Ngày Tết tìm hiểu về chữ "Xuân"

Chữ/từ "Xuân" gốc Hán nhưng đã được Việt hóa từ lâu đời, trở thành từ thông dụng hàm chứa nhiều nghĩa khi kết hợp với một từ/chữ khác. Tết đến, Xuân về tìm hiểu về ý nghĩa triết lý và nhân sinh của từ này cũng là điều thú vị.

Trước hết, hãy xem xét tự dạng. Chữ "Xuân" được cấu tạo với ba nét ngang ở trên, nét phẩy ở bên trái kéo dài nối ba nét ngang; bên dưới ba nét ngang là chữ nhật và ở bên phải là nét mác đầu chấm nét ngang cuối cùng. Trong cách thức tạo chữ Hán, chữ "Xuân" thuộc kiểu "hội ý: tức là phối hợp các yếu tố để tạo nên nghĩa".

Ảnh minh họa.

Mùa Xuân đánh dấu một chu kỳ trọn vẹn của chuyển vận thời khí. Người xưa đã gửi vào chữ/từ "Xuân" một ý niệm triết lý sâu sắc: Xuân thể hiện quan điểm "tam tài hợp nhất", tam tài là Thiên, Địa, Nhân, tượng trưng bởi ba nét ngang, hợp nhất tượng trưng bởi nét phẩy xuyên qua ba nét ngang. Mùa Xuân khí dương bắt đầu lên, mọi vật còn tươi non nên chữ "Nhật" (Mặt trời = khí dương) mới đặt ở dưới hai bên che bởi nét mác, nét phẩy. Như vậy, chữ "Xuân" không chỉ đơn thuần chỉ một mùa trong năm mà đã tiềm ẩn chiều sâu văn hóa.

Khảo sát những từ phái sinh, chúng ta thấy thêm được nhiều điều, xin dẫn ra một số trường hợp.

Xuân tiết nghĩa Hán - Việt chỉ Tết Nguyên đán âm lịch, "Tết cả" quan trọng nhất trong một năm kết thúc và mở đầu cho một vòng chuyển vận của Thiên, Địa, Nhân, để rồi đến tiết "Xuân phân" (ngày 20 hay 21 tháng 3 dương lịch) thì có sự cân bằng tương đối giữa âm dương.

Chỉ những gì tươi, mới, đang lên, bắt đầu thịnh của trời đất, con người, có các từ: xuân lan (hoa Lan), xuân thiên (ngày Xuân), thanh xuân (tươi trẻ), xuân lôi (sấm mùa xuân)… Xuân gắn với tình yêu nam nữ như các từ: xuân tình, hoài xuân. Nói về sự suy thoái được hồi phục có từ hồi xuân (tươi lại). Từ "xuân kim" chỉ ý nghĩa bao trùm: mùa Xuân, khí xuân, trời xuân là hiện tại, là cái đang xảy ra quán xuyến nhân sinh vũ trụ.

Ngày Tết người Việt bao đời có tục trang hoàng trong nhà bằng câu đối, song viết câu đối, tặng câu đối thì diễn ra ở nhiều thời điểm trong năm. Từ xuân liễn có nghĩa là câu đối viết vào mùa Xuân đồng nghĩa với câu đối Tết.

Từ Xuân cũng gắn với nghề nông trồng lúa nước, với một trong hai vụ lúa truyền thống (chiêm, mùa) đó là các từ: xuân địa (ruộng chiêm), xuân hóa (ủ giống chiêm), xuân tịch (cày chiêm)… Điều này gián tiếp phản ánh nguồn gốc của chữ xuân, có lẽ từ phía Nam Trường Giang - địa bàn sinh tụ của tộc Bách Việt với nghề trồng lúa nước, du nhập vào Việt Nam.

Chữ Nôm được cha ông ta tạo ra trên cơ sở chữ Hán, trong kho tàng chữ Nôm, chữ Xuân và Xoan là một, sử dụng nguyên mẫu chữ Hán. Về các trường hợp Xoan đồng nghĩa với Xuân, xin được nêu ra các thí dụ: hát Xoan là lối hát cửa đình (hát Xuân), trong lễ hội mùa Xuân ở một số địa phương của tỉnh Phú Thọ. Ca dao có câu:

Trai ba mươi tuổi đang xoan (xuân)

Gái ba mươi tuổi đã toan về già

Hoặc:

Tiếc thay hạt gạo tám xoan (xuân)

Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà.

Chữ Xuân ghép thêm với bộ mộc ở bên trái chỉ cây xoan, loại cây rất phổ biến trước đây nở hoa vào mùa Xuân. Nhà dân ở nông thôn ngày trước thường làm bằng gỗ xoan (lấy vợ hiền hòa làm nhà gỗ xoan).

Đôi điều tìm hiểu về chữ Xuân, mong góp thêm một ý vị cho ngày Tết cổ truyền.

Ngọc Hoa

Ngọc Hoa, Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy