Hiệu quả từ việc sắp xếp lại các đơn vị trong ngành y tế

Việc sắp xếp các đơn vị trong ngành y tế tỉnh được bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2013. Từ 31 đơn vị đến nay ngành y tế Hà Nam chỉ còn 22 đơn vị.

Đối chiếu với Thông tư 51/2015/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ngành y tế Hà Nam đã hoàn thành việc sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị trước thời gian quy định từ 2-5 năm.

Bác sỹ tư vấn tiêm phòng bệnh ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Văn Tất Phẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh nội dung này cũng như hiệu quả của các đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp lại.

P.V: Xin ông cho biết những năm qua, ngành y tế tỉnh đã thực hiện việc sắp xếp, thu gọn các đầu mối như thế nào?

Ông Văn Tất Phẩm: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh về sắp xếp một bước tổ chức bộ máy ngành y tế, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tiến hành từng bước sắp xếp, thu gọn các đầu mối đơn vị.

Trong 2 năm (2014, 2015), ngành thực hiện sắp xếp một loạt đơn vị. Trước hết, sáp nhập trung tâm y tế (TTYT) huyện với bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện thành TTYT huyện thực hiện 2 chức năng: quản lý triển khai chương trình y tế dự phòng và khám chữa bệnh (KCB). Chuyển giao trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp huyện, thành phố từ trực thuộc Chi cục Dân số tỉnh về trực thuộc UBND huyện. Sáp nhập Trung tâm Giám định pháp y tâm thần vào BV Tâm thần. Đổi tên  BVĐK Nam Lý thành BVĐK khu vực Nam Lý. Sáp nhập BVĐK thành phố Phủ Lý vào BVĐK tỉnh. Sắp xếp lại BV Phong-Da liễu thành BV Phong, chuyển chức năng và đội ngũ cán bộ KCB da liễu từ BV này về BVĐK tỉnh. Giải thể Phòng khám Đa khoa (PKĐK) Phố Cà.

Giai đoạn 2 của quá trình sắp xếp bắt đầu từ năm 2016, ngành thực hiện vừa giải thể, vừa sáp nhập, vừa thành lập mới một số đơn vị cho phù hợp yêu cầu thực tế. Cụ thể, thành lập BV Sản-Nhi Hà Nam trên cơ sở sáp nhập Khoa Sản, Khoa Nhi (BVĐK tỉnh) và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh. Thành lập PKĐK Đồng Văn trực thuộc BVĐK tỉnh. Sáp nhập Phòng Kế hoạch tổng hợp của Sở Y tế với Phòng Tài chính - Kế toán thành Phòng Kế hoạch - Tài chính. Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập TTYT Dự phòng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và chuyển chức năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ và trẻ em từ BV Sản-Nhi về trung tâm. Giải thể PKĐK Kiện Khê.

Như vậy, qua 4 năm thực hiện sắp xếp từ 31 đơn vị, hiện tại ngành y tế tỉnh chỉ còn 22 đơn vị, giảm 9 đầu mối trực thuộc Sở Y tế và 2 PKĐK trực thuộc TTYT huyện.

P.V: Thực hiện việc sắp xếp lại, khi giải thể, dồn nhiều đầu mối thành một đầu mối khó nhất là vấn đề cán bộ. Vậy vấn đề này đã được Sở Y tế xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Văn Tất Phẩm: Đúng là khó khăn nhất trong sắp xếp là công tác cán bộ. Tuy nhiên, ngành đã có những phương án hợp lý. Khi sáp nhập nhiều đơn vị thành một, với các đồng chí lãnh đạo đơn vị trong diện sắp xếp sắp đến tuổi nghỉ hưu thì động viên để tự nguyện xin nghỉ quản lý điều hành. Còn lại thực hiện điều động, bổ nhiệm cán bộ theo quy định.

Đối với những đơn vị sau khi sáp nhập có nhiều cấp phó, ngành đã xin UBND tỉnh vẫn cho giữ nguyên để từng bước sắp xếp bảo đảm số lượng cấp phó theo quy định. Việc sắp xếp lãnh đạo thuộc diện các  đơn vị quản lý, Sở Y tế đã chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Cũng từ năm 2014, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, các đơn vị trong ngành không sử dụng ngân sách để trả lương cho hợp đồng ngoài biên chế. Những vị trí viên chức dôi dư do sáp nhập nhiều đơn vị, ví dụ như vị trí kế toán cố gắng điều chuyển trong ngành hoặc chờ sắp xếp dần.

Sắp xếp cán bộ là việc phức tạp, nhạy cảm, lãnh đạo ngành trước hết đã chỉ đạo và làm tốt công tác tư tưởng để anh em hiểu và cùng chia sẻ. Thứ hai, trong quá trình thực hiện quy trình luôn bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch và đúng quy định. Vì thế, trong quá trình thực hiện sắp xếp nhiều đơn vị như thế nhưng dư luận không gợn lên vấn đề gì, không có đơn thư.  

P.V: Ông có thể cho biết sau khi thực hiện sắp xếp, hiệu quả hoạt động của các đơn vị thế nào?

Ông Văn Tất Phẩm: Mục đích của việc sắp xếp lại nhằm tinh gọn bộ máy, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, hoạt động hiệu quả hơn. Sau khi sắp xếp, hầu hết các đơn vị hoạt động tốt hơn. Ví dụ như với trung tâm dân số đưa về trực thuộc UBND huyện, thành phố tranh thủ được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho công tác dân số.

Hoặc việc sáp nhập TTYT với BVĐK huyện thành TTYT thực hiện 2 chức năng đã giảm được số lượng bác sỹ trước đây làm quản lý để tập trung cho công tác chuyên môn, khắc phục phần nào tình trạng thiếu bác sỹ trong các cơ sở điều trị ở tuyến huyện. Khi có dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm trước phải phối hợp giữa hai đơn vị, nay trong cùng một đơn vị nên điều phối thuận lợi. 

Hoặc như việc thành lập BV Sản-Nhi là để phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu nhằm đáp ứng tốt nhu cầu về khám chữa bệnh của người dân trong tỉnh thuộc chuyên khoa sản và chuyên khoa nhi, hạn chế tình trạng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, giảm chi phí cho quỹ BHYT và gia đình người bệnh. Qua 1 năm đi vào hoạt động BV Sản - Nhi đã thu dung bệnh nhân khá tốt và không để xảy ra biến cố gì. Bệnh viện đang từng bước đáp ứng mục tiêu.

P.V: Sắp xếp số lượng đơn vị nhiều, sáp nhập nhiều đầu mối thành một, vậy sau khi các đơn vị mới đi vào hoạt động có phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập gì không thưa ông?

Ông Văn Tất Phẩm: Sau khi sáp nhập cũng có một số bất cập và ngành kịp thời điều chỉnh. Ví dụ khi sắp xếp BV Phong và Da liễu năm 2015 chuyển chức năng phòng chống bệnh phong cộng đồng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục về TTYT Dự phòng tỉnh nhưng qua một thời gian hoạt động xét thấy không hợp lý nên năm 2016 lại chuyển trả chức năng này về BV Phong.

BV Sản-Nhi được thành lập, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh tỉnh được sáp nhập về đó nhưng qua một thời gian hoạt động bộ phận chăm sóc sức khỏe sinh sản khó phát huy hiệu quả nên khi thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chuyển bộ phận này về trung tâm.

Việc sáp nhập các đơn vị có nhiều cái lợi nhưng cũng dễ phát sinh các vấn đề nếu công tác quản lý điều hành không sát sao. Ví dụ ở TTYT huyện, nếu không cẩn thận sẽ chỉ quan tâm đến công tác KCB (vốn mang lại nguồn thu cho đơn vị), coi nhẹ công tác dự phòng (vốn tiêu tốn kinh phí và khó nhìn thấy những việc đã làm). Nắm được vấn đề này, lãnh đạo Sở Y tế  thường xuyên có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, yêu cầu các TTYT huyện thực hiện hài hòa 2 nhiệm vụ: dự phòng và KCB. 

Đối chiếu với yêu cầu trong Thông tư 51/2015/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ngành y tế Hà Nam cơ bản đã hoàn thành việc sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị trước thời gian quy định từ 2-5 năm.

Thời gian tới, lãnh đạo Sở Y tế  sẽ tiếp tục sát sao trong chỉ đạo, nắm bắt tình hình để phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong ngành nói chung, các đơn vị mới sắp xếp nói riêng, đồng thời phát hiện những bất cập, vướng mắc để tháo gỡ, tiếp tục sắp xếp các đơn vị nếu thấy cần thiết.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!               

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy