Tích cực phòng, chống dịch bệnh ở các vùng bị ngập lụt

Trong đợt mưa kéo dài những ngày qua, Hà Nam có nhiều vùng bị ngập lụt, không chỉ gây ảnh hưởng về kinh tế, đời sống của người dân mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Thôn Lê Lợi của xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý có 320/420 hộ bị ngập trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua. Trong những ngày bị ngập lụt, Trạm Y tế (TYT) xã đã tuyên truyền cho người dân về giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, cách phòng chống một số bệnh phổ biến hay xảy ra như tiêu chảy, nước "ăn" chân, cách xử lý để có nước sạch trong sinh hoạt.

Đơn vị cũng chuyển 500 viên thuốc cloramin B dùng làm sạch nước để y tế thôn phát cho các hộ dân có nhu cầu. Sáng 4/8, khi nước đã rút hết, TYT xã tổ chức phun thuốc khử khuẩn ở một số khu vực công cộng có nhiều nguy cơ mất VSMT, tuyên truyền để người dân tự dọn VSMT trong gia đình và đường làng ngõ xóm.   

Cán bộ Trạm Y tế xã Phù Vân (TP. Phủ Lý) phát tờ rơi và hướng dẫn người dân thôn Lê Lợi phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Vũ Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý, đợt mưa lớn kéo dài năm nay thành phố có 12/21 phường, xã có khu vực bị ngập lụt. Cụ thể, có 1.970 gia đình ở 41 tổ dân phố, thôn xóm bị ngập. Đến ngày 3/8, vẫn còn 811 gia đình bị ngập úng. Khi có mưa lớn xảy ra Trung tâm Y tế thành phố đã chủ động phối hợp với các ban, ngành thường xuyên giám sát và theo dõi tình hình ngập lụt, VSMT, nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.

Qua nắm bắt tình hình chủ động cấp một cơ số thuốc, hóa chất xử lý nước và VSMT. Đơn vị còn cử cán bộ chuyên trách xuống giám sát và theo dõi tình hình ngập lụt, công tác bảo đảm nước sạch dùng cho ăn uống, sinh hoạt,… Khi mưa đã giảm, nước bắt đầu rút trung tâm tiếp tục cử cán bộ xuống phối hợp với các TYT hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập,…

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng có những chỉ đạo cụ thể để các đơn vị y tế tuyến dưới tuyên truyền, hỗ trợ người dân bảo đảm vệ sinh trong điều kiện bị ngập lụt.

Cụ thể, trước mùa bão lụt tổ chức các lớp tập huấn về xử lý nước sạch, xử lý môi trường khi có ngập lụt xảy ra cho cán bộ y tế. Những người được tập huấn có trách nhiệm hướng dẫn lại cho cộng đồng. Ngoài ra, hướng dẫn người dân ở các vùng thường xuyên bị ngập lụt chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý nước sạch, VSMT,…

Bảo vệ nguồn nước sạch bằng cách phủ kín nilon và buộc chặt bằng dây cao su miệng giếng đào, các bể nước. Giếng khoan bịt kín vòi và cần kéo. Cán bộ y tế cũng hướng dẫn cho bà con cách xử lý nhà vệ sinh, chuồng trại gia súc khi bị ngập lụt để tránh nguồn chất thải mất vệ sinh phát tán ra nguồn nước, môi trường khi bị ngập lụt.

Trong thời gian bị ngập, để có nước sạch dùng cho sinh hoạt, hướng dẫn người dân lấy nước, để lắng cặn, dùng vải hoặc phèn chua để lọc trong (1gr phèn chua cho 20 lít nước), khử trùng nước bằng viên cloramin B. Tuyên truyền để người dân không thả rông gia súc gia cầm, tẩy uế nơi ở bằng vôi bột hoặc dung dịch cloramin B. Sau khi nước rút yêu cầu tổ chức tổng vệ sinh trên toàn địa bàn, thu gom và xử lý rác thải, xác động vật.

Hướng dẫn người dân thực hiện VSMT, vệ sinh ăn uống, cá nhân. Kiểm tra các công trình vệ sinh nếu có hỏng hóc sửa chữa kịp thời, khử khuẩn bằng vôi bột và dung dịch cloramin B.

Khi nước đã rút, công tác VSMT càng quan trọng bởi đây là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh. Bà con cần tích cực dọn vệ sinh nơi ở, đường làng ngõ phố, rắc vôi bột hoặc phun dung dịch khử khuẩn, bảo đảm nơi ở thông thoáng, sạch sẽ.

Ngoài ra, quan tâm vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân. Đây cũng là thời điểm học sinh bắt đầu đến trường. Sau một thời gian dài các lớp học đóng cửa không được sử dụng, mưa to kéo dài, nhiều nơi ngập cả trường học, vì vậy các nhà trường phải thực hiện dọn vệ sinh, khử khuẩn thật sạch sẽ trước khi đón học sinh nếu không đây sẽ là điều kiện rất dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh.  

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.