Nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức đoàn ở nông thôn

Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đi học, đi làm ăn xa ngày càng tăng; thiếu kinh phí hoạt động; đội ngũ cán bộ đoàn thường xuyên biến động; nội dung sinh hoạt đoàn đơn điệu… Đó là những bất cập đang tồn tại ở nhiều chi đoàn nông thôn hiện nay. Vậy làm thế nào tháo gỡ những khó khăn, bất cập này nhằm nâng cao hiệu quả công tác đoàn ở nông thôn?

Khi chi đoàn "vắng" và "trắng" đoàn viên

Tham dự một buổi sinh hoạt của Chi đoàn xóm Giữa, thôn Hội Động, xã Đức Lý (Lý Nhân) chúng tôi mới hiểu rõ được những khó khăn đối với tổ chức đoàn ở nông thôn hiện nay.

Anh Nguyễn Quốc Vũ, Bí thư Chi đoàn cho biết: Chi đoàn hiện có 20 đoàn viên, nhưng mỗi khi sinh hoạt thường chỉ có từ 7-8 người tham dự. ĐVTN trong xóm cơ bản đi làm ăn xa và hiện đang làm việc tại một số doanh nghiệp. Số còn lại ở xóm thì tập trung vào phát triển kinh tế nên không mặn mà với việc tham gia vào tổ chức đoàn.

Mặc dù chi đoàn chuyển sinh hoạt vào buổi tối, mỗi năm chỉ sinh hoạt từ 1-2 lần vào dịp tháng 3 và chuẩn bị Tết Trung thu. Nội dung sinh hoạt chủ yếu xoay quanh việc triển khai hoạt động của đoàn cấp trên, phổ biến một số nội dung của cấp ủy thôn nên rất khó thu hút ĐVTN tham gia...

Anh Nguyễn Văn Đoàn, Bí thư Chi đoàn xóm Bến, xã Đức Lý chia sẻ: Năm 2017, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, được kết nạp Đảng tại đơn vị đang trong giai đoạn thử thách nên tôi được chỉ định làm bí thư chi đoàn. Sau khi nhận nhiệm vụ tôi vô cùng hoang mang vì cả chi đoàn chỉ có tôi nên việc sinh hoạt chi đoàn theo định kỳ coi như là bị bỏ ngỏ.

Bí thư Chi bộ xóm Bến Nguyễn Thị Tỉnh cho rằng: Không có đoàn viên dẫn tới việc tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi ở cơ sở cũng gặp khó khăn. Thực tế nhiều năm qua, mỗi dịp Tết Trung thu, chi bộ, ban công tác mặt trận và chi hội phụ nữ xóm phải đứng lên tổ chức Trung thu cho các cháu, từ việc tập huấn, luyện tập đến đưa đón các cháu tham gia biểu diễn.

Cũng chính từ việc không có đoàn viên nên công tác tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển Đảng cũng gặp khó khăn. 10 năm gần đây, chi bộ không kết nạp mới được đảng viên nào.

Nói về những khó khăn trong công tác đoàn ở cơ sở, anh Nguyễn Đình Khiêm, Bí thư Đoàn xã Đức Lý cho biết: Hiện tại xã có 18 chi đoàn, trong đó có 15 chi đoàn thôn, xóm với gần 200 đoàn viên. Trong 15 chi đoàn thôn, xóm có 2 chi đoàn xóm Bến và xóm Kiếu chỉ có bí thư chi đoàn, không có đoàn viên và có nguy cơ phải xóa bỏ. Số còn lại cơ bản là học sinh, sinh viên, công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp, một số ít thanh niên làm kinh tế tại địa phương nên việc tập hợp họ tham gia sinh hoạt rất khó. Các chi đoàn chỉ tập hợp đoàn viên theo mùa vụ hoặc vào dịp lễ, Tết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thực trạng trên không chỉ tồn tại ở Đức Lý mà đang phổ biến ở nhiều chi đoàn trên địa bàn tỉnh.

Một buổi sinh hoạt đoàn tại Chi đoàn xóm Giữa, thôn Hội Động, xã Đức Lý (Lý Nhân).

Đâu là nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó phải kể đến các nguyên nhân như: thiếu sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở; đội ngũ cán bộ đoàn, nhất là đội ngũ chi đoàn nông thôn thường xuyên biến động; năng lực của đội ngũ cán bộ đoàn hạn chế; công tác tuyên truyền giáo dục ĐVTN còn mang tính hình thức, đôi lúc còn dập khuôn, cứng nhắc; nội dung, phương thức hoạt động đoàn ở cơ sở, nhất là vùng nông thôn còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của ĐVTN; công tác quản lý ĐVTN còn thiếu chặt chẽ, đôi khi còn buông lỏng; kinh phí dành cho hoạt động đoàn còn quá eo hẹp; thời gian dành cho hoạt động đoàn còn ít.

Bên cạnh đó, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn cũng như chế độ phụ cấp cho cán bộ đoàn chưa có cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đoàn ở cơ sở.

Mặc dù thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cũng như đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở, nhưng công tác quy hoạch, chuẩn bị lực lượng kế cận chưa được các cấp ủy đảng quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ đoàn có khả năng thay thế khi luân chuyển. Cá biệt, một số xã còn đưa vào quy hoạch, sắp xếp đội ngũ cán bộ đoàn từ số công chức dự bị, người ở nơi khác làm bí thư đoàn cơ sở, phần nào ảnh hưởng đến phong trào chung.

Cần có những giải pháp hữu hiệu

Từ thực trạng trên, để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đoàn cơ sở, nhất là tổ chức đoàn vùng nông thôn các cấp bộ đoàn cần da dạng hóa hoạt động theo hướng đổi mới; chấn chỉnh nền nếp sinh hoạt, phát huy vai trò của đảng viên trong xây dựng chi đoàn vững mạnh. Nội dung sinh hoạt chi đoàn phải phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ĐVTN thông qua các hoạt động cụ thể và công tác thi đua đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên. Các cấp ủy cần làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ đoàn, nhất là đội ngũ bí thư chi đoàn thôn, xóm. Hằng năm dành một phần kinh phí nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức đoàn hoạt động.

Cần có những cơ chế, chính sác phù hợp cho đội ngũ bí thư chi đoàn, vì hiện nay đội ngũ này chỉ được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, còn lại không có thêm một khoản phụ cấp nào khác. Mặt khác, tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên, tạo nguồn cán bộ cho cơ sở.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đoàn nói chung, công tác đoàn ở nông thôn nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ đoàn. Đội ngũ cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình, trách nhiệm sẽ đưa công tác đoàn và phong trào thanh niên ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của thanh niên hiện nay. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm động viên đội ngũ cán bộ đoàn trong việc tổ chức và tham gia các hoạt động ở cơ sở. 

Trần Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy