Lao động và việc làm: Vừa thừa vừa thiếu

Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu việc làm của người lao động đang không “khớp” dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu. Nhiều lý do dẫn đến thực trạng này, trong đó có sự mất cân đối trong đào tạo nghề và sự chuyển dịch lao động từ khu vực sản xuất sang khu vực lao động dịch vụ, thương mại…

Nguồn lao động có cạn?

Phân tích thực trạng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn đang gặp khó trong công tác tuyển lao động, ông Đào Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Nhu cầu của doanh nghiệp hiện vẫn lớn hơn nhu cầu việc làm của người lao động.

Hơn chục năm qua, tốc độ phát triển công nghiệp ở Hà Nam tương đối mạnh mẽ, gần hai chục khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp đi vào hoạt động thu hút hàng trăm nghìn lao động làm việc, trong đó riêng các KCN có xấp xỉ 60.000 người. Chưa kể đến các khu vực, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, số lao động có việc làm mới ngày một tăng.

Trong khi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp mỗi ngày một mở rộng, phát triển về quy mô hơn, cần một lượng lao động mới, lao động thay thế lớn hơn. Song, nguồn lao động địa phương đã được khai thác cạn nên việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Hiện nay, một số doanh nghiệp ở KCN Châu Sơn, KCN Đồng Văn đã và đang phải tuyển dụng lao động ngoại tỉnh, lao động vùng sâu vùng xa. Những chuyến xe chở công nhân đến làm việc từ các tỉnh ngày một nhiều thêm cho thấy nguồn lao động tại chỗ đang thiếu.

Các cơ sở đào tạo nghề cần liên kết với doanh nghiệp trong dạy nghề và giải quyết việc làm.

Thực trạng này nhìn thấy rõ nhất ở những phiên giao dịch việc làm tại trung tâm những năm gần đây. Trong khi nhu cầu tuyển lao động mỗi kỳ của doanh nghiệp khoảng 400 đến 500 người, nhưng lượng người tìm đến tư vấn việc làm, tìm việc làm chỉ đạt 20 đến 30% số người cần tuyển.

Điều đáng nói, số lao động tìm được việc làm tại các phiên giao dịch không nhiều, chưa đến 10%. Giải thích hiện tượng này, ông Hòa cho rằng, khi trung tâm thực hiện chắp mối, thông tin mà doanh nghiệp đưa ra lúc đó có thể làm cho người lao động thấy phù hợp, nhưng trong quá trình làm việc thực tế tại doanh nghiệp, yêu cầu của người lao động và doanh nghiệp lại không khớp nhau. Thế nên, trong 10 người được giới thiệu việc làm, chỉ 40-50% đạt được giao kết hợp đồng với doanh nghiệp.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp luôn cao hơn nhu cầu tìm việc làm của người lao động. Giữa cung và cầu có những điểm vênh nhau nên chất lượng và hiệu quả của các phiên giao dịch bị ảnh hưởng.

Trong khi đối tượng đến trung tâm tìm việc làm chủ yếu là lao động phổ thông, lao động nữ trong thời gian sinh đẻ, nuôi con nhỏ, hoặc lớn  tuổi thì yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cần những lao động có tay nghề, độ tuổi từ 18 đến 25…

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN năm 2018 trên 8.000 lao động, nhưng đến thời điểm này mới chỉ tuyển được trên 3.000 lao động.

Tuyển dụng khó

Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nhiều nhưng không được đáp ứng. Theo ông Nguyễn Văn Khuyến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Duy Tiên, do mức lương doanh nghiệp trả cho người lao động hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của họ nên nhiều người lao động đã không vào làm việc ở khu vực này, họ chuyển sang các lĩnh vực dịch vụ, thương mại ngày một đông hơn.

Đối với lao động có tay nghề, doanh nghiệp thực tế cũng rất cần, nhưng yêu cầu của họ mang tính đặc thù, trong khi lực lượng lao động được đào tạo ngoài xã hội lại không đáp ứng được yêu cầu việc làm. Vì thế trong quá trình tuyển dụng nảy sinh nhiều vấn đề như đào tạo lại lao động, đào tạo thêm…

Đối với đối tượng lao động có trình độ cao, họ có nhu cầu việc làm và mức thu nhập lớn hơn, trong khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được những yêu cầu này. Thêm nữa, trình độ chuyên môn của đối tượng lao động này chủ yếu thuộc lĩnh vực quản lý, sư phạm, công tác xã hội, kế toán… Các doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng một phần nào đó chứ không thể sử dụng hết lực lượng này. Bởi vậy, người lao động buộc phải tự chuyển đổi nghề nghiệp bằng cách học nghề khác, học những nghề mà thị trường lao động cần.

Nguyên nhân mất cân bằng thị trường lao động hiện nay do đào tạo nghề thiếu định hướng, ồ ạt, mất cân đối. Có những huyện hiện nay còn hàng nghìn sinh viên ra trường không có việc làm, một phần lớn trong số đó phải đi học nghề mới và làm công nhân.

Tuy vậy, việc làm đối với người lao động hiện nay rất đa dạng, tạo cơ hội để các đối tượng lựa chọn nghề nghiệp, phát triển kinh tế. Xu hướng chuyển đổi công việc của lao động sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ diễn ra nhanh do đây là lĩnh vực người lao động tự chủ hơn về thời gian, công việc và thu nhập. Vì thế, việc làm trong những khu vực sản xuất sẽ có khả năng ít được người lao động quan tâm.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp sẽ phải dần đổi mới công nghệ, thay thế lực lượng sản xuất bằng máy móc, công nghệ hiện đại, đổi mới việc chi trả tiền lương và các chế độ đãi ngộ nhằm thu hút lao động.

Bên cạnh đó, các trường dạy nghề cần đào tạo sát thực tế, phù hợp với từng ngành nghề và có tính chuyên môn cao, đặc biệt là các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề cần liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong đào tạo lực lượng lao động sơ cấp nghề và đội ngũ lao động quản lý để cải thiện năng suất lao động.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.