Lá thư định mệnh…

Trong chiến tranh, hành trang của người lính thật đơn giản, ngoài balo, cây súng, những vật dụng cần thiết còn có cây bút và quyển sổ. Trong những phút giây định mệnh, nhiều người chỉ kịp để lại vài dòng gửi về hậu phương cho người thân như một lời tạm biệt hay tiễn biệt. Rồi thời gian trôi đi, với những người lính không thể trở về, lá thư là kỷ vật cuối cùng dành cho người thân…

Lá thư định mệnh…
 Những kỷ vật của người lính sau chiến tranh.

Cuối tháng 7 năm 2024, trong không khí đau thương của cả dân tộc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người cộng sản kiên trung của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ vô vàn yêu quý và gần gũi với nhân dân … tôi bỗng nhận được một lá thư của thân nhân Liệt sỹ Nguyễn Quang Lượng, quê ở xã Đại Cương, huyện Kim Bảng. Lá thư đã nhuốm màu thời gian, nhưng vẫn còn nguyên đường nét và màu mực. Những dòng chữ viết vội trong hai trang giấy, đôi chỗ nguệch ngoạc kéo dài như những con đường mà người viết lá thư này sắp sửa phải đi qua.

… Tôi tìm gặp người gửi lá thư này, con gái thứ 2 của liệt sỹ Nguyễn Quang Lượng là bà Nguyễn Thị Oanh, sinh 1968, đang ở thôn Tùng Quan, xã Đại Cương. Trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi, tiếng trẻ ríu rít nô đùa, bà Oanh giới thiệu là các cháu nội, ngoại của mình. Cùng ở với bà còn có mẹ già – vợ liệt sỹ Nguyễn Quang Lượng, năm nay ngoài 80 tuổi.

Lá thư định mệnh…
Bà Nguyễn Thị Oanh mang các kỷ vật của cha ra cho các cháu xem để nhắc nhớ tất cả không được quên những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì hòa bình đất nước hôm nay.

Cầm trên tay lá thư của cha, bà rưng rưng cảm động: “Nó là thứ duy nhất cha tôi để lại cho chúng tôi. Tôi nhớ từng chữ, từng dòng và dường như cảm thấy được hơi ấm của cha trong đó. Hơn 10 năm nay, lá thư này là động lực giúp tôi vượt lên cuộc sống khó khăn, luôn luôn cố gắng để làm việc xây dựng cuộc sống gia đình, chăm sóc mẹ già, con cái để không phải hổ thẹn với cha tôi…”.

Bà Oanh lấy ra những bằng khen, giấy khen, huân, huy chương các loại của bố, gọi đó là phần thưởng lớn lao mà Đảng và Nhà nước tôn vinh những đóng góp và cống hiến của liệt sỹ. Riêng lá thư thì bà mới có được khi gia đình tìm thấy mộ liệt sỹ Nguyễn Quang Lượng vào cuối năm 2009 tại Nghĩa trang Liệt sỹ Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Người chú ruột thời gian đó nghĩ rằng, đã đến lúc phải trao lại kỷ vật này cho chị dâu và các cháu giữ lấy. Ông đã nói với cháu gái của mình: “Tao đã nuốt từng chữ! Nay nhận được bố mày rồi, tao trả cho mày!!!” Những con chữ trong thư bật vào tim những người còn sống. Tình yêu dành cho cha mẹ, vợ con, anh em, những người thân của liệt sỹ  hòa vào tình yêu đất nước giống như những người lính khác.

Tuy nhiên, lá thư cũng đã nói lên dự cảm không lành ở chặng đường phía trước: “Thầy mẹ ơi con đã xa rồi, kể từ đây con đã xa là xa hết. Bổn phận là con, biết lấy gì để báo đáp và đền ơn công lao nuôi dưỡng của cha mẹ, con đã suy nghĩ nhiều lắm, sự suy nghĩ của con sẽ lồng vào sự suy nghĩ của những người cộng sản.”

Lá thư định mệnh…
Bà Lê Thị Le và con gái Nguyễn Thị Oanh giở đọc lại lá thư của liệt sỹ Nguyễn Quang Lượng khi cả nước đang kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ.

Cụ Lê Thị Le, vợ của liệt sỹ Lượng bùi ngùi: “Chúng tôi lấy nhau năm 1960, sau đó ông lên đường làm công an vũ trang ở Hà Nam, rồi ra Cẩm Phả đóng quân. Thời gian hai vợ chồng gặp nhau, bên nhau tính trên đầu ngón tay, vội vàng và ngắn ngủi. Năm 1964, tôi sinh đứa con gái đầu lòng sau lần ông ấy về thăm nhà. Đến năm 1966, ông chuyển ngành, sau đó có về thăm vợ con 1 lần. Rồi tôi mang bầu đứa con gái thứ 2, sinh nó năm Mậu Thân. Lúc này, quân đội đang tổng động viên lực lượng vào trận, thế là ông ấy lại lên đường tái ngũ vào tháng 2 năm 1968. Ngày 3/12/1969, ông ấy hy sinh”.

Ba mẹ con bà sống khá vất vả những tháng năm chiến tranh. Bà Le đã gửi con cho bố mẹ chồng chăm sóc để làm đủ nghề như phu hồ, chợ búa để kiếm sống. Các con bà lớn lên, ai cũng tự lập, quen với những khó khăn thiếu thốn. Trong gia đình liệt sỹ Lượng, chẳng ai biết rõ ông ở đơn vị nào. Một ngày mùa thu, ông đánh điện về xã, bảo bố lên ngay Bác Mã (một xã của huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương cũ) để gặp ông vì ông phải vào miền Nam chiến đấu, nhưng bố ông Lượng không đi được ngay, dự tính vài ba hôm sau sẽ đi. Thời gian vào mặt trận gấp, ông Lượng phải lên đường vào Nam ngay, qua thị trấn Đồng Văn (huyện Duy Tiên – Hà Nam bấy giờ), đơn vị dừng nghỉ chân, tranh thủ ông viết thư gửi lại cho gia đình.

 Lá thư đến được tay ông nội bà Oanh là lúc cha bà đã đi xa. Sau này, khi trả lá thư lại cho cháu, chú ruột bà Oanh kể: Ông nội sở dĩ không đưa lá thư cho con dâu đọc vì con dâu mới sinh con, sợ phải suy nghĩ, lo âu ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông cất đi, hàng ngày giở ra đọc “nuốt từng chữ” như một sự kìm nén nỗi nhớ thương con. Khi nhận được giấy báo tử của con trai, ông nội bà Oanh coi lá thư đó như một kỷ vật duy nhất có giá trị để giữ, để mà yêu thương…

Lá thư định mệnh…
Lá thư của liệt sỹ Nguyễn Văn Lượng

… Lá thư bắt đầu bằng những câu từ giản dị:

“ Đồng Văn 27/02/1969

Thầy mẹ kính thương của con

Thưa thầy mẹ! Đêm nay Tiểu đoàn con tạm nghỉ chân ở Đồng Văn, con muốn về quá nhưng không về được. Con biết rằng thầy mẹ sẽ trách móc con, con chẳng biết nói gì để thưa cùng thầy mẹ giá mà con được về qua thăm sức khỏe của thầy mẹ và toàn chỉ cần nửa giờ thôi như thế cũng có thể toại nguyện đời con. Thầy mẹ kính thương! Đứng trước giờ phút chia ly, con ra đi không biết nói gì chỉ viết mấy dòng ngắn ngủi đó là trách nhiệm của người đi (mà người đó lại chính là con).

Trước tiên con gửi tới thầy mẹ và toàn gia lời chào ruột thịt, nghìn lần thương nhớ…”

Có thể, chỉ những người lính trong không khí ấy mới hiểu được tính chất của cuộc chiến này như thế nào. Và, với tinh thần của “những người cộng sản”, người lính cụ Hồ, họ sẵn sàng chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, không ngần ngại, không luyến tiếc, không ân hận xót xa! “Thầy mẹ đừng sợ và lo nghĩ nhiều về con, mặc dù con có phải ngừng thở trong giây phút con cũng quyết tâm không làm điều gì hại đến danh dự của một người đảng viên, của cha mẹ, của gia đình và các cháu về sau…”

Những dòng thư viết vội, cảm động đến từng từ sẽ làm ứa nước mắt những người làm mẹ, làm cha, là vợ là con… Nhưng với những người trẻ tuổi,  nếu đọc được lá thư này, họ sẽ nghĩ đến bản thân mình, đến trách nhiệm với Tổ quốc, xã hội và quê hương nhiều hơn. Bà Nguyễn Thị Oanh bảo, “đó là lá thư định mệnh của cha. Ông đã viết như một lời nhắn nhủ sau cùng để mãi mãi nằm xuống cho Tổ quốc xanh tươi…”

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy