều, để con em mình tự do sử dụng phương tiện theo ý thích. Nhiều gia đình cho con em tự điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện dù biết con chưa đủ tuổi và việc làm đó tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về TNGT. Cá biệt, có một số phụ huynh còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục, khi con em vi phạm TTATGT còn tỏ thái độ thiếu hợp tác với lực lượng chức năng, bao che hành vi vi phạm của con em mình. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), nhất là phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT đối với học sinh tại một số nhà trường tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Một số chỉ thị, kế hoạch khi mới ban hành được các đoàn thể, đơn vị tổ chức triển khai nhưng sau đó lại lơ là, hoặc triển khai mang tính hình thức, thiếu sự kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, thiếu đồng bộ (thiếu biển báo, thiếu đèn tín hiệu giao thông, gờ giảm tốc…), tạo nên một số “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” nguy cơ xảy ra TNGT. Mặt khác, việc xử lý học sinh vi phạm TTATGT mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, dẫn đến tâm lý đi lại tự do mà chưa lường hết được những nguy cơ TNGT có thể xảy ra. Thêm vào đó, luật quy định cho phương tiện giao thông, như xe gắn máy dưới 50cm3. xe máy điện còn chưa chặt chẽ, cần xem xét, bổ sung luật đối với các loại phương tiện này. Ở một khía cạnh khác, công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục giữa nhà trường và ngành chức năng, giữa nhà trường và gia đình chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong học sinh chưa cao. Điều đáng nói, khi TNGT xảy ra, hậu quả thường rất nặng nề, nhất là đối với lứa tuổi học sinh, nhiều trường hợp dẫn đến thương tật, ảnh hưởng rất tiêu cực đối với sức khỏe, trí tuệ, khả năng lao động, học tập của các em, gây tốn kém chi phí, thời gian, công sức phục vụ điều trị của thân nhân, gia đình. Thậm chí có những trường hợp tử vong để lại mất mát, đau thương vô cùng lớn cho người thân.
Trước thực trạng đáng lo ngại về việc TNGT liên quan đến học sinh có chiều hướng gia tăng trên địa bàn cả nước thời gian qua, ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Mới đây nhất, ngày 20/8, Chính phủ đã có Công điện 81/CĐ-TTg về bảo đảm TTATGT trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 31, Công điện 81 của Chính phủ, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ TNGT liên quan đến học sinh, thiết nghĩ, cần phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cùng sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng chức năng. Theo đó, các cấp, ngành cần quan tâm huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế tốc độ gia tăng phương tiện giao thông hiện nay. Với Sở Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT), cần ban hành văn bản quy định thống nhất, phù hợp về việc xử lý học sinh vi phạm trong lĩnh vực này, qua đó giúp các nhà trường có thêm cơ sở pháp lý đồng bộ trong thực hiện công tác quản lý, xử lý vi phạm; tiếp tục phối hợp ngành chức năng đổi mới nội dung, hình thức TTPBGDPL về TTATGT, chú trọng tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để học sinh dễ ghi nhớ, dễ hiểu, dễ liên hệ, áp dụng thực hiện. Đồng thời, tăng cường thông tin rộng rãi những vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến học sinh để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh, giáo viên, học sinh trong việc chủ động, tự giác phòng, tránh TNGT. Lực lượng công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, các nhà trường đẩy mạnh TTPBGDPL về TTATGT, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia ATGT cho học sinh; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, xử lý đối với học sinh vi phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với học sinh vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có GPLX, không đội MBH, chạy quá tốc độ, chở người quá quy định, lạng lách, đánh võng, tụ tập gây rối trật tự công cộng. Cùng với đó, xử lý nghiêm những trường hợp cha, mẹ giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định. Đặc biệt, chú trọng duy trì trao đổi thông tin về vi phạm TTATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý, giáo dục, nhằm phát huy tính hiệu quả cao nhất trong việc bảo đảm ATGT đối với học sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Đặc biệt, phụ huynh không giao xe mô tô, xe gắn máy khi các em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để phòng tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ông Ngô Quang Tuệ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong quản lý học sinh khi tham gia giao thông; không để học sinh chưa đến tuổi, chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy đến trường. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng địa phương yêu cầu các đơn vị, hộ dân giữ xe xung quanh khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe máy từ 50cm3 trở lên của học sinh. Các đơn vị, trường học khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông báo về học sinh điều khiển XMT, XGM không đúng quy định hoặc vi phạm pháp luật về TTATGT phải có trách nhiệm mời cha mẹ học sinh đến làm việc, thông báo rõ vi phạm và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục, cam kết không tái phạm. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần rà soát, phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu lắp camera trước cổng trường nhằm ghi nhận hình ảnh trường hợp học sinh vi phạm giao thông để làm căn cứ xử lý, bình xét thi đua.
Trần Ích