Phát lộ dấu tích cung điện quy mô lớn ở Hoàng thành Thăng Long

Một trong những phát hiện quan trọng của đợt khai quật khảo cổ học năm 2017 tại khu vực chính điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long) là một dải nền lát gạch họa tiết hoa chanh tiêu biểu của thời Trần, có kích thước lớn nhất trong số các dải nền đã được phát hiện từ trước đến nay (khoảng 1,15m).

Kết quả khai quật trong năm 2017 đã đưa đến nhiều phát hiện quan trọng, cho thấy sự phong phú, phức tạp của các di tích thuộc khu vực điện Kính Thiên. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin trên được phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho biết tại hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017” diễn ra ngày 17/4 tại Hà Nội.

Ngói rồng lợp cung điện 

Trong thời gian từ 15/4-30/12/2017, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Đông nền điện Kính Thiên (phía giáp đường Nguyễn Tri Phương) với tổng diện tích gần 1.000m2.

Theo giáo sư-nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), về nguyên tắc, các dải nền gạch họa tiết hình hoa chanh thường được sử dụng trong việc trang trí xung quanh những bức tượng của các công trình kiến trúc có quy mô lớn.

Bên cạnh đó, kết quả khai quật đã đưa đến nhiều phát hiện quan trọng, cho thấy sự phong phú, phức tạp của các di tích thuộc khu vực điện Kính Thiên. Cụ thể, cuộc khai quật đã làm xuất lộ các địa tầng với các lớp văn hóa có niên đại từ thời Đại La, trải qua các thời Lý-Trần-Lê-Nguyễn và kéo dài tới thời Pháp thuộc.
Một số dấu tích kiến trúc có niên đại từ thời Lý-Trần-Lê đã được phát lộ trong cuộc khai quật lần này gồm: các hàng cột, kết cấu móng, đường bó nền, sân nền… 

Đặc biệt, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều loại hình di vật có niên đại từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 20: vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất…được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau (gốm, gỗ, sành, sứ, kim loại, đất nung…).

“Trong số đó, ấn tượng nhất là các loại di vật thời Lê Sơ (thế kỷ 15-đầu thế kỷ 17). Những mảnh ngói tráng men xanh (thanh lưu ly), men vàng (hoàng lưu ly), có họa tiết hình rồng cho phép hình dung rõ hơn về loại ‘ngói rồng’ (đầu rồng phía diềm mái, đuôi rồng phía góc mái) được dùng để lợp cung điện; thậm chí có thể đặt ra giả thiết, đây chính là loại ngói dùng để lợp điện Kính Thiên thời Lê Sơ,” phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín cho biết.

Cứ liệu phục dựng không gian điện Kính Thiên

Theo giáo sư Phan Huy Lê, kết quả lần này kết hợp cùng những thông tin thu được từ các đợt khai quật trước đây (đặc biệt là kết quả của đợt khai quật năm 2016) cho thấy, vào thời Lý-Trần, có những công trình kiến trúc quy mô rất lớn ở khu vực này. Đây cũng là những tư liệu quan trọng để hiện thực hóa việc phục dựng không gian điện Kính Thiên.

Nhiều di vật quan trọng thu được sau đợt khai quật. (Ảnh: TTXVN)

“Đợt khai quật năm 2017 tiếp tục xác định tầng văn hóa dày, có niên đại kéo dài từ thế kỷ 8-20 ở trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Qua đó, có thể thấy, dấu tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được chứng minh rõ thêm. Tuy nhiên, nhiều bí ẩn vẫn còn nguyên dưới lòng đất, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu lâu dài,” giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Các nhà khoa học cũng đề nghị nghiên cứu rõ hơn về hồ nước mới phát hiện thấy trong lòng hố khai quật, để thấy được sự kết nối của dấu tích này trong tổng thể kiến trúc chung của Hoàng thành Thăng Long; đồng thời, cần làm rõ những dấu tích của nhà Mạc qua các tầng văn hóa và các di vật tìm thấy trong quá trình khai quật.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các nhà khoa học cũng cho rằng, cần lập được bản đồ tổng thể, kết nối các kết quả khảo cổ học từ trước đến nay để có cái nhìn tổng thể về di tích và tìm ra trục trung tâm của điện Kính Thiên.

“Việc khai quật phải gắn liền với nghiên cứu và bảo tồn. Bởi vậy, tôi cho rằng, sau mỗi đợt khai quật, cần có phương án bảo quản hiện vật cụ thể và xác định lộ trình nghiên cứu tổng thể. Việc số hóa các tài liệu, hiện vật thu thập được cũng cần được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, đồng thời với việc mở cho khách tham quan, quảng bá những giá trị của di sản,” Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ./.

Theo TTXVN

Duy Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy