Thi tổ hợp và những thay đổi tư duy về môn học phụ

Từ năm 2015, Kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức theo hình thức hai chung, lấy điểm để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học. Từ năm 2017, hình thức thi tổ hợp cũng được áp dụng. Mục đích của việc đưa hình thức thi tổ hợp nhằm giúp học sinh học đều các môn, khắc phục tư duy về môn học chính, môn học phụ hiện nay.

Theo đó, các thí sinh tham dự kỳ thi này sẽ phải làm 4 bài thi với 5 môn, bao gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai tổ hợp tự chọn là tổ hợp KHTN (Lý, Hóa, Sinh) hoặc tổ hợp KHXH (Sử, Địa, Giáo dục công dân). 

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vừa được tổ chức là năm thứ hai ngoài các bài thi bắt buộc, các thí sinh sẽ còn phải làm bài thi các môn trong tổ hợp tự chọn. Trong đó, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, các thí sinh THPT làm 4 bài thi (với 3 bài thi bắt buộc và 1 bài thi tự chọn trong hai tổ hợp) và có thể thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả cho xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Còn thí sinh giáo dục thường xuyên (GDTX) làm 3 bài thi (với 2 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, 1 bài tự chọn là 1 trong các môn của hai tổ hợp).

Với những thay đổi cơ bản về môn thi, hình thức thi như vậy, bên cạnh việc giúp học sinh chủ động đăng ký các môn thi dựa trên cơ sở tự đánh giá được năng lực, trình độ của bản thân còn hướng tới việc học đều các môn, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch, thi gì học nấy đã tồn tại rất nhiều năm qua.  

Việc áp dụng bài thi tổ hợp trong Kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục đích giúp học sinh học đều các môn và từng bước khắc phục tư duy môn chính, môn phụ trong giáo dục.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, toàn tỉnh có 8.716 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 2.213 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp, 6.025 thí sinh thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển cao đẳng, đại học, 478 thí sinh thi chỉ để xét tuyển cao đẳng, đại học.

Riêng về môn thi, đã có 2.752 thí sinh đăng ký dự thi bài thi KHTN (chiếm xấp xỉ 32% tổng số thí sinh dự thi), 5.438 thí sinh đăng ký dự thi bài thi KHXH (chiếm 62,4%) và chỉ có 73 thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài tổ hợp để lấy kết quả cao hơn phục vụ xét tốt nghiệp (chiếm 5,6%).

Các thí sinh tự do đã tốt nghiệp chỉ đăng ký các môn thi phù hợp với yêu cầu xét tuyển đại học, cao đẳng và có thể chọn thi các môn thành phần của bài thi tổ hợp, được xếp vào phòng thi riêng tại điểm thi theo môn thi mà thí sinh đó đăng ký.

Như vậy, bên cạnh số lượng thí sinh đăng ký dự thi các bài thi KHXH tăng mạnh so với dự kiến, trung bình mỗi thí sinh sẽ có từ 4-5 nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi các môn thi có sự chênh lệch đáng kể giữa hai tổ hợp KHTN và KHXH, song đây cũng là kết quả phản ánh đúng nhu cầu thực tế của học sinh.

Lý do cơ bản của việc thí sinh đăng ký dự thi bài thi thuộc tổ hợp KHXH tăng cao như vậy vì nhiều học sinh cho rằng việc làm các bài thi trong tổ hợp này theo hình thức trắc nghiệm dễ hơn, có nhiều khả năng đạt điểm cao hơn so với các môn thuộc tổ hợp KHTN. Đây không chỉ là yếu tố thể hiện được nhu cầu học và thi của thí sinh mà quan trọng hơn là tạo sự phân hóa, phân luồng trong và sau kỳ thi một cách tích cực hơn…

Với giáo viên dạy các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân (GDCD), khi các môn học này được chọn làm môn thi, đã bày tỏ niềm vui và gần như cởi bỏ được tâm lý "dạy môn phụ" vốn được mặc định từ lâu nay.

Như môn GDCD, từ một môn học phụ chưa bao giờ được nghĩ tới sẽ được đưa vào các kỳ thi bình thường, nhưng từ năm 2017, môn học này lại trở thành môn thi chính thức của bài thi tổ hợp KHXH trong một kỳ thi quan trọng như Kỳ thi THPT quốc gia mới thấy tư duy môn học phụ đang có xu hướng bị phá bỏ.

Vì, nếu như các môn học chính như Toán giúp phát triển tư duy và khả năng lý luận, môn Ngữ văn giúp hình thành nhân cách và khả năng lý luận về ngôn ngữ, thì các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cung cấp nhiều lý thuyết cơ bản về tự nhiên và đời sống; môn Địa lý, Lịch sử lại cung cấp cho học sinh các kiến thức chung về khoa học xã hội, môn GDCD mang tới những nhận thức và kiến thức xã hội, hoàn thiện con người về mặt xã hội.

Do đó, các môn học có tầm quan trọng ngang nhau, không môn nào là môn chính và cũng không có môn nào là môn phụ... Việc dạy học của giáo viên vì thế cũng cần phải có sự thay đổi tích cực để vừa giúp học sinh theo kịp với yêu cầu thi cử, vừa "hóa giải" lối dạy truyền thống cố hữu của một môn học luôn bị coi là môn phụ.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy