“Duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” là một nội dung quan trọng được nêu tại Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Điều này cho thấy, kinh phí công đoàn là một trong những nguồn lực quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm nguồn tài chính để tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở (CĐCS) hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động (NLĐ).
Công ty TNHH QP (Việt Nam) đứng chân trên huyện Thanh Liêm có gần 600 lao động. Đây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Singapore, chuyên sản xuất thiệp, giấy mời và đồ chơi làm từ giấy. Để NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, công đoàn đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ; trích nộp kinh phí đầy đủ theo quy định của pháp luật. Anh Vũ Văn Thăng, Phó Chủ tịch công đoàn công ty cho biết: Nguồn kinh phí công đoàn 2% là nguồn cơ bản quyết định hoạt động của công đoàn hiện tại. Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên mọi hoạt động về tài chính, trích đóng kinh phí công đoàn được lãnh đạo quan tâm thực hiện nghiêm túc. Việc sử dụng khoản kinh phí này luôn được công khai, minh bạch, tập trung các hoạt động thăm hỏi, tặng quà NLĐ mỗi dịp lễ, Tết, khi ốm đau, khó khăn đột xuất; tổ chức sinh nhật cho NLĐ hàng tháng; tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao… Từ đó, khích lệ NLĐ hăng say lao động, góp phần xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Cùng với Công ty TNHH QP (Việt Nam), việc trích nộp kinh phí công đoàn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Liêm thực hiện tương đối nghiêm túc. Ban Thường vụ LĐLĐ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thu, chi, quản lý tài chính công đoàn, thực hiện chi tiêu tiết kiệm, đúng mục đích, tập trung kinh phí để tổ chức các hoạt động phong trào thi đua khen thưởng, công tác tuyên truyền giáo dục, hoạt động xã hội, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. LĐLĐ huyện và các CĐCS trực thuộc đã thực hiện nghiêm túc công tác dự toán và quyết toán tài chính công đoàn theo đúng quy định. Các cấp công đoàn đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu, chi, quản lý tài chính công đoàn tại các đơn vị; gắn công tác thu, chi, quản lý tài chính công đoàn với công tác thi đua khen thưởng. Hằng năm, việc thu kinh phí công đoàn đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp của huyện đạt 100%, các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt gần 90%, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn đạt 20%; 100% CĐCS thực hiện việc thu đoàn phí theo quy định.
Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho đoàn viên, công nhân lao động nhân dịp Tháng Công nhân năm 2025.
Tại Công đoàn các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, hằng năm, số thu tài chính công đoàn đạt trên 90% so với số phải thu, đạt và vượt so với chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh giao. Ngay từ đầu năm, Công đoàn các KCN tỉnh tổ chức hội nghị triển khai các văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn của Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đến các CĐCS trực thuộc; hướng dẫn các CĐCS lập dự toán, xây dựng báo cáo quyết toán thu, chi tài chính công đoàn; tổ chức tập huấn về công tác tài chính công đoàn cho chủ tịch, phó chủ tịch, kế toán các CĐCS. Đồng thời, tập trung đôn đốc CĐCS thực hiện nộp kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua tài khoản Công đoàn Việt Nam; thực hiện việc cấp kinh phí hoạt động cho CĐCS và nộp nghĩa vụ về LĐLĐ tỉnh đầy đủ theo quy định... Nhờ thực hiện tốt việc thu, chi tài chính công đoàn, Công đoàn các KCN tỉnh duy trì hiệu quả các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ, với số tiền vài tỷ đồng mỗi năm.
Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn; hướng dẫn các cấp công đoàn tích cực đôn đốc thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, bảo đảm đạt chỉ tiêu được giao. Kết quả, hằng năm, LĐLĐ tỉnh đã hoàn thành dự toán tài chính công đoàn. Công tác chi tài chính công đoàn bảo đảm đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn và phúc lợi đoàn viên. Các chương trình “Tết sum vầy”, “Chợ Tết công đoàn”, Tháng Công nhân… đã trở thành điểm nhấn trong hoạt động công đoàn, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Tỷ trọng chi cho các hoạt động phong trào và chăm lo đoàn viên, NLĐ toàn tỉnh chiếm 60% tổng số chi trong các năm. Tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2025, LĐLĐ tỉnh và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tặng 17.026 suất quà, 260 vé xe, tổ chức 23 chuyến xe đưa 550 CNLĐ có quê xa trên 150 km về quê ăn Tết với tổng số tiền hơn 10,6 tỷ đồng; trao hỗ trợ xây dựng 7 nhà “Mái ấm Công đoàn”, trị giá 50 triệu đồng/nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Ở cấp cơ sở, đã có gần 70.000 đoàn viên, NLĐ được nhận quà.
Công tác tài chính công đoàn là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cả hệ thống đang sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức công đoàn cũng không nằm ngoài nhiệm vụ đó nên việc bảo đảm nguồn lực duy trì hoạt động công đoàn thì kinh phí công đoàn là “xương sống” tài chính để tổ chức công đoàn tồn tại và hoạt động ổn định cũng như tập trung chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ. Do đó, Luật Công đoàn năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn như hiện hành. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Đây là nguồn lực quan trọng vừa nhằm bảo đảm phúc lợi cho NLĐ, vừa thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết về “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ trong tình hình mới”, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2030 dành ít nhất 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn để chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ.
Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác quản lý tài chính công đoàn, trọng tâm là nhiệm vụ thu kinh phí công đoàn nhằm tạo nguồn lực nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về trích nộp kinh phí công đoàn; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính công đoàn; kịp thời khen thưởng, nêu gương đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân chấp hành tốt các quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức thu, nộp, quản lý tài chính, tài sản công đoàn theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng số hóa, tích cực triển khai thu kinh phí khu vực doanh nghiệp qua tài khoản Công đoàn Việt Nam, tạo sự công khai minh bạch trong thu kinh phí công đoàn. Các cấp công đoàn cần chủ động cân đối nguồn kinh phí được sử dụng hằng năm, phân bổ các mục chi đúng quy định; tổ chức chi bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đặc biệt ưu tiên chi cho các hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ.
Hải Yến