Duy Tiên tích cực chuẩn bị cho năm học mới

Chỉ còn hơn một tuần nữa là năm học mới 2018-2019 chính thức bắt đầu. Cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh, các cấp, ngành của huyện Duy Tiên đã và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế chính sách của huyện và sự ủng hộ từ nhiều phía, nhiều năm qua, hệ thống cơ sở vật chất và quy mô trường lớp các cấp học trên địa bàn huyện Duy Tiên đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ. Chỉ tính từ nguồn ngân sách huyện, đã có tới 50% tổng ngân sách dành chi cho phát triển giáo dục (khoảng 150-160 tỷ đồng/năm).

Theo đó, đến nay toàn huyện đã có 56/59 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ trường học các cấp đạt chuẩn mức độ 2 của huyện đứng đầu toàn tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng giúp ngành giáo dục và các nhà trường bảo đảm ngày càng tốt hơn cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên về cả số lượng cũng như chất lượng…

Mặc dù vậy, cùng với sự tăng dân số tự nhiên, do đặc thù của địa bàn có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp hoạt động, thu hút hàng nghìn công nhân, lao động tới sinh sống và làm việc đã làm tỉ lệ dân số cơ học tăng nhanh.

Qua từng năm, nhu cầu về chỗ học của học sinh các cấp học, nhất là cấp tiểu học cũng vì thế luôn đặt ra cho huyện và ngành giáo dục không ít áp lực cần giải quyết. Áp lực đó càng gia tăng vào năm học 2018-2019 khi trên địa bàn huyện có số học sinh lớp 1 (sinh năm 2012, năm Nhâm Thìn - rồng vàng) tăng đột biến. 

Ông Trần Quang Tuyến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Duy Tiên cho biết: Năm học 2018-2019, các cấp học trên địa bàn huyện đều có sự tăng cao về số học sinh. Chỉ tính riêng cấp tiểu học, năm học này đã tăng tới 28 lớp 1 (tương đương với trên 980 học sinh) so với năm học trước.

Đặc biệt, ở một số trường tiểu học địa bàn các xã lân cận KCN như Duy Minh, Bạch Thượng, thị trấn Đồng Văn, số lớp tăng đột biến từ 6-7 lớp/trường. Do số lớp và số học sinh tăng đã khiến cho nhiều nhà trường rơi vào tình trạng thiếu phòng học và thiếu giáo viên.

Trước đó, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường công khai chỉ tiêu tuyển sinh và căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất thực tế có đến đâu thì tuyển sinh đến đó. Hầu hết các nhà trường ngoài hệ thống lớp học đều phải sử dụng các phòng chức năng, phòng bộ môn làm phòng học mới đáp ứng cơ bản được nhu cầu học tập của học sinh…

Năm học 2018-2019, do số lượng học sinh lớp 1 tăng cao, nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện Duy Tiên thiếu phòng học và giáo viên.

Trường Tiểu học Bạch Thượng là đơn vị được đánh giá có nhiều khó khăn nhất về cơ sở vật chất và giáo viên cho năm học mới. Năm học 2018-2019, nhà trường có 27 lớp với 910 học sinh, trong đó có 7 lớp 1 với 224 học sinh.

Cô giáo Trần Thị Nguyệt Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bạch Thượng chia sẻ: Đây là năm học nhà trường có số lớp và số học sinh đông nhất từ trước tới nay. Với thực tế này, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phòng học và thiếu giáo viên đứng lớp.

Để bảo đảm yêu cầu dạy và học, năm học này sẽ có 5 lớp phải học luân phiên tại các phòng chức năng. Về đội ngũ giáo viên, nhà trường hiện có 23 giáo viên văn hóa và 7 giáo viên chuyên biệt. Nếu tính theo định biên 1,5 giáo viên/lớp, nhà trường còn thiếu tới 11 giáo viên.

Trước mắt, để việc dạy và học của các khối lớp ổn định ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thực hiện phân công chuyên môn, trong đó 1 giáo viên có thể sẽ phải "vào" 2 lớp, 2 đồng chí hiệu phó cũng phải tham gia đứng lớp…

Được biết thêm, bên cạnh việc lấy các phòng chức năng làm phòng học, có trường tiểu học phải "gửi" tới 5 lớp sang học nhờ trường THCS, thậm chí có những trường còn phải tính tới chuyện dồn lớp hoặc dạy 2 ca, chất lượng dạy và học vì thế sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Năm 2017, căn cứ vào kế hoạch năm học 2016-2017, Duy Tiên và các huyện, thành phố được tỉnh phân bổ chỉ tiêu biên chế tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, ở cấp tiểu học, do số lớp của từng năm học sau đó tăng nhanh (năm học 2017-2018 tăng 13 lớp so với năm học 2016-2017, năm học 2018 - 2019 tăng 28 lớp so với năm học 2017 - 2018) nên số giáo viên đã tuyển được năm 2017 đến nay còn thiếu khoảng 62 giáo viên so với nhu cầu thực tế.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện đã có tờ trình đề nghị và đang chờ UBND tỉnh, Sở Nội vụ và UBND huyện cho phép được hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế thêm 30 giáo viên tiểu học. Nếu được cấp trên duyệt phương án hợp đồng giáo viên này, ngành giáo dục sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu đứng lớp tối thiểu. 

Theo dự báo đến năm 2030, chỉ riêng số học sinh ở địa bàn các xã, thị trấn lân cận các KCN sẽ tăng khoảng 5.200 học sinh các cấp, trong đó, con công nhân là 2.838 và sẽ phải có thêm 370 phòng học, phòng chức năng cùng 488 giáo viên các cấp học. Để giải quyết vấn đề này, các xã, thị trấn đã đề nghị tỉnh, huyện quan tâm sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng học cấp 4, xây dựng điểm trường mầm non mới ghép với trường mầm non khu nhà ở cho công nhân, mở rộng diện tích các đơn vị trường học, xây dựng mới các điểm trường khác…

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy