Tăng cường giáo dục hòa nhập trong trường học

Giáo dục hòa nhập (GDHN) là mô hình được đánh giá tiến bộ, khi mang tới cho học sinh, trẻ mầm non yếu thế về trí tuệ, vận động sự bình đẳng và cơ hội học tập tốt trong hệ thống các nhà trường như mọi trẻ bình thường; giúp trẻ và học sinh thuộc diện GDHN được phát triển trong môi trường tự nhiên, có thể tiếp cận và làm quen với nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng hòa nhập xã hội.

 

Trong các cơ sở giáo dục, công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật đã được quan tâm nhiều.

Ở Hà Nam, để từng bước đạt được các mục tiêu về GDHN, ngành giáo dục đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo GDHN cho học sinh khuyết tật, chỉ đạo các địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về trách nhiệm chăm sóc, giáo dục cho người khuyết tật và tổ chức để đưa học sinh khuyết tật đến trường học.

Tại các nhà trường nơi có các trường hợp học sinh thuộc diện GDHN học tập đã thực hiện tốt các quy trình như điều tra, xây dựng kế hoạch và cử cán bộ, giáo viên vận động học sinh khuyết tật trong độ tuổi đến trường. Trong từng lớp có học sinh khuyết tật hoà nhập lớp đã thành lập các nhóm bạn học để có điều kiện giúp đỡ trong sinh hoạt cũng như trong học tập. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền giáo dục học sinh về lòng yêu thương và giúp đỡ người khuyết tật, xây dựng môi trường GDHN, an toàn, chất lượng và hiệu quả cho học sinh khuyết tật.

Được biết, trong nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam chỉ đạo cho các đơn vị nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nghiên cứu các văn bản liên quan đến công tác GDHN học sinh khuyết tật. Theo đó, hầu hết các cán bộ, giáo viên trong các nhà trường đã có nhận thức đúng đắn hơn về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm cá nhân đối với việc tham gia thực hiện GDHN cho học sinh khuyết tật.

Trong kế hoạch mỗi năm học, công tác GDHN học sinh được các nhà trường xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách đối với trẻ khuyết tật, quy định về GDHN cho người tàn tật, khuyết tật; huy động xã hội hóa trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đặc thù phục vụ GDHN; huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường và bảo đảm 100% học sinh khuyết tật học hoà nhập phải có hồ sơ quản lý theo quy định.

Cùng với các hoạt động giáo dục trong chương trình chung, nhiều nhà trường còn tổ chức đa dạng các loại hình giúp đỡ học sinh khuyết tật trong học tập và sinh hoạt tập thể như: hình thức đôi bạn học tập, nhóm cùng bạn đến trường, trao học bổng cho học sinh khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập, biểu dương các cá nhân, tập thể có việc làm tốt giúp đỡ học sinh khuyết tật trong trường, lớp.

Về phía đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, để thực hiện các yêu cầu GDHN, ngành giáo dục đã tổ chức các lớp học và thực hành với nhiều nội dung về quản lý GDHN, phương pháp hướng dẫn và hỗ trợ học sinh khuyết tật.

Trong năm học này, trong tổng số 108 học sinh thuộc diện GDHN cấp THCS, Trường THCS Trần Quốc Toản (thành phố Phủ Lý) tiếp nhận 7 học sinh khuyết tật các dạng vận động, trí tuệ, tự kỉ tới trường.

Ngay trong kế hoạch phát triển nhà trường, bên cạnh các nhiệm vụ giáo dục chung, nhà trường còn quan tâm xây dựng quy trình GDHN cho học sinh khuyết tật theo các bước: tìm khả năng và nhu cầu của mỗi học sinh, xác định mục tiêu và lập kế hoạch học tập cụ thể, thực hiện điều chỉnh chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi học sinh, đánh giá kết quả học tập.

Do chương trình giáo dục trong trường phổ thông hiện nay chưa có riêng một chương trình cho học sinh thuộc diện GDHN nên nhà trường chủ động giao việc tiếp nhận học sinh GDHN cho các giáo viên có kinh nghiệm, có kỹ năng tiếp cận và giáo dục, yêu cầu học sinh thuộc thể khuyết tật nào thì có phương pháp giáo dục ở thể đó.

Như với việc kiểm tra, đánh giá các học sinh thuộc diện này, nhà trường chỉ đạo giáo viên các bộ môn có học sinh vẫn có thể thực hiện kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định nhưng cho làm đề riêng hoặc đánh giá theo các hình thức khác, số lượng bài trong các lần kiểm tra thường ít hơn so với các bài kiểm tra của học sinh bình thường. Thậm chí, có học sinh không áp dụng kiểm tra trên lớp mà cho bài và chấm điểm bài tập về nhà.

Tuy nhiên, theo cô giáo Đỗ Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, hiện nay, công tác GDHN trong nhà trường đang gặp khá nhiều khó khăn do tâm lý học sinh khuyết tật hay mặc cảm, tự ti, cơ sở vật chất và trang thiết bị đặc thù phục vụ cho GDHN chưa đáp ứng yêu cầu học tập và vận động của học sinh khuyết tật, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản về GDHN cũng như kỹ năng giao tiếp, phương pháp dạy học và kèm cặp, giúp đỡ học sinh khuyết tật.

Có không ít phụ huynh còn có tâm lý sợ con bị kì thị nên không hợp tác lập hồ sơ xác nhận trẻ khuyết tật nên rất khó cho nhà trường trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Chất lượng công tác GDHN vì thế cũng có những hạn chế nhất định...

Không chỉ ở Trường THCS Trần Quốc Toản, nhiều đơn vị trường học có học sinh thuộc diện GDHN theo học cũng có chung những khó khăn này. Vì thế, mặc dù trong mỗi năm học, tỉ lệ huy động học sinh khuyết tật ra lớp thực hiện các mục tiêu hòa nhập của tỉnh ta tương đối cao, có năm đạt trên 80% tổng số trẻ khuyết tật nhưng tỉ lệ học sinh hòa nhập thành công vẫn còn khá thấp.

Để giáo dục trẻ khuyết tật thực sự có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, cần phải có những giải pháp cụ thể, gắn với khả năng và nhu cầu thực tiễn của trẻ khuyết tật. Hệ thống tài liệu, sách giáo khoa, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục trẻ khuyết tật cần được xây dựng thẩm định và ban hành thống nhất, cải tiến và có bổ sung gắn với thực tiễn người học.

Cần xây dựng nội dung chương trình giáo dục bảo đảm yêu cầu kiến thức, kỹ năng cơ bản cho từng cấp học, phù hợp với mỗi loại đối tượng học sinh khuyết tật. Tăng cường các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy học sinh khuyết tật; có chế độ, chính sách cho học sinh khuyết tật và giáo viên dạy hoà nhập.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy