Chủ động phòng, chống bệnh sởi

Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi trên toàn quốc tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tại một cuộc họp mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế lo ngại về việc có thể bùng phát dịch sởi trong năm 2018.

Ở Hà Nam từ đầu năm đến nay, có 3 trẻ mắc sởi, trong khi năm 2017 đến thời điểm này chưa có ca bệnh sởi nào. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về vấn đề này. 

P.V: Ông có thể cho biết cụ thể về 3 trường hợp bị mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay?

Ông Nguyễn Thanh Dương: 3 cháu mắc sởi, một ở xã Nhật Tựu (Kim Bảng), một ở xã Vũ Bản (Bình Lục), một ở phường Thanh Tuyền (thành phố Phủ Lý). Khi mắc bệnh, cả 3 cháu đều dưới 9 tháng tuổi, chưa đủ tuổi tiêm phòng bệnh sởi theo lịch nên chưa tiêm vắc - xin sởi. Điều tra tiền sử dịch tễ cho thấy, trước khi mắc sởi các cháu đều bị ốm và đi điều trị dài ngày ở bệnh viện ngoài tỉnh, nhiều khả năng là bị lây chéo bệnh sởi tại các cơ sở điều trị đó. Tại địa phương chưa phát hiện các chùm ca bệnh sởi trên địa bàn.

Trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng sởi nên để có kháng thể phòng bệnh phải được truyền từ mẹ sang con. Điều tra dịch tễ cả 3 bà mẹ của 3 cháu đều không nhớ đã tiêm phòng sởi chưa.

P.V: Xin ông cho biết thực trạng tiêm phòng bệnh sởi những năm gần đây trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Thanh Dương: Tỷ lệ tiêm phòng bệnh sởi nói riêng, tiêm phòng nói chung trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đều đạt trên 99%. Trong các đợt tiêm hằng tháng chỉ trừ những cháu bị ốm không tiêm phòng được thì để lại để đợt sau khi sức khỏe bình thường sẽ tiêm bổ sung, còn tất cả các cháu trong độ tuổi đều được tiêm.

Cách đây mấy năm, ở các tỉnh, thành khác trên toàn quốc có một số ca trẻ bị các phản ứng phụ sau tiêm phòng, sau đó có tình trạng phụ huynh sợ không cho trẻ đi tiêm chủng làm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ giảm đáng kể. Trước tình hình đó, ngành y tế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các bà mẹ về lợi ích của tiêm chủng và hướng dẫn theo dõi, giám sát trẻ sau tiêm, chỉ đạo rà soát đối tượng trong độ tuổi nên tỷ lệ trẻ được tiêm phòng nói chung, tiêm phòng bệnh sởi nói riêng đều được nâng lên trong những năm gần đây.

Tư vấn tiêm phòng cho trẻ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Y. Chính

P.V: Năm 2014, dịch sởi đã bùng phát trên cả nước. Năm nay, ngay những tháng đầu năm, số trẻ mắc sởi tăng cao so với cùng kỳ. Lãnh đạo Bộ Y tế lo ngại về việc có thể tái bùng phát dịch sởi. Đối với Hà Nam, theo ông có lo ngại về việc bùng phát dịch sởi không? Khi có 3 trẻ bị mắc sởi, ngành đã triển khai những hoạt động gì thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Dương: Các hoạt động phòng chống dịch nói chung, bệnh sởi nói riêng vẫn được ngành thực hiện thường xuyên. Riêng bệnh sởi năm 2014, khi dịch sởi bùng phát trên toàn quốc, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành đã triển khai chiến dịch tiêm vắc - xin sởi-rubella cho tất cả trẻ từ 1-14 tuổi. Năm 2016, tiêm cho tất cả trẻ 16-17 tuổi. Cả 2 chiến dịch này, tỷ lệ tiêm chủng của Hà Nam đều đạt trên 99%. Ngành y tế đã thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng nói chung, tiêm phòng bệnh sởi nói riêng. Tuy nhiên, nhiều khi việc bùng phát dịch lại đến từ những nguyên nhân khách quan, ví dụ 3 cháu mắc sởi từ đầu năm đến nay khả năng cao là lây nhiễm ở tỉnh khác về, nhiều bà mẹ không nhớ rõ tiền sử tiêm chủng của bản thân. Vả lại theo chu kỳ thường 4 năm dịch sởi lại tái bùng phát. Vì thế, việc lãnh đạo Bộ Y tế lo ngại về việc tái bùng phát dịch sởi trong năm nay là có cơ sở.

Khi phát hiện mỗi ca bệnh sởi, đơn vị đều cử nhân viên y tế về tận nhà bệnh nhân để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, xác định có trường hợp khác ở gần hoặc tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh hay không. Kết quả không có bệnh nhân nào cùng khu vực với bệnh nhân bị mắc sởi. Cùng với đó, tuyên truyền gia đình, người dân trong khu vực vệ sinh nơi ở, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ngành cũng yêu cầu tất cả các trạm y tế tiếp tục duy trì nghiêm túc việc tiêm phòng cho trẻ hằng tháng, rà soát các trường hợp chưa tiêm phòng sởi và thông báo, đôn đốc gia đình cho trẻ đến tiêm. Tuyên truyền để những bà mẹ có ý định mang thai chưa tiêm phòng sởi nên đi tiêm trước khi mang thai 3 tháng.

P.V: Bệnh sởi gây ra những biến chứng nguy hiểm. Thực tế từ đầu năm đến nay, đã có một cháu ở Hà Nội tử vong do mắc bệnh sởi. Ông có khuyến cáo gì cho các bà mẹ để trẻ không bị mắc sởi? 

Ông Nguyễn Thanh Dương: Trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng sởi kháng thể phòng bệnh là qua người mẹ. Những năm qua, hầu hết những cháu mắc sởi đều ở trong thời kỳ chưa đến tuổi tiêm phòng sởi. Vì thế, để con có kháng thể trong giai đoạn chưa đến tuổi tiêm phòng sởi các bà mẹ nên tiêm phòng sởi đầy đủ. Những bà mẹ đã tiêm phòng sởi ngày còn nhỏ rồi thì thôi nhưng những người chưa tiêm, hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa nên tiêm phòng sởi trước khi mang thai 3 tháng.

Bệnh sởi do vi rút gây ra nên rất dễ lây. Để phòng tránh bệnh cho trẻ không nên cho trẻ tiếp xúc, đến gần những trường hợp nghi mắc sởi. Người chăm sóc trẻ nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn. Đồ dùng, đồ chơi cho trẻ phải thường xuyên lau rửa bằng hóa chất khử trùng. Nơi ở, trường học cần bảo đảm vệ sinh, thông thoáng. Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Khi trẻ có các biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, phát ban nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để bác sỹ cho thuốc điều trị. Nếu phát hiện sớm, có thể điều trị ngay tại gia đình theo hướng dẫn của cán bộ y tế, không cần phải đưa lên y tế tuyến trên dễ lây chéo sang các bệnh nhi khác.

Việc chủ động phòng, chống bệnh sởi ngoài sự nỗ lực của ngành y tế rất cần sự phối hợp thực hiện của người dân.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hồng (Thực hiện)

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy