Thực hiện nghiêm việc giám định sức khỏe cho lao động nghỉ hưu trước tuổi

Kể từ khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành (1/1/2016), quy định để được nghỉ hưu sớm, người lao động phải đi giám định sức khỏe. So với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã tăng tuổi giám định.

Ông Phạm Xuân Sơn, Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết: Việc thay đổi quy định này trên cơ sở Nhà nước không khuyến khích người lao động về hưu trước tuổi.

Trước đây, quy định nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Theo Luật BHXH 2014: Thứ nhất, nam phải đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.

Sau đó, mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Thứ hai, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Thứ ba, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Như vậy, người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi phải đóng đủ 20 năm BHXH trở lên, bảo đảm đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có kết quả giám định mức độ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Thị trường lao động ở Hà Nam tương đối ổn định tạo tâm lý yên tâm, gắn bó với người lao động.

Nguyên nhân khiến người lao động muốn nghỉ hưu sớm vì lo sợ sẽ bị thiệt thòi khi nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi. Bởi, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ 1/1/2018, thời gian đóng bảo hiểm đối với nữ tăng thêm 5 năm mới được hưởng 75% lương hưu. Do vậy, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng người lao động ồ ạt đi giám định y khoa để nghỉ hưu trước tuổi bằng mọi cách.

Ở Hà Nam, chuyện này không xảy ra ở mức độ gây biến động. Theo ông Phạm Xuân Sơn, Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội tỉnh, nguyên nhân do điều kiện làm việc ở Hà Nam khá tốt, công tác giám định y khoa chặt chẽ, nghiêm túc… đã làm cho tỷ lệ người lao động có nhu cầu nghỉ hưu trước tuổi không cao.

Mặc dù số lao động hiện đang làm việc tập trung ở các khu công nghiệp của tỉnh trên 50.000 người, nhưng hầu hết đều có tuổi đời và tuổi nghề khá trẻ. Thu nhập của người lao động ổn định. Nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người lao động nhằm tạo niềm tin, thúc đẩy năng suất lao động, người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp, người lao động không chịu nhiều sức ép công việc, môi trường làm việc tốt, đời sống được bảo đảm ổn định nên nhu cầu nghỉ hưu trước tuổi của người lao động không đáng kể…

Năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 58 trường hợp làm giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi đủ điều kiện. Năm 2017, số lao động làm giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi tăng lên 116 trường hợp (tính đến hết tháng 11). Đối tượng có nhu cầu nghỉ hưu trước tuổi chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa.

Ông Phạm Xuân Sơn cho biết thêm: "Điều đáng nói nhất, trong số lao động giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi, tỷ lệ nữ chiếm rất ít". Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Diện, Giám đốc Trung tâm Giám định y khoa tỉnh cho biết: Hầu hết các trường hợp đến giám định đều bị suy giảm về sức khỏe do điều kiện lao động, môi trường lao động nặng nhọc, độc hại.

Mỗi tháng, trung tâm chỉ tiếp nhận trên dưới 20 trường hợp đến giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi. Công tác giám định được thực hiện bài bản, đúng quy định, quy trình, bảo đảm nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách. Người suy giảm 81% sức khỏe trở lên là người bị tổn thương thực thể, phải có người chăm sóc, phục vụ ví dụ như thay van tim, đặt stent mạch vành, tai biến liệt nửa người…

Đối với người lao động bị suy giảm 61% sức lao động là những người có những bệnh tổn thương thực thể như bệnh về cột sống, suy giảm thị lực, thính lực nặng, bệnh huyết áp... Qua việc tiếp xúc, khám sàng lọc trước khi giám định chính thức, đa số người lao động cho biết họ cảm thấy không còn đủ sức để làm việc.

Nhiều người hiện đang làm việc tại các mỏ đá, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, sức khỏe bị giảm sút không thể tiếp tục công việc. Nếu kết quả giám định sức khỏe đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi sẽ làm cho họ cảm thấy yên tâm với cuộc sống hơn, giảm bớt những ảnh hưởng nặng nề từ nghề nghiệp. Nhưng thực tế, tỷ lệ người đến giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Nam so với các tỉnh khác không nhiều…

Việc thực hiện nghiêm túc công tác giám định sức khỏe đối với người có nhu cầu giám định sức khỏe để nghỉ hưu sớm ở Hà Nam đã góp phần tích cực bảo đảm công bằng trong việc thực hiện chính sách tiền lương cho người lao động; đồng thời, ổn định tình hình lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.