Hiệu trưởng phải tự đổi mới để thích ứng với nhiệm vụ hiện nay

Để đáp ứng được những yêu cầu trong công tác quản lý giáo dục và phát triển nhà trường, người hiệu trưởng cần phải đạt được các chuẩn mực cần thiết, coi đây là thước đo năng lực thực chất của hiệu trưởng các trường phổ thông trong đổi mới giáo dục hiện nay.

Cô giáo Phạm Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa (TP. Phủ Lý) với các em học sinh.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 262 trường phổ thông, gồm 121 trường tiểu học, 118 trường THCS và 23 trường THPT. Việc bố trí đội ngũ nhà giáo làm công tác quản lý tại các trường phổ thông đủ về số lượng, cân đối, đồng bộ về cơ cấu, chất lượng ngày càng được nâng cao và phù hợp với thực tế địa phương.

Phần lớn đội ngũ hiệu trưởng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư cách đạo đức tốt (trong đó có cả đạo đức nghề nghiệp), đảm trách tốt nhiệm vụ được giao. Hiện, 100% hiệu trưởng trường phổ thông của tỉnh ta đã bảo đảm đạt chuẩn hóa nghề nghiệp và chức danh, cơ bản đội ngũ có trình độ lý luận chính trị trung cấp và sơ cấp.

Nhiều hiệu trưởng được đánh giá có sự đổi mới về tư duy, năng động, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán. Trong việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, hầu hết hiệu trưởng được bổ nhiệm, phân công công tác trên cơ sở đánh giá đúng năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, được bồi dưỡng kiến thức trước khi bổ nhiệm…Tuy nhiên, một tỉ lệ nhỏ hiệu trưởng hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế về nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, phong cách làm việc cũng như năng lực quản lý, lãnh đạo, chưa đạt được chuẩn mực cần thiết theo quy định của người hiệu trưởng.

Trong khi đó, nếu căn cứ vào nội dung của 5 tiêu chuẩn (đi kèm là 21 tiêu chí cụ thể) theo chuẩn mới được xây dựng, hiệu trưởng các trường phổ thông cùng lúc phải đáp ứng các yêu cầu căn bản về: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; năng lực quản trị nhà trường; năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và năng lực phát triển các mối quan hệ xã hội.

Bà Hoàng Thị Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý chia sẻ: Là một người quản lý, đòi hỏi hiệu trưởng phải có được cho mình nhiều yếu tố. Đó là có khả năng quản lý, điều hành linh hoạt về cả chuyên môn và đội ngũ, tạo dựng được sự đoàn kết, thống nhất trong trường học, biết tranh thủ sự quan tâm của xã hội cho phát triển giáo dục của nhà trường… Bản thân người hiệu trưởng phải không ngừng tự tạo áp lực cho chính mình, tự đổi mới để thích ứng với những thay đổi của môi trường giáo dục.

Trên thực tế, giáo dục đang có rất nhiều đổi mới, để theo kịp, bản thân mỗi hiệu trưởng cần phải trang bị cho mình những yếu tố cần và đủ về cả năng lực cũng như phẩm chất. Cùng với việc tự đánh giá mức độ chuẩn của cá nhân, mỗi hiệu trưởng cần tham khảo các ý kiến đánh giá độ chuẩn từ phía đội ngũ giáo viên trong nhà trường, từ cha mẹ học sinh, thậm chí rộng hơn là từ phía cộng đồng. So với sự đánh giá bó hẹp thông qua các bản kiểm điểm cá nhân, sự đánh giá mang nhiều tính chủ quan của tập thể, đây chính là yếu tố giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá năng lực, phẩm chất cá nhân một hiệu trưởng nào đó sẽ đúng mức, thực chất hơn.

Theo ý kiến của một giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Phủ Lý, vì nhiều lý do, không dễ gì cấp dưới có điều kiện nói thẳng, nói thật nhận xét, đánh giá khách quan của mình về chính lãnh đạo của mình. Trong các cuộc họp kiểm điểm của cơ quan hay chi bộ, nhận xét, đánh giá của nhân viên về những hạn chế của lãnh đạo thường khá chung chung, hầu hết là nói về các ưu điểm, thành tích. Bởi vậy, nếu có sự tham gia đóng góp ý kiến của cha mẹ học sinh, cộng đồng sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc đánh giá được đúng và chuẩn về năng lực và phẩm chất của hiệu trưởng.

Sự nhận xét, đánh giá năng lực, phẩm chất lãnh đạo của người quản lý nói chung, hiệu trưởng trường phổ thông nói riêng một cách thực chất có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp họ tự soi sửa những hạn chế và phát huy các yếu tố tích cực của bản thân. Một hiệu trưởng được đánh giá mức tốt phải có khả năng sáng tạo, luôn rà soát, đánh giá, cải tiến và đổi mới, biết khắc phục và vượt qua được những khó khăn đặt ra trong công tác điều hành, quản lý phát triển giáo dục của nhà trường. Người biết tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách thành thạo, có kinh nghiệm, làm việc có hiệu quả, có khả năng hỗ trợ đồng nghiệp, được đánh giá là hiệu trưởng đạt mức khá về năng lực…

Năng lực của mỗi hiệu trưởng trường phổ thông chính là sự khẳng định về mức độ phát triển của các nhà trường. Do đó, để nhà trường phát triển đúng hướng, đáp ứng tốt các yêu cầu của đổi mới giáo dục, chuẩn hiệu trưởng sẽ càng có thêm những giá trị thực tế.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy