Giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên

Mấy năm trở lại đây, tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) trong thanh, thiếu niên (TTN), bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, gây lo lắng trong nhân dân. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng TTN vi phạm pháp luật, mắc TNXH tăng là do nhận thức pháp luật còn hạn chế, không ý thức được mối nguy hiểm và hậu quả hành vi phạm tội của mình.

Trước thực trạng trên, xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho TTN là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, kết hợp tuyên truyền miệng với sân khấu hóa có sự phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng (công an, tư pháp, giáo dục).

Học sinh Trường THCS La Sơn (Bình Lục) tham dự buổi tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường.

Nội dung tuyên truyền được lựa chọn phù hợp với từng thời điểm, nhóm đối tượng, chú trọng đi sâu vào vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm như: tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, bạo lực học đường, trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Song song với đó, 100% cơ sở đoàn đồng loạt tổ chức hoạt động trao đổi, tọa đàm, diễn đàn thanh niên với các chủ đề: "Tuổi trẻ sống đẹp", "Vai trò thanh niên với phòng, chống tội phạm, TNXH". Đồng thời, tích cực đẩy mạnh hoạt động của các đội tuyên truyền thanh niên, tuyên truyền măng non. Đây là phương pháp tuyên truyền trực tiếp với hình thức, nội dung đổi mới, phong phú, thu hút hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia.

Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, câu lạc bộ: "Tuổi trẻ với pháp luật", "Đội thanh niên xung kích an ninh", "Đội thanh niên tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS", "Đội thanh niên tự quản", "Cổng trường ATGT"… thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia. Các mô hình, câu lạc bộ duy trì sinh hoạt chuyên đề theo định kỳ với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến TTN. Qua đây, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật, mắc TNXH.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Phương Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Ở mỗi giai đoạn, các cấp bộ đoàn đều lựa chọn thành lập thêm những mô hình PBGDPL mới nhằm huy động, thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia giữ gìn an ninh trật tự, tuyên truyền pháp luật. Nhiều chương trình tuyên truyền để lại dấu ấn tích cực, tạo hiệu ứng tốt như: diễn đàn tuổi trẻ với pháp luật; đội thanh niên tình nguyện tham gia bảo đảm TTATGT trên địa bàn khu dân cư...

Ngoài các nhóm đối tượng TTN tại cộng đồng dân cư, hoạt động PBGDPL chú trọng hướng tới học sinh, sinh viên (HSSV) trong trường học. Theo đó, cùng với nâng cao chất lượng giảng dạy môn giáo dục công dân, các trường học, cơ sở giáo dục còn chú trọng tuyên truyền PBGDPL sát với từng đối tượng, lứa tuổi. Đồng thời, thường xuyên kiện toàn đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở hai cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông; bổ sung kịp thời tài liệu pháp luật mới để phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy, học tập. Chương trình, nội dung sách giáo khoa giảng dạy trên lớp đã có nhiều đổi mới, sách được biên soạn theo hướng tinh giản, liên thông, đồng tâm phát triển từ lớp dưới lên lớp trên theo cấp bậc, tạo sự lôgích dễ nhớ, dễ hiểu cho học sinh.

Bên cạnh phương pháp học truyền thống, phương pháp thảo luận nhóm, giải quyết tình huống, sân khấu hóa… đã góp phần làm cho giờ học sinh động, giúp HSSV tiếp cận, lĩnh hội kiến thức đạo đức, pháp luật hiệu quả hơn. Tủ sách pháp luật trong nhà trường được quan tâm đầu tư giúp cho việc quản lý, khai thác, sử dụng tiện lợi. Đến nay, các trường học đều có tủ sách pháp luật, trung bình mỗi tủ có trên 100 đầu sách chủ yếu là các văn kiện, nghị quyết, Luật Phòng chống ma tuý, Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự, Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em… Ngành giáo dục cũng đã thực hiện tốt việc luân chuyển tủ sách pháp luật giữa các trường, giúp cho việc tiếp cận nguồn tài liệu của HSSV thêm đa dạng, phong phú. Trung bình mỗi năm ngành giáo dục phối hợp với ngành tư pháp tổ chức PBGDPL cho trên 20 nghìn lượt HSSV. Nhờ vậy, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trong HSSV từng bước được kiềm chế.

Bên cạnh kết quả tích cực trên đây, công tác PBGDPL cho TTN trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại. Một số cơ sở đoàn thiếu lực lượng cán bộ, ĐVTN có kiến thức, kinh nghiệm, năng lực về pháp luật để duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền PBGDPL. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong TTN có lúc, có nơi chưa kịp thời. Thêm vào đó, do kinh phí hạn chế nên việc tuyên truyền, PBGDPL chủ yếu mới tập trung vào TTN là HSSV trong trường học, TTN vi phạm trong trại giam, trường giáo dưỡng; chưa có điều kiện thực hiện liên tục, thường xuyên đối với TTN tự do, không có việc làm, địa bàn cư trú ổn định, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ cao về vi phạm pháp luật, đòi hỏi cách thức tiếp cận, vận dụng các hình thức PBGDPL sáng tạo, đặc thù.

Trao đổi về vấn đề này, bạn Nguyễn Hoàng Hà (ở Tiên Nội, Duy Tiên) cho biết: Nhiều nội dung PBGDPL cho TTN chưa phù hợp với tâm lý, lứa tuổi; phương thức giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều hoạt động chỉ đến được với TTN tích cực, chưa đến với đối tượng đặc thù, dẫn đến trình độ nhận thức pháp luật của TTN không đồng đều.

PBGDPL cho TTN là một phần quan trọng hình thành đạo đức, nhân cách con người. Do vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ đoàn các cấp. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội đẩy mạnh giáo dục tình yêu thương, lòng nhân ái, đạo đức, kỹ năng sống kết hợp với PBGDPL, từng bước giúp TTN thấy được nghĩa vụ trách nhiệm của công dân trước gia đình, xã hội.

Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", xem đây là chuẩn mực trong giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống, cũng như ý thức chấp hành pháp luật cho HSSV. Các cấp bộ đoàn cũng cần tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, gia đình phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện vi phạm pháp luật trong TTN, xử lý nghiêm các vụ việc để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Lê Mai

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.