Huấn luyện an toàn lao động: Nơi chú trọng, nơi đối phó

Công tác huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ) dù đã trở thành quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động,… nhưng trên thực tế vẫn còn không ít doanh nghiệp tổ chức mang tính chất đối phó trong hoạt động này.

Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Ở Hà Nam, Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ nhất với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành, các doanh nghiệp với những hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy công tác huấn luyện về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện của doanh nghiệp. 

Chỉ là một buổi huấn luyện về kiến thức và kỹ năng lái xe mô tô an toàn dành cho cán bộ, người lao động được tổ chức tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Đồng Văn II (Duy Tiên) nhưng đã thu hút hơn 200 cán bộ, công nhân công ty tham gia với một tinh thần trách nhiệm cao.

Ông Vũ Mạnh Hùng, hướng dẫn viên Công ty Honda Việt Nam, đơn vị phối hợp tổ chức huấn luyện chia sẻ: Tham gia giao thông an toàn là trách nhiệm của mỗi công dân. Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc bảo đảm các điều kiện ATVSLĐ tại nơi làm việc đã chú ý hơn đến an toàn giao thông cho cán bộ, nhân viên công ty. Bởi lẽ, bất cứ một tai nạn nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.

Một buổi huấn luyện kỹ năng lái xe an toàn cho công nhân KCN Đồng Văn (Duy Tiên).

"Khi tổ chức khóa huấn luyện này, chúng tôi gửi giấy mời đến 21 doanh nghiệp trong KCN, nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp tham gia, trong đó Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam thực sự tham gia nghiêm túc. 10 doanh nghiệp này là những doanh nghiệp FDI." Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết.

Khác với các khóa huấn luyện  ATLĐ khác, khóa huấn luyện kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn diễn ra đúng giờ quy định về việc huấn luyện ATLĐ, bảo đảm đầy đủ các nội dung chương trình.

200 lao động được nghe các hướng dẫn viên trao đổi kiến thức về lái xe, Luật Giao thông đường bộ, làm bài kiểm tra nhanh và thực hành. Chị Nguyễn Thị Lan, một công nhân nói: Chúng tôi hằng ngày dắt xe đi làm và trở về ít ai nghĩ rằng, sức khỏe và tính mạng chúng ta không chỉ phụ thuộc vào điều kiện làm việc ở công ty mà còn trên cả đường đi. Chỉ một phút lơ là là tai nạn có thể xảy ra. Và, chúng tôi đã được tham khảo những tình huống rất thực từ những va chạm giao thông không đáng có để rút kinh nghiệm cho bản thân.

Theo chị Lan, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam hầu như năm nào cũng tổ chức huấn luyện ATLĐ cho cán bộ, công nhân công ty tham gia với các nội dung khác nhau. Mặc dù không thể tổ chức cho tất cả hàng nghìn công nhân tham gia một lúc, nhưng mỗi đợt huấn luyện, công ty đã bố trí cho vài trăm lao động được tham gia huấn luyện trực tiếp. Tại đây, lãnh đạo công ty đều có mặt giám sát từ đầu đến lúc kết thúc huấn luyện, mọi hoạt động diễn ra nghiêm túc, hào hứng.

Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trong 9 tháng năm 2018, phòng chuyên môn của Sở đã tổ chức hướng dẫn cho 215 doanh nghiệp thực hiện công tác ATVSLĐ, tiếp nhận thông báo tổ chức làm thêm từ 200-300 giờ trong năm của 5 doanh nghiệp; tiếp nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư về an toàn lao động của Công ty TNHH sản xuất đồ gia dụng Elmich, Công ty TNHH Nitoku Việt Nam…

Trực tiếp tổ chức 6 lớp xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp; phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức 2 lớp tập huấn áp dụng xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp và cho các học viên đi thực tế tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị tổ chức 4 lớp huấn luyện cho người làm công tác ATVSLĐ và người lao động làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ tiếp tục được duy trì thực hiện, tuy nhiên, công tác huấn luyện ATLĐ tại doanh nghiệp thực chất khó kiểm soát.

Thực tế cho thấy, việc huấn luyện ATLĐ ở doanh nghiệp đang đặt ra những vấn đề đáng quan tâm, đó là thực trạng tai nạn lao động, người lao động mắc các bệnh nghề nghiệp diễn ra phức tạp, trong khi đó, công tác huấn luyện ATLĐ tại các doanh nghiệp lại bị coi nhẹ. Công tác ATVSLĐ ở các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp Nhật Bản rất tốt, họ luôn tôn trọng kỷ luật lao động, tôn trọng tính mạng và sức khỏe của người lao động.

Còn rất nhiều doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất với dây chuyền cũ, ít đầu tư công nghệ nhưng lại không mấy quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động. Các khóa huấn luyện ATLĐ nếu có được thực hiện cũng ít khi bảo đảm hay tuân thủ những quy định về huấn luyện ATLĐ như tổ chức ngắn gọn, qua loa, hình thức, cốt để có “hình ảnh” đối phó với cơ quan quản lý nhà nước khi bị kiểm tra, thanh tra.

Từ thực tế công tác huấn luyện ATLĐ của các doanh nghiệp hiện nay, ông Shinichi Ichikawa, Phó Tổng  Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam cho rằng, Hà Nam đã rất quan tâm đến công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, Hà Nam cần tăng cường tổ chức nhiều khóa huấn luyện, có thể tổ chức vào những ngày thứ bảy và chủ nhật để tập trung một lượng lớn người lao động được tham gia, dần dần sẽ nâng cao được ý thức của công nhân trong thực hiện kỷ luật lao động, bảo đảm ATVSLĐ được tốt hơn.

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy