Bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão gây mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao nhanh đã gây ngập lụt, làm thiệt hại không nhỏ về kinh tế của một số hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên).
Trong đó, thiệt hại nhất là một số trang trại nuôi bò sữa, lợn và gia cầm ngoài bãi ven sông Hồng. Đã ba tuần kể từ khi bão số 3 đi qua, song công tác khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương đã và đang tập trung giúp người dân bị ảnh hưởng sớm khắc phục khó khăn, trở lại sản xuất.
Nghe tin bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc với cường độ siêu bão, là xã ven sông Hồng, có nhiều hộ dân và trang trại chăn nuôi bò sữa, lợn nái, lợn thịt, gia cầm, thủy cầm, cùng nhiều diện tích trồng cỏ, chuối và cây dược liệu, cấp ủy, chính quyền xã Mộc Bắc thường xuyên cập nhật tình hình bão, lũ và bám sát, thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, bảo đảm chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, lũ ngay từ đầu. Trên địa bàn xã có bốn điếm canh đê được phân công lực lượng thường trực theo quy định, bảo đảm phương châm bốn tại chỗ với đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã và đến tận hộ gia đình kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ người dân chằng chống chuồng trại, nhà xưởng, sẵn sàng di chuyển người, đồ đạc, gia súc gia cầm, thức ăn chăn nuôi… đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại do bão lũ gây ra.
Lãnh đạo UBND xã Mộc Bắc cho biết, trong những ngày xảy ra bão, lũ, đội ngũ cán bộ từ xã đến các thôn xóm, đoàn thể, lực lượng công an, quân sự… thường xuyên trực chỉ huy 24/24, cử lực lượng bám nắm địa bàn, chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bão lũ và tổ chức, tham gia các hoạt động hỗ trợ người dân di dời tài sản, vật nuôi… Tuy nhiên, do hoàn lưu bão gây mưa to, đỉnh điểm là các ngày từ 9-11/9 nước thượng nguồn đổ về lớn, dâng cao rất nhanh nên việc di chuyển đàn vật nuôi gặp khá nhiều khó khăn; hàng trăm con bò sữa, và nhiều lợn nái, lợn thịt, cùng hàng vạn con gia cầm không di chuyển kịp, bị chết, bị ảnh hưởng…, thiệt hại khá lớn.
Theo rà soát thống kê, toàn xã Mộc Bắc có 171 hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái, sau bão các hộ khắc phục được ngay; 45 hộ chăn nuôi bò sữa di chuyển được 1.171 con bò sữa, bị chết và trôi 98 con trị giá 1,960 tỷ đồng; chết hơn 1.100 con lợn, trong đó có khoảng 200 lợn nái, thiệt hại 6,6 tỷ đồng; hơn 22 nghìn con gia cầm bị chết và trôi, trị giá hơn 1,7 tỷ đồng; 4 nhà máy sản xuất gạch bị tốc mái tôn, ngập ảnh hưởng lò, trôi nguyên liệu, thiệt hại khoảng 17,526 tỷ đồng.
Mặc dù số bò sữa di chuyển được nhiều, song cũng ảnh hưởng lượng sữa rất lớn, sụt giảm khoảng 40% so với lượng sữa trước khi có bão. Các trại chăn nuôi thuộc Khu chăn nuôi bò sữa thôn Yên Bình còn hơn 300 con bò sữa không di chuyển được, chân bò bị ngập nước, như: Trại của bà Nguyễn Thị Lâm bị trôi và chết 51 con; trại của bà Nguyễn Thị Hương bị chết và trôi 11 con; trại của các ông Nguyễn Văn Can, Hoàng Văn Vĩ cũng bị thiệt hai khá nhiều... Một trong những hộ thiệt hại nhiều là hộ ông Bùi Xuân Thùy bị ngập toàn bộ hồ cá 51 mẫu và trôi 12 nghìn con vịt, thuộc khu vực bãi thôn Yên Bình (xã Mộc Bắc), mất trắng trị giá khoảng 8,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều lợn nái của các trại khác trên địa bàn xã dù có di chuyển được cũng phải bán chạy, với giá khoảng 12 triệu đồng/con, trong khi giá trị thực trước bão 30 triệu đồng/con... Ước tổng thiệt hại trên địa bàn xã khoảng hơn 56 tỷ đồng.
Anh Đinh Nho Tiến, quản lý trại bò của gia đình bà Nguyễn Thị Hương (Khu chăn nuôi bò sữa thôn Yên Bình) cho biết: Nước lũ dâng cao quá nhanh, trại có 115 con bò sữa (40 con đang cho sữa), chỉ di chuyển được 30 con. Nước lũ dâng nhanh cuốn trôi mất 4 con, chết 7 con; số còn lại bị ngập chân. Sau lũ, chuồng trại ngập ngụa, một số bò bị bệnh viêm chân, viêm vú phải chữa trị dài ngày, không lấy được sữa; lượng sữa giảm đi quá nửa… Đặc biệt, hiện tại cỏ, ngô chết hết, không có thực phẩm xanh cho bò ăn, phải thay thế bằng rơm khô, cây chuối, nhưng cũng bị mục nát và rất hiếm. Hiện trại đã thu dọn vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn chuồng trại; tập trung chăm sóc, chữa trị cho bò ốm, tổ chức trồng lại cỏ. Tuy nhiên cũng phải mất vài ba tháng mới có thể có cỏ cho bò ăn.
Theo lãnh đạo UBND xã Mộc Bắc, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bão lũ được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; huy động tối đa lực lượng hỗ trợ người dân trước, trong và sau bão lũ, góp phần giảm thiệt hại. Để giúp người dân khắc phục khó khăn sau bão lũ, địa phương đã đề nghị, kêu gọi các cấp, ngành, hội đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ vật chất, động viên tinh thần người dân bị thiệt hại. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, tổng hợp báo cáo thiệt hại của từng hộ dân, doanh nghiệp để kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài. Một trong những giải pháp ngay sau bão, lũ, đó là UBND xã đã trích một phần kinh phí hỗ trợ, động viên mỗi gia đình thiệt hại một triệu đồng; đề nghị ngành chức năng hỗ trợ vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi; lập danh sách đề nghị các ngân hàng xem xét hỗ trợ giảm lãi suất, gia hạn vốn vay, tạo điều kiện cho vay vốn mới, giúp người dân có điều kiện khôi phục, phát triển sản xuất. Đối với người chăn nuôi, cùng với việc thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tập trung chăm sóc, chữa bệnh cho đàn vật nuôi, cần chủ động nguồn thức ăn dinh dưỡng và đặc biệt triển khai ngay việc trồng ngô, cỏ để sớm có thức ăn xanh phục vụ đàn bò sữa…
Trần Quyết