Mất cân bằng giới tính khi sinh ở TP. Phủ Lý

Cũng như các đơn vị khác trong tỉnh, những năm qua, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) ở thành phố Phủ Lý không ngừng tăng. Dù đã có những biện pháp tích cực nhưng tình trạng bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng.

Năm 2015, toàn thành phố có 2.130 trẻ được sinh ra, trong đó có 1.099 trẻ nam, 1.031 trẻ nữ. Tỷ số GTKS là 106,6 trẻ nam/100 trẻ nữ. Năm 2016, thành phố có 2.019 trẻ được sinh ra, trong đó có 1.052 trẻ nam, 967 trẻ nữ. Tỷ số GTKS là 108,8 trẻ nam/100 trẻ nữ. 9 tháng đầu năm 2017, thành phố có 1.618 trẻ được sinh ra. Tỷ số GTKS là 109,6 trẻ nam/100 trẻ nữ.

Chăm sóc trẻ sơ sinh nằm lồng ấp ở Bệnh viện Sản - Nhi Hà Nam.

Một số đơn vị có tỷ số GTKS ngày càng mất cân bằng nghiêm trọng, như phường Thanh Tuyền, Hai Bà Trưng, Lê Hồng Phong, xã Liêm Tiết... Phường Thanh Tuyền, năm 2015 có 126 trẻ được sinh ra, trong đó 74 bé trai, 52 bé gái, tỷ số GTKS lên đến 142,3 bé trai/100 bé gái. Năm 2016, toàn phường có 117 trẻ được sinh ra, trong đó 69 bé trai, 48 bé gái, tỷ số GTKS là 142,7 bé trai/100 bé gái. Phường Hai Bà Trưng, năm 2015 tỷ số GTKS là 127,8 bé trai/100 bé gái. Năm 2016 là 123,8 bé trai/100 bé gái. Phường Lê Hồng Phong, năm 2015 tỷ số GTKS là 122,8  bé  trai/100 bé  gái. Năm 2016 là 111,6 bé trai/100 bé gái. Xã Liêm Tiết, năm 2015 tỷ số GTKS là 125 bé trai/100 bé gái, năm 2016 là 121 bé trai/100 bé gái.

Năm 2015, TP. Phủ Lý có 13/21 xã, phường; năm 2016 có 12/21 xã, phường có tỷ số GTKS vượt mức an toàn cho phép (theo tính toán, mức an toàn cho phép dao động từ 103 đến 106 bé trai/100 bé gái).

Trao đổi với ông Đỗ Ngọc Chúc, Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thành phố Phủ Lý, ông cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hạn chế sự gia tăng mất cân bằng GTKS trên địa bàn, trọng tâm là thực hiện Đề án "Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS" được triển khai từ năm 2016. Thực hiện đề án, mỗi phường, xã thành lập một Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế. CLB do chủ tịch UBND phường, xã ký quyết định thành lập, chủ tịch hội phụ nữ làm chủ nhiệm, cán bộ chuyên trách dân số làm phó chủ nhiệm. Trong thực tế, việc sinh con thứ 3 có liên quan đến tình trạng mất cân bằng GTKS. Cụ thể, năm 2015 tỷ số GTKS ở lần sinh thứ ba trở lên của các bà mẹ trên địa bàn toàn tỉnh là 140,9 bé trai/100 bé gái; năm 2016 là 138,5 bé trai/100 bé gái. Vì thế, việc duy trì CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm giảm thiểu mất cân bằng GTKS. Các CLB duy trì sinh hoạt thường xuyên, nội dung tập trung vào tư vấn, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, lựa chọn giới tính thai nhi, những hệ lụy của mất cân bằng GTKS,...

Các CLB cũng tổ chức cho các cặp vợ chồng trẻ có con một bề là gái ký cam kết không sinh con thứ 3.

Ngoài các hoạt động thường xuyên ở cơ sở, mỗi năm trung tâm cũng tổ chức 2 chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Mỗi đợt truyền thông kéo dài khoảng 2 tháng. Theo đó, đoàn cán bộ dân số đến từng đơn vị xã, phường tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, KHHGĐ, bình đẳng giới, mất cân bằng GTKS...

Dù tích cực triển khai các hoạt động nhưng việc kiểm soát mất cân bằng GTKS thực sự rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có con trai vẫn còn khá nặng nề ở nhiều gia đình. Trong khi đó đời sống kinh tế khá lên, các gia đình càng có xu hướng muốn đông con và có điều kiện theo đuổi việc sinh con trai. Mặt khác, cuộc sống hiện đại nhiều rủi ro như tai nạn, nghiện hút dẫn đến HIV/AIDS nên có gia đình mặc dù đã có đủ "nếp, tẻ" vẫn muốn đẻ thêm con trai. Phúc lợi xã hội còn mức độ, người già chưa được chăm sóc tốt cũng là một nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng cố có con trai để lấy chỗ nương tựa khi về già.

Khoa học công nghệ không ngừng phát triển, các thành tựu y học mới liên tục được ứng dụng vào đời sống, trong khi việc kiểm soát sự hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi lại chưa được tốt vô tình đã "tiếp tay", làm cho tỷ số GTKS ngày càng mất cân bằng.

Khi nhận thức của người dân chưa thay đổi, khi phúc lợi xã hội còn mức độ, các cặp vợ chồng không có con trai vẫn không thể yên tâm khi về già, khi chưa quản lý chặt chẽ được các hoạt động hỗ trợ việc lựa chọn giới tính thai nhi thì việc mất cân bằng GTKS vẫn khó kiểm soát, không chỉ đối với thành phố Phủ Lý mà ở tất cả các địa phương khác.

Yên Chính

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy