Một số khó khăn trong thực hiện BHYT học sinh

Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 332/332 trường học tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 100%. Tổng số học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT là 130.001/130.030 em thuộc diện tham gia (không bao gồm học sinh có thẻ đối tượng khác), đạt 99,98%. Duy chỉ còn huyện Bình Lục có tỉ lệ học sinh tham gia BHYT chưa đạt 100%.

Nhân viên y tế Trường THCS Bình Nghĩa (Bình Lục) sơ cứu cho học sinh gặp thương tích trong quá trình học tập tại trường.

Năm học 2017-2018 là năm thứ 9 triển khai BHYT bắt buộc với HSSV thay vì tự nguyện như trước đây. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ BHYT nhưng do mức lương cơ sở những năm gần đây được điều chỉnh tăng dần nên mức đóng BHYT của HSSV cũng cao hơn trước nhiều, hiện ở mức 525.420 đồng/học sinh/năm.

Với nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập không cao hoặc những gia đình có đông con đi học, mức đóng này thực sự là một gánh nặng.

Theo chia sẻ của ông Vũ Ngọc Minh, Giám đốc BHXH huyện Bình Lục, đây cũng chính là một nguyên nhân khiến cho việc thực hiện BHYT học sinh trên địa bàn huyện nhiều năm qua chưa đạt 100%.

Ở một số trường học, tuy cấp ủy, chính quyền và nhà trường đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, song một số phụ huynh còn khá thờ ơ với việc cho con tham gia BHYT học sinh tại nhà trường.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí đóng BHYT giai đoạn 2017-2020, người tham gia BHYT theo hộ gia đình được hỗ trợ 20% trên tổng mức đóng BHYT, có nhiều phụ huynh đã lựa chọn việc mua BHYT cho con theo hộ gia đình và không cho con tham gia BHYT tại trường để giảm bớt mức đóng.

Tuy nhiên, việc mua thẻ BHYT cho học sinh theo hộ gia đình sẽ khiến cho cơ quan BHXH gặp vướng mắc trong quá trình quyết toán tài chính cuối năm.

Cô giáo Nguyễn Thị Giang, giáo viên Trường THCS An Mỹ (Bình Lục) chia sẻ: Việc thu tiền BHYT học sinh được giao trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm các lớp. Đây thực sự là một áp lực đối với giáo viên, nhất là giáo viên ở địa bàn có nhiều khó khăn về kinh tế, nhận thức của người dân chưa cao, chất lượng và chế độ KCB cho người có thẻ BHYT còn hạn chế, chưa tạo được sự tin tưởng cho người dân.

"Tôi làm công tác chủ nhiệm nhiều năm nay và cũng có không ít năm không hoàn thành nhiệm vụ thu BHYT của học sinh. Có gia đình có tới 5 con cùng đi học, điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ có thể cố gắng cho 1-2 con tham gia BHYT. Nhưng phần lớn học sinh không tham gia BHYT đều do bố mẹ đã mua thẻ BHYT theo hộ gia đình. Trong khi đó, nhà trường và giáo viên chỉ tuyên truyền, vận động, nhắc nhở học sinh tham gia BHYT tại trường…". Cô Giang nói.

Với một địa bàn dân cư đông, trải rộng, công tác tuyên truyền người dân tham gia BHYT học sinh dù đã được triển khai tích cực từ nhà trường tới khu dân cư nhưng nhiều năm qua Trường THCS Bình Nghĩa (Bình Lục) cũng gặp phải những khó khăn chung như vậy.

Cô giáo Trần Thị Lam Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Nghĩa cho biết: Cho dù học sinh là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT nhưng với nhà trường việc thực hiện vẫn trên tinh thần vận động là chính. Mà đã là vận động thì có người thực hiện, có người không. Bản thân nhà trường cũng không có bất cứ một sự ràng buộc nào bắt học sinh phải tham gia BHYT tại trường học. Mục tiêu đạt 100% học sinh tham gia BHYT của nhà trường thực sự rất khó thực hiện...

Những khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay nếu không có những giải pháp kịp thời, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu phấn đấu có 100% HSSV tham gia BHYT vào năm học 2018-2019 của toàn tỉnh.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy