Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em - Phải thay đổi nhận thức từ người lớn

Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng gây lo lắng và bức xúc trong cộng đồng. Nhiều vụ đã được đem ra xét xử nhưng cũng còn đó những vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng chỉ vì những quan niệm sai lầm từ phía người lớn.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Những năm qua, để phòng chống và ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, các ngành chức năng trong tỉnh đã rất nỗ lực trong công tác điều tra, xác minh và xử lý nghiêm minh đối với các vụ xâm hại trẻ em.

Năm 2017, Tòa án nhân dân cấp huyện, thành phố đã xét xử 4 vụ với 4 bị cáo về tội "Dâm ô với trẻ em"; xét xử 7 vụ với 7 bị cáo về tội "Giao cấu với trẻ em". Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm 1 vụ với 1 bị cáo về tội "Hiếp dâm trẻ em"; xét xử phúc thẩm 2 vụ với 2 bị cáo về tội "Dâm ô với trẻ em".

Tòa án nhân dân huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án đưa vào trường giáo dưỡng 2 trường hợp; đưa vào cơ sở giáo dục 10 trường hợp.

Về phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tiến hành xác minh, can thiệp trợ giúp 20 trường hợp trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; trong đó có 9 trẻ em bị xâm hại tình dục. Hiện đã có 3 trẻ em bị xâm hại tình dục đã được đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh...

Một buổi truyền thông về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho các em học sinh THCS và THPT trên địa bàn do Trung tâm công tác xã hội tỉnh, Hội LHPN và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Duy Tiên phối hợp tổ chức.

Tuy nhiên, bên cạnh những vụ việc đã được đưa ra xét xử vẫn còn rất nhiều những vụ việc bị khỏa lấp bởi những nhận thức và quan niệm sai lầm của các bậc làm cha làm mẹ khi có con bị xâm hại tình dục; nhất là các phụ huynh ở khu vực nông thôn.

Ví như trường hợp một bé gái 10 tuổi ở thôn Thượng, xã Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý) sau khi bị một người bạn của bố xâm hại tình dục, gia đình cũng đã làm đơn tố cáo gửi các ngành chức năng. Vụ việc đã được chuyển lên Công an thành phố điều tra, xác minh nhưng khi vụ việc đang trong quá trình điều tra thì gia đình nạn nhân lại tự nguyện xin rút đơn tố cáo. Vụ việc cũng vì thế mà lắng dần.

Trước đây, người ta thường nghĩ xâm hại tình dục chỉ xảy ra với những trẻ em từ 14 - 15 nhưng thực tế những trường hợp bị xâm hại tình dục trong thời gian gần đây lại chủ yếu rơi vào nhóm trẻ từ 4-10 tuổi, thậm chí có trường hợp em bé còn chưa đầy 1 tuổi (những đứa trẻ hoàn toàn không có khả năng tự vệ trước những đối tượng xâm hại tình dục).

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chia sẻ: Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian gần đây đã thực sự trở thành nỗi nhức nhối của không chỉ các bậc làm cha, làm mẹ. Nhiều quy chuẩn đạo đức đã bị phá vỡ; nhiều đứa trẻ phải làm mẹ bất đắc dĩ ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".

Tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục gia tăng trong những năm gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động đối với các cấp, các ngành chức năng trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, muốn phòng chống và ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, trước tiên phải thay đổi nhận thức và quan niệm sai lầm của những bậc làm cha, làm mẹ về hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Bởi có một thực tế đau lòng, khi phải đối diện với những hành vi xâm hại tình dục, các con tâm sự với cha mẹ thì nhiều bậc phụ huynh coi đó là chuyện bình thường, chỉ là những cử chỉ yêu quí và phớt lờ đi.

Đây chính là rủi ro lớn đối với các em, khi bản thân các em không nhận biết được đó là hành vi xâm hại tình dục, coi đó là hành động bình thường và chấp nhận nó. Điều đó, có nghĩa rủi ro lớn nhất bây giờ không do đứa trẻ mà hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn, vào môi trường đứa trẻ đó tiếp xúc và người định hướng cho trẻ. Vấn đề quan trọng ở đây là cha mẹ nhận thức thế nào về nguy cơ xâm hại tình dục đối với con trẻ...

Phụ huynh thì né tránh trong khi việc giáo dục giới tính cũng như cách nhận biết các hành vi xâm hại tình dục ở trong các nhà trường hiện nay chưa thực sự được coi trọng.

Qua trao đổi với một số giáo viên, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Việc giáo dục giới tính mặc dù đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong các nhà trường nhưng nội dung rất sơ sài. Thêm nữa, phần lớn giáo viên chỉ tập trung dạy kiến thức văn hóa, ít chú trọng đến giáo dục giới tính và kỹ năng sống cho trẻ. Nếu chỉ có hô hào phong trào, rồi đâu lại vào đấy, nhất là các trường ở khu vực nông thôn.

Như vậy, nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục sẽ rất cao nếu không có sự thay đổi về nhận thức và hành động của người lớn trước những hành vi được xác định là xâm hại tình dục trẻ em.

Minh Thu

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy