Ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh ho gà

Tuần qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh Ho gà có địa chỉ tại các xã: Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm); Nhân Khang (huyện Lý Nhân), Kim Bình (thành phố Phủ Lý). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm; đồng thời, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm, huyện Lý Nhân, thành phố Phủ Lý điều tra ca bệnh; đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại bệnh viện và cộng đồng.

Ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh ho gà
Tiêm vắc xin DTP là biện pháp hiệu quả phòng bệnh Ho gà. Ảnh: Tiêm vắc xin cho trẻ tại Trạm Y tế Thanh Sơn, Kim Bảng.

Hiện tại, 4 trường hợp trên đang được điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam (2 trường hợp), Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên (1 trường hợp) và Bệnh viện Nhi Trung ương (1 trường hợp).

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh Ho gà. Trong đó, 9 trường hợp đều dương tính với vi khuẩn ho gà và có địa chỉ lần lượt tại huyện Thanh Liêm (4), huyện Kim Bảng (1), thành phố Phủ Lý (3), huyện Lý Nhân (1). Hiện tại, chưa  ghi nhận trường trường có biến chứng và tử vong.

Trước tình hình trên, CDC Hà Nam tiếp tục phối hợp triển khai hoạt động tuyên truyền về biện pháp phòng bệnh. Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm, huyện Lý Nhân, thành phố Phủ Lý tiến hành điều tra, giám sát 4 trường hợp mắc bệnh Ho gà. Chỉ đạo, phối hợp theo dõi, quản lý chặt chẽ những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, thực hiện phòng chống dịch theo quy định.

Theo tài liệu của ngành Y tế, Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, do vi khuẩn ho gà gây nên. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn Ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Khi thấy trẻ có các triệu chứng: Ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài, sau cơn ho có lúc ngừng thở, tím tái; Thở rít vào sau mỗi cơn ho; Nôn sau cơn ho, thoạt đầu nôn thức ăn, rồi đến nước dãi trong suốt; Sau mỗi cơn ho trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm  mồ hôi và thở gấp cần nghĩ ngay đến trẻ bị mắc bệnh Ho gà và đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

 Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Cách phòng tránh hiệu quả nhất là cho trẻ tiêm vắc xin DTP đầy đủ. Vệ sinh phòng bệnh. Nhà ở, nhà trẻ, lớp học, vườn trẻ... phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy