Hướng đi nào cho các trung tâm GDNN-GDTX?

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh được thành lập bởi sự sát nhập của hai đơn vị trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề. Sau một thời gian đi vào hoạt động, các trung tâm GDNN-GDTX vẫn bộc lộ nhiều bất cập và câu hỏi đâu là hướng đi cho các trung tâm này đang cần lời giải đáp.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên cấp THPT và đào tạo nghề, nhiều năm qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kim Bảng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tuyển sinh và cơ sở vật chất, trường lớp.

Theo lý giải của ông Trần Huy Cường, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Kim Bảng, khó khăn trong tuyển sinh có nhiều nguyên nhân. Đó là, nhận thức của người học luôn coi nhẹ chuyện học nghề, làm thợ, chỉ muốn thi vào các trường THPT công lập, sau đó học đại học hoặc cao đẳng, dù biết rằng đầu ra sau này không hề đơn giản.

Mặc dù, ngay từ tháng tư hằng năm, các trung tâm đã phân công cán bộ, giáo viên về tất cả các trường THCS và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để tuyên truyền, vận động học sinh lựa chọn học nghề và văn hóa nghề phù hợp với trình độ, năng lực bản thân. Thậm chí, sau khi có kết quả thi lớp 10 THPT, cán bộ, giáo viên các trung tâm còn về tận nhà những học sinh không đỗ để vận động gia đình và học sinh đăng ký theo học tại trung tâm GDNN-GDTX song tỉ lệ học sinh ra lớp không được nhiều.

Bởi vậy, đã qua vài năm học, Trung tâm GDNN-GDTX Kim Bảng chỉ tuyển sinh được từ 2 - 3 lớp 10. Riêng trong năm học 2018-2019, số lượng học viên lớp 10 tuyển sinh được có tăng hơn năm học trước (tăng 2 lớp với 101 học viên) nhưng là do số lượng học sinh lớp 9 THCS tăng đột biến, nhiều học sinh không thi đỗ vào lớp 10 các trường THPT công lập buộc phải lựa chọn theo học tại trung tâm để có cơ hội có được tấm bằng tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, sau hơn 2 năm thực hiện sáp nhập, trung tâm còn phải đối mặt với một số khó khăn về cơ sở vật chất khi vẫn thiếu tới 12 phòng học, phòng chức năng và phòng học nghề. Hệ thống trang thiết bị dạy học còn thiếu và ít được bổ sung, thay mới làm ảnh hưởng lớn tới chất lượng công tác dạy nghề cũng như thu hút học viên học nghề.

Một tiết học của học viên lớp 69 điện công nghiệp 2, Trung tâm GDNN-GDTX Kim Bảng.

Thực trạng này đang diễn ra khá phổ biến ở các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, việc tổ chức các lớp dạy nghề đang được các trung tâm GDNN-GDTX thực hiện chủ yếu là đào tạo tập trung theo hình thức liên kết đào tạo, các nghề đào tạo cũng ít được thay đổi về nội dung, phương pháp.

Ngay cả với giáo viên dạy các môn văn hóa cho khối GDTX ở một số trung tâm vẫn còn thiếu về số lượng, có giáo viên cùng lúc phải dạy tới 2-3 môn, không chỉ gây khó khăn cho chính giáo viên trong quá trình giảng dạy mà còn khiến cho các trung tâm thực sự lúng túng trong phân công chuyên môn và làm ảnh hưởng tới hiệu quả, chất lượng đào tạo chung, khó thu hút được người học…

Vì vậy, có những trung tâm mỗi năm cố lắm cũng chỉ mở được một lớp học nghề, các lớp học nghề ngắn hạn cũng không có nhiều học viên theo học. Việc tuyển sinh không tốt nên đã xảy ra tình trạng thừa phòng học, các phòng thực hành và hệ thống trang thiết bị phục vụ việc học các nghề như: may, điện dân dụng, nông nghiệp… rất ít được khai thác, sử dụng.

Với những khó khăn nội tại đã tồn tại quá lâu, ít được quan tâm giải quyết, các trung tâm GDNN-GDTX hầu như chỉ trông vào số học viên tuyển được hằng năm nên khá thụ động và chậm phát triển.

Các trung tâm GDNN-GDTX hiện nay muốn có sự khởi sắc và tạo động lực trong mọi hoạt động, nhất thiết phải được tự chủ về cơ chế, giúp cho các trung tâm tự tìm hướng đi một cách phù hợp nhất với khả năng và điều kiện thực tế.

Trên cơ sở định hướng hoạt động, bản thân các trung tâm không phát triển lệch quá về GDTX và coi nhẹ mảng GDNN hoặc ngược lại mà phải có sự coi trọng phát triển song hành cả hai mảng, bảo đảm chất lượng, tạo lòng tin cho các đối tượng người học và người có nhu cầu học. Trong đó, cần chủ động, linh hoạt trong việc nắm bắt nhu cầu học tập văn hóa, học nghề của người dân để đổi mới việc dạy học, xem xét lựa chọn và đưa các nghề đáp ứng đúng và trúng nhu cầu người học.

Bên cạnh đó, đối với việc phát triển đội ngũ, các trung tâm GDNN-GDTX có kế hoạch phối hợp với các trường trung học trên địa bàn trong việc xây dựng đội ngũ cốt cán, nhất là giáo viên dạy các môn văn hóa. Đồng thời, cần tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm cơ cấu đội ngũ giáo viên cơ hữu. Những giáo viên trong biên chế từng bước hạn chế việc đứng lớp mà nên làm tốt vai trò người tổ chức lớp học, về lâu dài, giáo viên trực tiếp dạy tại các trung tâm GDNN-GDTX nên là những người được thuê dạy hoặc dạy theo hợp đồng để có sự lựa chọn tốt về năng lực…                          

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.