Công tác phòng chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn khá nặng nề dẫn tới việc quản lý người nhiễm trở nên khó khăn.

Thống kê đến 15/3/2018, tổng số người nhiễm HIV còn sống trong toàn tỉnh là 1.020 người, số bệnh nhân AIDS còn sống là 441 người, số bệnh nhân tử vong do AIDS là 676 người.

Chưa đầy 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát hiện thêm 3 ca nhiễm HIV mới và có 4 người tử vong vì AIDS. Số người nhiễm mới HIV vẫn tăng lên qua từng năm, tập trung trong nhóm nguy cơ cao là tiêm chích ma túy, hành nghề mại dâm…

Bệnh nhân uống thuốc methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế). Ảnh: Lương Trang

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh cho biết: Phòng, chống HIV/AIDS không đơn giản so với các bệnh khác bởi tình trạng tự kỳ thị và kỳ thị; người có nguy cơ cao nhiễm HIV ngại xét nghiệm; người bệnh di chuyển, thay đổi chỗ ở, công việc không ổn định nên khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh…

Một trong những thách thức lớn nhất cho công tác tuyên truyền, chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là nguồn kinh phí. Hiện, phần lớn kinh phí cho các dịch vụ liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS có được từ nguồn hỗ trợ của các dự án, các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ này cũng đã hết thời hạn.

Nhận thức của nhân dân về phòng, chống HIV/AIDS mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng thay đổi hành vi chưa có tính bền vững và nếu công tác truyền thông không được tiến hành thường xuyên với hình thức đa dạng, tiếp cận đến người dân ở từng thôn, xóm thì nguy cơ người nhiễm HIV sẽ gia tăng.

Một khó khăn nữa chính là việc tư vấn, đưa bệnh nhân vào các cơ sở cai nghiện ma túy thay thế bằng methadone. Bác sĩ Trần Thị Mười phụ trách điều trị methadone cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Khoa phòng, chống HIV/AIDS (TTKSBT tỉnh) cho biết: Lợi ích đem lại cho người bệnh điều trị bằng thuốc methadone là rất rõ ràng. Từ năm 2013 đến nay, có khoảng 700 người được điều trị/966 người nghiện được quản lý. Điều này giúp người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV/AIDS giảm nguy cơ lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy.

Tuy nhiên, so với số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, đó vẫn là một con số khá khiêm tốn. Vì vậy, để khống chế nguồn lây ra cộng đồng, với tất cả các trường hợp xét nghiệm dương tính với HIV, chúng tôi đều tư vấn, vận động họ tham gia điều trị methadone, không cần bất cứ điều kiện nào ngoại trừ sự tự nguyện của họ. Để tiện cho người dân tại các huyện trong quá trình điều trị, bệnh nhân được chuyển về tuyến huyện và thuốc cũng được trung tâm cấp phát đầy đủ.

Trước những khó khăn hiện nay đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngành y tế sẽ tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực mạng lưới hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao.

Xây dựng mô hình truyền thông thích hợp cho từng đối tượng như: Học sinh, sinh viên, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp và người nhiễm trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao chất lượng các mô hình hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV như: giáo dục đồng đẳng, bạn giúp bạn, sử dụng 100% bao cao su, trao đổi bơm kim tiêm sạch…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện can thiệp nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai; những người có hành vi nguy cơ như tiêm chích ma tuý, mại dâm… Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy.

Xã hội hóa công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện dựa vào cộng đồng, giúp người sau cai nghiện ổn định cuộc sống. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các chương trình xét nghiệm sàng lọc tự nguyện từ tuyến cơ sở để tiện lợi cho người dân khi tham gia. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để việc triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt kết quả tốt, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Hải Yến

Hải Yến, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy