Nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa huyện Kim Bảng

Nhiều xã, phường có nhà, phòng truyền thống, nhưng đến thời điểm này có lẽ duy nhất Kim Bảng có nhà truyền thống cấp huyện. Nhà truyền thống huyện Kim Bảng mới được hoàn thành còn thơm mùi vôi vữa.

Ngôi nhà không thật rộng nhưng chứa đựng trong đó cả quá trình lịch sử từ năm 1930 đến nay, những dấu ấn văn hóa, những bậc tiền bối, những danh lam thắng cảnh và những thành tích mà cán bộ, nhân dân huyện đạt được trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương.

Nổi bật nhất trong nhà truyền thống là tượng Bác Hồ với phù điêu hoa văn trống đồng. Hai bên tượng Bác là hai phiên bản trống đồng được tìm thấy trên đất xã Thanh Sơn và xã Tượng Lĩnh. Trước bức tượng Bác là sa bàn huyện Kim Bảng tỷ lệ 1/10.000. Trên sa bàn, ta có thể thấy rõ các đơn vị hành chính của huyện, các điểm du lịch, các khu công nghiệp, đường sá, sông ngòi, đồi núi của vùng đất bán sơn địa này. Điểm du lịch được làm nổi bật trên sa bàn là Khu du lịch Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao, chùa Ông và vực chùa Ông tại xã Tượng Lĩnh, đền bà Lê Chân tại xã Thanh Sơn, tuyến đường nối Tam Chúc với danh thắng chùa Hương (Hà Nội) và Khu công nghiệp Đồng Văn IV phía đông huyện.

Khách tham quan tủ kính trưng bày sản phẩm làng nghề.

Phía bên phải nhà truyền thống là 2 tủ kính trưng bày những hiện vật, tư liệu lịch sử trong 2 cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Kim Bảng đóng góp không ít sức người, sức của. Đó là những chiếc mũ sắt pháo thủ, mảnh bom của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, chiếc mũ rơm của các em học sinh đội đi học, chiếc nắp hầm bằng gỗ của gia đình cụ Phúc ở thôn Lưu Xá, xã Nhật Tân che giấu cán bộ năm 1951, những vũ khí thô sơ như mã tấu, kiếm, bàn chông mà nhân dân Kim Bảng sử dụng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ngày 20/8/1945 và lá cờ đỏ sao vàng đã bạc màu sương gió từng tung bay tại ấp Thọ Cầu, xã Tượng Lĩnh ngày chính quyền về tay nhân dân. Trong số hiện vật lịch sử chiến tranh này còn một số tài liệu tuyên truyền, cổ động trong kháng chiến chống Pháp tại huyện Kim Bảng. Các hiện vật đều in màu thời gian nhưng đã phần nào tái hiện được và làm xúc động người xem về một phần quá khứ của đất và người Kim Bảng.

Những tinh hoa làng nghề truyền thống mang dấu ấn văn hóa riêng có vùng miền cũng được sưu tập trưng bày tại nhà truyền thống huyện. Những đồ gốm Quyết Thành tinh xảo, những túi, ví thổ cẩm sặc sỡ hoa văn của làng nghề xã Đồng Hóa, những tấm gỗ lũa nghệ thuật của thị trấn Ba Sao, những chiếc thoi dệt vải con cò của xã Nhật Tân, sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây giang đan xã Hoàng Tây và tại đây còn trưng bày chiếc cặp sách phao cứu sinh, một ứng dụng sáng tạo của em Lê Trọng Hiếu ở xã Nhật Tân khi em mới học lớp 10 Trường THPT C Kim Bảng. Chiếc cặp sách của Hiếu đã giành được giải thưởng xuất sắc tại Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng chế trẻ lần thứ 5 tổ chức tại Đài Loan (Trung Quốc). Tại đây cũng có một số hiện vật rất cổ mà huyện Kim Bảng lưu giữ, bảo quản được đó là những chiếc thố đồng, rìu đồng cùng địa danh huyện Kim Bảng trên tập bản đồ Hồng Đức được vẽ vào năm 1470 thời vua Lê Thánh Tông.

Sa bàn huyện Kim Bảng.

Nổi bật với sắc đỏ rực là khu tủ kính trưng bày những phần thưởng mà cán bộ, nhân dân huyện Kim Bảng đã nhận được. Đó là những lá cờ được trao tặng cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua từ năm 1997 đến nay. Trong đó, phần thưởng cao quý nhất huyện Kim Bảng nhận được là danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trên các bức tường phòng trưng bày là hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ về thăm và làm việc tại tỉnh. Những bức chân dung các đồng chí lãnh đạo huyện từ năm 1930 đến thời điểm hiện tại, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa 1981 - 1997 đến khóa mới nhất 2015 - 2020, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Anh hùng Lực lượng vũ trang và các tướng lĩnh quân đội, công an là người Kim Bảng. Ở đây còn có thành tích của các xã, thị trấn tính từ năm 1997 tái lập tỉnh đến nay và bảng tóm tắt lịch sử Đảng bộ huyện.

Tuy chưa thật phong phú về hiện vật và tư liệu nhưng những gì cán bộ, nhân dân huyện Kim Bảng lưu giữ, trưng bày tại nhà truyền thống phần nào khắc họa và giới thiệu những nét cơ bản về lịch sử, văn hóa và những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng đã đạt được. Ngoài ra, phòng truyền thống huyện còn chính là hình ảnh trực quan sinh động nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ phục vụ hoạt động tuyên truyền về lịch sử, văn hóa ở địa phương.

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy