Phát triển hệ thống thư viện trong các trường học

Những năm gần đây, bên cạnh trang bị những kiến thức cần thiết theo chương trình giáo dục, việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh được các trường học trên địa bàn Hà Nam quan tâm theo hướng đầu tư xây dựng và đưa hệ thống thư viện mở trong nhà trường đi vào hoạt động.

Theo thầy giáo Đỗ Ngọc Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, thư viện trường học có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao văn hóa đọc, phát triển tư duy con người và có khả năng đáp ứng nhu cầu về thông tin, tri thức của giáo viên và học sinh.

Trong những năm qua, trường THCS Châu Sơn đã tích cực đầu tư, vận động xã hội hóa để cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị cũng như số lượng đầu sách cho thư viện nhà trường. Đến nay, thư viện nhà trường đã có thể cung cấp cơ bản đủ các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiệp vụ và các tài liệu khác phục vụ quá trình giảng dạy, học tập trong phạm vi nhà trường.

Cùng với các hoạt động tập thể trong nhà trường, nhiều học sinh Trường THCS?Châu Sơn (TP. Phủ Lý)?rất thích thú với tiết học thư viện.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 90% thư viện các trường học đạt chuẩn. Theo quy định chung, muốn được công nhận đạt chuẩn, thư viện các trường học phải bảo đảm tốt các tiêu chí như: có đủ các loại sách giáo khoa cho giáo viên soạn giảng, có đủ các văn bản, tài liệu nghiệp vụ, hướng dẫn của ngành, có lượng sách tham khảo phong phú, đa dạng, có phòng thư viện độc lập và được trang bị đầy đủ các trang thiết bị chuyên dùng với sự ưu tiên ngày càng cao cho các trang thiết bị hiện đại.

Chị Phan Thị Hằng, cán bộ Thư viện Trường THCS Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) cho biết: Cùng với sự đầu tư mua sắm hệ thống trang thiết bị tương đối đầy đủ cho thư viện nhà trường, cách quản lý, khai thác sách được chúng tôi thực hiện hoàn toàn trên hệ thống máy vi tính, việc mượn, trả sách và tài liệu không có tình trạng thất lạc sách, tài liệu như những năm trước đây. Hằng ngày, số lượng giáo viên, học sinh đến thư viện tìm tài liệu và đọc sách khá đông nên việc thống kê lượng sách mượn bằng cách ghi chép tay được thay thế bằng công nghệ quét mã vạch rất nhanh và hiệu quả. Hơn thế, chúng tôi còn xây dựng được một kho mở trong thư viện nhà trường để học sinh có thể vào tự quét thẻ đọc và tìm sách theo nhu cầu, sở thích…

Với mục tiêu hướng tới học sinh, mang tới cho học sinh nhiều cơ hội được đọc sách, những năm qua, cùng với các hoạt động mang tính bề nổi như tổ chức các hội thi, triển lãm, giới thiệu sách, các nhà trường còn quan tâm phát triển thư viện trường học và tủ sách lớp học, thư viện xanh. Tại mỗi lớp học ở hầu hết các nhà trường đều có một tủ sách thân thiện, huy động học sinh tự nguyện đóng góp và trao đổi các loại sách, báo, tạp chí.

Trong khuôn viên sân trường của nhiều trường tiểu học, THCS còn xây dựng được tủ sách "Thư viện xanh" đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách trong giờ ra chơi của học sinh. Bên cạnh đó, các nhà trường còn thực hiện có nền nếp quy định tổ chức 1 tiết đọc thư viện luân phiên theo từng tuần cho học sinh và chọn sách theo sở thích, nhu cầu.

Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của hệ thống thư viện trong phát triển giáo dục nói chung, đa số các nhà trường đều khá linh hoạt trong việc chỉ đạo nâng cao chất lượng mọi mặt của thư viện, không để thư viện tồn tại như một loại hình cần phải có, hoạt động kém hiệu quả, không tạo sự hỗ trợ tích cực cho hoạt động giảng dạy và học tập trong nhà trường.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư mở rộng nguồn sách, đầu sách nhưng các nhà trường đã mạnh dạn thực hiện xã hội hóa, tăng cường thực hiện luân chuyển sách giữa các thư viện trường học với các nhà văn hóa địa phương hoặc giữa các thư viện trường học với nhau, giúp hệ thống thư viện trong các trường học dần được hoàn thiện về điều kiện cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng phục vụ, chất lượng hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh được đọc sách và duy trì thói quen đọc sách.

Trên thực tế, cho dù có nhiều phương tiện giúp ích cho việc học tập, tìm hiểu tri thức các môn học và các vấn đề của cuộc sống nhưng sách vẫn là một phương tiện không hề cũ, được nhiều người quan tâm tiếp cận. Văn hóa đọc góp phần hình thành nhân cách học sinh, giúp các em phát triển toàn diện cả về giáo dục cũng như trí dục, có thêm kỹ năng sống và kiến thức liên môn đa dạng, phong phú, việc giải quyết các vấn đề của bài học cũng trở nên linh hoạt, hiệu quả hơn… Bởi vậy, cùng với việc xây dựng và phát triển hệ thống thư viện trường học, phong trào đọc sách cũng được các nhà trường phát động sâu rộng trong giáo viên và học sinh.

Trong quá trình tìm sách, đọc sách, các em học sinh đã được các thầy cô giáo định hướng về mục đích đọc sách, biết lựa chọn những cuốn sách hay, có giá trị văn hóa, phù hợp với lứa tuổi, nâng cao chất lượng văn hóa đọc. Đồng thời, các nhà trường còn tích cực tổ chức nhiều hoạt động, hình thức vận động học sinh đọc sách như: phát thẻ đọc cho học sinh được đọc sách tại thư viện nhà trường trong giờ ra chơi, luân chuyển sách từ thư viện nhà trường đến tủ sách các lớp học và thư viện xanh, giao học sinh tự quản các tủ sách, thư viện xanh, thi kể chuyện và đọc thơ trong các buổi sinh hoạt tập thể và sinh hoạt lớp…

Từ các mô hình thư viện trong trường học đã và đang giúp các nhà trường nỗ lực thực hiện có hiệu quả mục tiêu đổi mới giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm của mọi hoạt động giáo dục.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy