Thiếu hụt lao động chất lượng cao

Trung bình mỗi năm, Hà Nam giải quyết việc làm mới cho trên 17.000 lao động, giải quyết việc làm thêm cho trên 20.000 người. Trong khi lao động chủ yếu tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung, lao động chất lượng cao lại thiếu hụt so với nhu cầu thị trường.

"Khó kiếm lao động chất lượng cao…"

Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thu Đang, Giám đốc Công ty An Phú Hưng, một trong những doanh nhân đầu tiên mạnh dạn chuyển hướng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nam từ năm 2012. Nhờ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của chính quyền địa phương, công ty đã thuê được 22 ha đất nông nghiệp thời hạn 20 năm để sản xuất rau củ quả theo phương pháp canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 Điều kiện thuê đất của nông dân là phải sử dụng lao động địa phương. Thế nhưng, sau nhiều năm xây dựng và phát triển mô hình, bà Nguyễn Thu Đang mới chỉ sử dụng được khoảng gần 20% lao động cho dự án, còn lại phải tuyển lao động ở nơi khác. Đó là những lao động thực sự có kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao, có tinh thần làm việc tốt.

Tuy nhiên, khi tuyển lao động chất lượng cao, công ty vẫn phải mất thời gian và kinh phí để đào tạo. Bà Nguyễn Thu Đang chia sẻ, để tìm kiếm lao động phục vụ yêu cầu công việc của dự án, bà đã phải lên tận Đại học Nông nghiệp Hà Nội tìm người và chỉ nhận được mấy người về thực tập, sau đó họ không quay trở lại làm việc với lý do công việc quá vất vả. Trong vòng 3 năm, bà Đang đã đi tìm người cho vị trí giám đốc điều hành tại dự án với mức lương 30 triệu đồng/tháng, nhưng cũng không tìm được.

Lao động chất lượng cao là những người được đào tạo nghề qua trường lớp, đáp ứng được yêu cầu phức tạp của công việc, tạo ra năng suất và hiệu quả cao, có đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội.

Theo báo cáo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến nay đạt hơn 60%, trong đó qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp trên 51%. Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng lao động chất lượng cao vẫn tiếp tục diễn ra, không chỉ ở khối các doanh nghiệp FDI mà ngay cả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đối với lao động chất lượng cao rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng không có. Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo của ta cao, nhưng những yêu cầu về kỹ năng mềm đối với lao động mà doanh nghiệp cần như làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, sáng tạo, tư duy phản biện, tuân thủ công nghệ của người lao động lại chưa đáp ứng được.

Hay, ở một khía cạnh khác, sinh viên đại học ra trường mỗi năm cũng hàng nghìn người đấy, nhưng các bạn ấy chọn những ngành nghề đào tạo không đáp ứng yêu cầu thị trường lao động địa phương, thậm chí có những sinh viên tốt nghiệp kỹ sư điện, khi được phỏng vấn và yêu cầu thao tác kỹ thuật nối mạch điện thôi mà không làm được… Bà Yến cho biết cụ thể, cứ 10 sinh viên tìm việc làm thì may ra có một người đáp ứng yêu cầu công việc.

Lời giải cho bài toán lao động chất lượng cao nằm ở các trường dạy nghề hiện nay.

Chất lượng lao động chưa cao

Như vậy, chuyện bằng cấp thực tế chưa hẳn đã đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng và cũng chưa hẳn thể hiện đúng thực chất về chất lượng lao động hiện nay.

Con số lao động được giải quyết việc làm mới mỗi năm ở tỉnh ta trung bình là trên 17.000 người, đồng thời có hơn 20.000 người được giải quyết việc làm thêm. Số lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh là trên 130.000 lao động, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông.

Thực tế, phần lớn lao động của ta đáp ứng được yêu cầu thị trường do đa số doanh nghiệp ở Hà Nam đang sử dụng công nghệ chưa  cao, kể cả những doanh nghiệp FDI cũng mới chỉ đưa công nghệ lắp ráp, công đoạn sử dụng lao động ở trình độ thấp, vì thế, lao động qua đào tạo về mặt kỹ thuật có thể đáp ứng được yêu cầu. Nhưng lao động thực sự cần có thêm kỹ năng mềm mà nhiều doanh nghiệp đang muốn tuyển thì còn thiếu nhiều.

Giải thích nguyên nhân thực trạng này, bà Nguyễn Thị Yến cho rằng, trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay, việc đào tạo những kỹ năng quan trọng các trường chưa hoàn toàn làm được, những kiến thức được giảng dạy không thực sự xuất phát từ yêu cầu của người học, chương trình nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, thiếu giáo cụ giảng dạy…

Một số trường dù đã xây dựng được kế hoạch gắn kết đào tạo với việc sử dụng tạo việc làm cho học sinh, sinh viên nhưng còn lúng túng trong triển khai, mở rộng. Thực trạng chất lượng lao động  hiện nay đã dẫn một nghịch lý, có những chỗ tuyển dụng lao động gặp khó khăn, trong khi đó vẫn có hàng nghìn sinh viên đại học ra trường không có việc làm.

Lao động chất lượng cao ở Hà Nam vẫn tiếp tục là vấn đề làm khó nhiều doanh nghiệp ở Hà Nam hiện nay. Mới đây, khi Trung tâm thương mại Vincom Plaza Phủ Lý chính thức khánh thành, đi vào hoạt động, cần tuyển trên 30 đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng nhu cầu này lao động Hà Nam chưa đáp ứng được.

Một số doanh nghiệp ở KCN Đồng Văn cần tuyển chuyên viên cấp cao làm việc ở các vị trí như giám đốc điều hành, quản trị… với mức lương gần 100 triệu đồng/tháng, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đến giờ cũng chưa tìm được. Bài toán để giải cho vấn đề lao động chất lượng cao không chỉ là bằng cấp, chứng chỉ nữa, mà là chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục, dạy nghề.

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.