Phụ nữ với công tác hòa giải ở cơ sở

Thời gian qua, với vai trò là thành viên của ban hòa giải, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã trực tiếp tham gia, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Nhờ đó đã kịp thời giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, góp phần giữ vững an ninh trật tự, tình đoàn kết thôn, xóm; đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, phụ nữ.

Một buổi hòa giải tại xã An Lão (Bình Lục).

Chị Nguyễn Thị Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Úy (Kim Bảng) chia sẻ: Ở các tổ dân phố, thôn, xóm, phường xã nào cũng có ban hòa giải và chị em phụ nữ là một thành phần quan trọng. Trong các vụ việc mâu thuẫn, nhất là xích mích trong gia đình, với sự nhẹ nhàng, ôn hòa và kiên nhẫn, phụ nữ sẽ là người gần gũi, nắm bắt rõ đời sống của người dân trong khu vực, từ đó tìm ra nguyên nhân, phương hướng giải quyết thích hợp.

Đến nay, tại xã Nguyễn Úy không xảy ra những vụ việc khiếu kiện vượt cấp, các tranh chấp được hòa giải hợp tình, hợp lý, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, bảo đảm an ninh trật tự khu dân cư.

Toàn tỉnh hiện có 1.251 tổ hòa giải ở cơ sở với 7.504 hòa giải viên, trong đó có 1.656 hòa giải viên là cán bộ hội phụ nữ. Lĩnh vực nữ hòa giải viên thường tham gia giải quyết là: mâu thuẫn về dân sự có liên quan đến hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, tranh chấp đất đai, môi trường, mâu thuẫn láng giềng, trật tự công cộng.

Thời gian qua, các nữ hòa giải viên đã tích cực tham gia  các buổi hòa giải tại cơ sở. Tuy nhiên, phần lớn cán bộ hội giải quyết công việc chủ yếu bằng kinh nghiệm và vốn sống mà ít có sự vận dụng, giải thích bằng pháp luật hiện hành, bởi hiểu biết về pháp luật của chị em còn nhiều hạn chế. Do đó, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm tuyên truyền thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; đồng thời chỉ đạo hội phụ nữ các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ hòa giải trong việc hòa giải các mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống, góp phần ổn định an ninh trật tự ở cơ sở.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch thành lập các mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ tại các chi hội nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức hòa giải ở cơ sở, trở thành địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn, ổn định  cuộc sống của người dân.

Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Công tác hòa giải ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, đa số hòa giải viên phải kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác nên không có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, nâng cao kỹ năng; kỹ năng tuyên truyền miệng và hòa giải các vụ việc còn hạn chế…

Vì vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, Hội LHPN tỉnh sẽ chủ động phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác hòa giải cho các hòa giải viên ở cơ sở, góp phần giữ bình yên thôn, xóm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy