Đọc sách và văn hóa đọc - nhìn từ thực tế

Đọc 1,2 cuốn sách/người/năm khiến cho Việt Nam được coi là quốc gia ít đọc sách nhất trong khu vực và trên thế giới.

Nguyên nhân ít đọc sách thì nhiều, có người cho rằng xã hội ta là một xã hội nông nghiệp nên người ta trọng thể lực sức khỏe hơn thể lực về tâm hồn; có người cho rằng nền giáo dục của chúng ta quá nặng, chú trọng về học, đọc sách theo yêu cầu, theo quy định (sách giáo khoa), không có thời gian cho tiếp cận các thông tin, tri thức khác; lại có người cho rằng lỗi này thuộc về các gia đình, nhà trường chưa quan tâm, chú trọng đến việc đọc sách và văn hóa đọc. Còn một trong những nguyên nhân nữa chính là việc xây dựng, nâng cấp những thiết chế, các hoạt động để nâng cao việc đọc sách chưa được quan tâm, chú trọng.

Hà Nam có lẽ là tỉnh duy nhất đến thời điểm này chưa xây dựng được trụ sở Thư viện tỉnh. Hơn 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Thư viện tỉnh phải dịch chuyển qua khá nhiều địa điểm khác nhau. Đến nay, tạm thời có địa điểm độc lập, tại trung tâm thành phố nhưng trụ sở thừa hưởng từ một rạp chiếu phim lại chưa đáp ứng cho những hoạt động nghiệp vụ của thư viện, trong đó có việc hình thành không gian cho người đọc sách. Một không gian thoáng đãng, đủ ánh sáng và yên tĩnh cho người đọc là điều rất khó đối với Thư viện tỉnh hiện nay.

Kinh phí đầu tư cho hoạt động của thư viện, trong đó có việc bổ sung sách mới không nhiều nên tuy có nhiều đầu sách nhưng lại ít bản sách khiến công việc tra cứu, mượn đọc khá khó khăn. Vì vậy, việc tiếp cận và mượn được sách mới, sách hay, sách theo nhu cầu mất rất nhiều thời gian và sự chờ đợi.

Hệ thống thư viện huyện, xã, điểm bưu điện văn hóa xã cũng trong tình trạng chung khi không có cán bộ thư viện chuyên trách (trừ huyện Lý Nhân). Số đầu sách tuy được luân chuyển nhưng đề tài không phong phú, tập trung chủ yếu vào việc bổ sung kiến thức nuôi, trồng nông nghiệp trong khi người nông dân chủ yếu làm theo kinh nghiệm hoặc tiếp cận thông qua các kênh khác nên việc thu hút bạn đọc cũng không cao.

Theo Kế hoạch 1669, mục tiêu đến năm 2020, Hà Nam phấn đấu 80% học sinh, sinh viên được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng.

Một số cửa hàng đề biển hiệu nhà sách nhưng sách ở đây chủ yếu là sách giáo khoa và đồ dùng học tập, sách, truyện phục vụ nhu cầu đọc rất ít, không có sách mới.

Nhà sách Hương Khang có thể nói là nhà sách lớn nhất hiện nay tại TP. Phủ Lý, những quyển sách có thể đọc tại nhà sách chủ yếu là các bộ Tam quốc diễn nghĩa, Nghìn lẻ một đêm, Harry Potter, Sherlock Holmes; bộ truyện Kính vạn hoa, một số tác phẩm của các nhà văn hiện thực như: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nam Cao...

Đại diện chủ cửa hàng cho biết, số người tìm mua sách văn học, truyện rất ít nên cửa hàng bán cầm chừng, không dám nhập về nhiều, giá sách hiện nay lại khá cao nên chỉ những người thực sự có nhu cầu mới tìm mua. Hiện nay, muốn mua được sách hay, sách mới, sách nghiên cứu, tham khảo, nhiều bạn trẻ phải lên tận Hà Nội mới mua được.

Trước thực trạng này, triển khai Kế hoạch 1669/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra nhiều mục tiêu và giải pháp thực hiện. Trong đó, việc tiếp cận sử dụng thông tin, tri thức chú trọng vai trò của các thư viện công cộng, thư viện trường học, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã. Đối tượng tập trung vào lực lượng học sinh, sinh viên và người dân ở khu vực nông thôn.

Theo đó, đến năm 2020, Thư viện tỉnh sẽ được phát triển và mở rộng; 17% số thư viện cấp huyện được hiện đại hóa; thư viện các cấp sẽ được đầu tư trang thiết bị, công nghệ thông tin để có đủ khả năng lưu trữ và tổ chức khai thác các loại hình tài liệu. Các cơ sở giáo dục, các thư viện - trung tâm thông tin của các sở, ngành có vốn tài liệu phù hợp, chuyên sâu phục vụ việc học tập, nghiên cứu và giải trí.

Công tác thông tin tuyên truyền vẫn là một trong những giải pháp đầu tiên, trong đó quan tâm đến việc tổ chức nhiều hơn các ngày hội sách, đưa các nhà xuất bản, các nhà sách tiếp cận gần hơn với bạn đọc kết hợp việc trang bị kỹ năng và phương pháp đọc sách cho người đọc. Trong kế hoạch cũng có nói đến việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm phát triển văn hóa đọc; đẩy mạnh việc phát triển các thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, gia đình, tủ sách khuyến học cộng đồng nhằm duy trì thói quen đọc sách.

Với vai trò là thư viện công lập, thực hiện Kế hoạch 1669, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. 6 tháng đầu năm nay, Thư viện tỉnh triển khai thực hiện tốt việc trưng bày 200 ấn phẩm báo Xuân của trung ương và địa phương; xếp mô hình sách và trưng bày 300 bản sách nhân kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, thu hút được gần 1.000 lượt bạn đọc. Biên soạn và trưng bày 4 thư mục chuyên đề chuyển tải 155 tài liệu đến bạn đọc nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Luân chuyển 3.570 cuốn sách đến 13 điểm bưu điện văn hóa xã thuộc 5 huyện và 1 trường học. Hỗ trợ Trường Mầm non Hai Bà Trưng xếp mô hình sách trưng bày góc đọc sách dành cho thiếu nhi; hướng dẫn nghiệp vụ cho Thư viện Trường THPT B Duy Tiên; sắp xếp trưng bày mô hình gần 500 bản sách cho Thư viện Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và Trường Tiểu học Minh Khai xây dựng thư viện tiên tiến xuất sắc; hỗ trợ nghiệp vụ cho 3 tủ sách và 2 thư viện khuyến học của huyện Bình Lục.

Hy vọng với thực tế của địa phương và các giải pháp thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc, nhận thức về việc đọc sách và văn hóa đọc trên địa bàn sẽ có sự chuyển biến, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh và đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy