Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn

Hà Nam hiện có trên 86.000 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau nên hoạt động của tổ chức công đoàn đòi hỏi luôn luôn phải đổi mới, sáng tạo để phù hợp với yêu cầu thực tế, xứng đáng là điểm tựa vững chắc cho người lao động (NLĐ).

Với chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ, những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã từng bước phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, trở thành chỗ dựa tin cậy của NLĐ.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đang đặt ra cho tổ chức công đoàn nhiều thách thức, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến sản xuất cùng cơ hội việc làm.

Công đoàn các KCN tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho công nhân lao động Công ty TNHH Espoir Việt Nam, KCN Châu Sơn (TP. Phủ Lý).

Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả. Trong đó đáng chú ý là các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp luật; thăm hỏi, tặng quà NLĐ có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân; tham gia giám sát thực hiện các chế độ bảo hiểm cho NLĐ tại đơn vị, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tạo sân chơi cho NLĐ…

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức tốt các hoạt động đối thoại định kỳ, đột xuất giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động với NLĐ. Từ đó nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, chủ động đề xuất, kiến nghị người sử dụng lao động giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đồng thời, tạo sự đồng thuận với các chủ doanh nghiệp, giúp họ hiểu và có nhìn nhận đúng đắn về vai trò của công đoàn trong doanh nghiệp. Công đoàn cũng tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, nội quy lao động của các cơ quan,  đơn vị, doanh nghiệp, đại diện cho NLĐ ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ.

Ở nhiều công đoàn cơ sở (CĐCS), việc chăm lo cho NLĐ được thể hiện qua nhiều việc làm thiết thực. Tại Công ty cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà, KCN Đồng Văn (Duy Tiên), lãnh đạo doanh nghiệp luôn tạo mọi điều kiện cho NLĐ phát huy năng lực làm việc để hưởng mức thu nhập tốt nhất.

Sức khỏe và an toàn của NLĐ cũng được đơn vị đặt lên hàng đầu. Ban giám đốc doanh nghiệp cũng thường xuyên mở các khóa đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên. Quyền lợi của NLĐ được bảo đảm đầy đủ từ việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN; chi trả kịp thời chế độ trợ cấp thai sản, thăm hỏi khi ốm đau, tai nạn…

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan, du lịch được doanh nghiệp rất quan tâm để NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những CĐCS hoạt động tốt vẫn còn những đơn vị chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc chăm lo, bảo vệ NLĐ. Trình độ, kỹ năng của một bộ phận cán bộ công đoàn còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động công đoàn và sự tín nhiệm của NLĐ.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn hình thức; sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong chỉ đạo, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ chưa chặt chẽ, thường xuyên, các quy định về xử phạt đơn vị vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Cán bộ CĐCS trong doanh nghiệp đều kiêm nhiệm, hưởng lương của doanh nghiệp nên đôi khi ngại va chạm, không dám đấu tranh vì quyền lợi của NLĐ. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, không bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh lao động, chưa chú trọng chất lượng bữa ăn ca… vẫn còn tồn tại.

Đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tổ chức công đoàn phải có sự đổi mới về tổ chức và hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác chăm lo, bảo vệ NLĐ. Một trong những nhiệm vụ then chốt chính là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ công đoàn.

Trong nhiệm kỳ 2013-2018, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức được 25 lớp bồi dưỡng về lý luận nghiệp vụ công đoàn cho 100% cán bộ CĐCS. Qua đào tạo giúp cán bộ CĐCS xác định rõ vai trò của công đoàn, từ đó chọn nội dung hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp đặc thù của đơn vị; nâng cao kỹ năng thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, biết xử lý mối quan hệ trong cơ quan, doanh nghiệp.

Để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS được các cấp công đoàn chú trọng. Nhiệm kỳ 2013-2018, toàn tỉnh đã thành lập được 201 CĐCS, kết nạp được 34.522 đoàn viên mới, đạt 230% chỉ tiêu về kết nạp mới đoàn viên và đạt 124% chỉ tiêu về thành lập mới CĐCS so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI. 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh kết nạp mới 2.206 đoàn viên và thành lập mới 15 CĐCS, nâng tổng số CĐCS trong tỉnh lên 1.117 với trên 83.700 đoàn viên.

Để đạt được chỉ tiêu vận động kết nạp 16.000 đoàn viên công đoàn trở lên; thành lập CĐCS ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên trong nhiệm kỳ 2018-2023, LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của NLĐ, người sử dụng lao động về tổ chức công đoàn; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ công đoàn chuyên trách, giao cho mỗi cán bộ công đoàn chuyên trách gắn với một địa chỉ doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên…

Hoàng Hải

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.