Cần sự hỗ trợ tích cực trong sáng tạo KHKT của học sinh

Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học được ngành giáo dục tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích việc vận dụng kiến thức liên môn đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên, đằng sau việc triển khai các hoạt động sáng tạo KHKT dành cho học sinh vẫn còn một số hạn chế, cần có sự hỗ trợ tích cực hơn từ nhiều phía.

Mô hình barie chắn tàu hỏa tự động, thiết bị cảnh báo tự động - một dự án KHKT cấp tỉnh của học sinh Trường THCS Thanh Nguyên (Thanh Liêm).

Là người có nhiều năm tham gia hỗ trợ học sinh trong việc tìm vấn đề, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án KHKT, cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, Trường THCS Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý chia sẻ: Là giáo viên dạy môn Ngữ văn, khi được phân công hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tham gia các cuộc thi KHKT, tôi thường định hướng cho các em xây dựng các dự án liên quan tới lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi.

Trên thực tế, các dự án về lĩnh vực này thường có tính xã hội cao, được nhiều người quan tâm và khi tư vấn cho học sinh, tôi hướng các em chọn những vấn đề có liên quan tới học sinh để phù hợp với lứa tuổi và tâm lý của các em. Vì vậy, mặc dù phải dành khá nhiều thời gian cho nghiên cứu nhưng các em rất hào hứng và có ý thức tham gia tốt…

Qua các cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học những năm gần đây, những dự án "Máy nhiệt tích hợp thân thiện với môi trường" thuộc lĩnh vực kỹ thuật cơ khí của em Lại Đăng Quang và Nguyễn Thị Phương Lan (Trường THPT chuyên Biên Hòa), "Nghiên cứu tách chiết ta-nin từ vỏ quả măng cụt ứng dụng làm chất bảo quản hoa quả và thực phẩm" thuộc lĩnh vực hóa-sinh của học sinh Trần Quang Anh (Trường THPT Lý Nhân), "Mô hình lớp học tiện ích" thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện tử và cơ khí của em Trần Nhữ Bình (Trường THCS Nhân Thịnh, Lý Nhân), "Hệ thống tưới tiêu thông minh" thuộc lĩnh vực kỹ thuật cơ khí của em Dương Quang Đạt và Nguyễn Thị Thanh Vân (Trường THPT B Duy Tiên) và nhiều dự án nữa đã thể hiện rất rõ sự phong phú, đa dạng về nội dung, cách thức thực hiện, được đánh giá thực sự là những công trình nghiên cứu khoa học đầy sáng tạo, chứa đựng sự đam mê khoa học của học sinh.

Có những học sinh đã từng có 2-3 lần tham gia và có sản phẩm dự thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Điều đó chứng tỏ, sáng tạo KHKT luôn có sự hấp dẫn đặc biệt đối với nhiều học sinh. Và cuộc thi KHKT chính là nơi để các em tự khẳng định mình và chinh phục được những giấc mơ sáng tạo của bản thân…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sáng tạo KHKT và tổ chức các cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định.

Theo ý kiến của một vị nguyên là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, sáng tạo KHKT trong nhà trường có lúc, có nơi còn nặng tính hình thức, phong trào. Khi đó, các vấn đề làm dự án nghiên cứu do giáo viên tự lựa chọn, thậm chí tự nghiên cứu, xây dựng thành dự án hoàn chỉnh. Học sinh vẫn được đứng tên là "chủ dự án" nhưng không thực chất, các em chỉ việc học thuộc nội dung phục vụ cho thi thuyết trình và học cách bố trí, lắp ghép để thi thực hành. Trong các dự án mang tới các cuộc thi, có những dự án "bê" gần như y nguyên một dự án KHKT nào đó trên mạng.

Điều này làm xuất hiện tình trạng trùng lặp ý tưởng, ý tưởng không phù hợp với khả năng thực tế của học sinh. Đối với những dự án có sự nghiêm túc từ khâu tìm tòi, lựa chọn vấn đề cho tới nghiên cứu và triển khai thực hiện, việc đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, tập hợp thông tin… hầu như chỉ dựa vào hỗ trợ của nhà trường, có khi giáo viên hướng dẫn còn phải tự bỏ tiền túi làm dự án cùng học sinh.

Việc xã hội hóa kinh phí đầu tư cho các hoạt động sáng tạo KHKT hầu như chưa nơi nào làm được. Cho dù số lượng các dự án có giải pháp kỹ thuật - công nghệ cao, vật liệu khó kiếm, đòi hỏi kinh phí lớn tuy không nhiều, song nếu có được sự hỗ trợ cần thiết sẽ tạo điều kiện rất tích cực cho sáng tạo KHKT của học sinh phát triển mạnh hơn.

Cùng với đó, hoạt động sáng tạo KHKT trong học sinh hiện mới chỉ bó gọn trong mỗi nhà trường, trường nào biết trường đó, chưa có nhiều sự trao đổi chia sẻ để làm mới và phong phú hơn các nghiên cứu khoa học.

Có ý kiến cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp với bộ môn nghiên cứu của các trường nghề, trường cao đẳng, đại học đứng chân trên địa bàn, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng các hoạt động sáng tạo KHKT trong trường học cũng như hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả nhất.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.