Di sản tư liệu vô giá về lịch sử, văn hóa dân tộc

Cách đây 25 năm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã vinh danh Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam là Di sản tư liệu thế giới. Đây là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam vinh danh ở hạng mục Di sản tư liệu thế giới. Sự kiện quan trọng này không chỉ mang đến niềm tự hào mà còn đặt ra trách nhiệm lớn đối với các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy vốn quý văn hóa truyền thống của dân tộc trong lộ trình hội nhập, phát triển đất nước.

Mộc bản (bản khắc trên gỗ) là những tấm gỗ khắc ngược chữ Hán, chữ Nôm để sau khi phủ mực lên có thể in thành văn bản những nội dung cần lưu truyền, lưu trữ. Mộc bản được dùng khá phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Dưới triều Nguyễn, do yêu cầu về việc lưu truyền, phổ biến với số lượng lớn: những sự kiện lịch sử, tác phẩm văn chương, công danh sự nghiệp của vua chúa; những chuẩn mực xã hội cũng như những điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo… nên triều đình cho biên soạn và khắc in rất nhiều tác phẩm chính văn, chính sử để ban cấp, phát hành đến nhiều giai tầng, đối tượng thuộc nhiều vùng đất trong cả nước. Và trong quá trình duy trì hoạt động lưu giữ, phổ biến những thông tin đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là Mộc bản triều Nguyễn, được lưu giữ đến tận ngày nay. Đây là những tài liệu gốc, độc bản và được đích danh các vị hoàng đế dưới triều Nguyễn ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý để trở thành mộc bản.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: 34.619 tấm mộc bản được chế tác, tập hợp từ thời Nguyễn (chứa đựng nội dung của 152 đầu sách trên nhiều lĩnh vực do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong giai đoạn 1802 - 1945) là một công trình mang tính bách khoa, vô giá, độc nhất và thể hiện đậm nét dấu ấn lịch sử. Nội dung của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn rất phong phú, đa dạng, phản ánh tương đối toàn diện đời sống xã hội Việt Nam dưới thời phong kiến và được thể hiện ở nhiều lĩnh vực có tính chuyên đề rõ nét, lĩnh vực nào cũng có dung lượng khá dày dặn.

Cụ thể: về lịch sử, Mộc bản triều Nguyễn có 30 bộ sách (gồm 836 quyển) ghi chép diễn trình lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều Nguyễn (điều này chính là minh chứng giàu sức thuyết phục, góp phần khẳng định triều Nguyễn đã đưa nền sử học nước nhà thời quân chủ phát triển đến đỉnh cao rực rỡ). Về địa lý, Mộc bản triều Nguyễn có 2 bộ sách (gồm 20 quyển) ghi chép tình hình địa lý đã thống nhất ở Việt Nam và ghi chép những thông tin liên quan đến Hoàng thành Huế. Về chính trị - xã hội, Mộc bản triều Nguyễn có 5 bộ sách (gồm 16 quyển) ghi chép chi tiết sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Về quân sự, Mộc bản triều Nguyễn có 5 bộ sách (gồm 151 quyển) ghi chép rất rõ việc đánh dẹp những cuộc nổi dậy của các phe chống đối ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Bình Thuận và một số nơi khác. Về pháp chế, Mộc bản triều Nguyễn có 12 bộ sách (gồm 500 quyển) ghi chép một cách có hệ thống các điển chế và pháp luật triều Nguyễn.

Về tư tưởng, triết học, tôn giáo, Mộc bản triều Nguyễn có 13 bộ sách (gồm 22 quyển) ghi chép tỷ mỷ phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia. Về văn thơ, Mộc bản triều Nguyễn có 39 bộ sách (gồm 265 quyển) ghi chép thơ văn của các bậc đế vương và các bậc Nho gia nổi tiếng Việt Nam. Về ngôn ngữ văn tự, Mộc bản triều Nguyễn có 14 bộ sách (gồm 50 quyển) giải nghĩa Luận ngữ bằng thơ Nôm…

Kho bảo quản tài liệu Mộc Bản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Theo Toquoc.vn

Đặc biệt, trong di sản tài liệu Mộc bản triều Nguyễn có nhiều tác phẩm quý hiếm như: Bộ sách sử nổi tiếng “Đại Nam thực lục” (được biên soạn và khắc in trong vòng 88 năm, từ 1821 đến 1909); bộ sách “Hoàng Việt luật lệ” (còn gọi là Bộ luật Gia Long) được vua Gia Long cho ban hành năm 1815 và được xem là một trong hai bộ luật nổi tiếng nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Bên cạnh đó, các bộ sách: “Đại Nam nhất thống chí”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”… cũng rất có giá trị về mặt lịch sử. Mộc bản triều Nguyễn cũng có một số tác phẩm do các vị hoàng đế nổi tiếng (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) sáng tác, như: “Ngự chế văn”, “Ngự chế thi”. Một điểm đáng chú ý nữa là trong số 34.619 tấm Mộc bản triều Nguyễn có một tấm khắc bài “Nam quốc sơn hà”, là bản khắc cổ nhất bài thơ này tính đến thời điểm hiện tại.

Đặc biệt, về khía cạnh địa lý, Mộc bản triều Nguyễn có nhiều bản khắc mang nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa. Trong đó, bản gốc sách “Đại Nam thực lục tiền biên” ghi chép các sự kiện xảy ra từ năm 1558 đến 1777, qua 9 đời chúa (từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến thời chúa Nguyễn Phúc Thuần) đã khẳng định Quần đảo Hoàng Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi…

Trải qua hàng trăm năm tồn tại với vô vàn những biến cố thăng trầm thời cuộc nhưng Di sản Tư liệu Mộc bản triều Nguyễn với giá trị vô cùng to lớn vẫn được bảo toàn gần như nguyên vẹn. Năm 1960, miền Nam dưới chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, toàn bộ Mộc bản triều Nguyễn được chuyển từ Kinh đô Huế vào Đà Lạt (Lâm Đồng) và được cất giữ tại Nha Ngân khố, sau đó được chuyển đến nhà dòng Chúa Cứu thế. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1983, Mộc bản triều Nguyễn được chuyển về khu di tích Biệt điện Trần Lệ Xuân (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV).

Từ năm 2004, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã cho phép biên soạn và xuất bản sách Mộc bản triều Nguyễn, qua đó giới thiệu toàn bộ nội dung khối tài liệu quý hiếm trên đến các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới."

Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam về giá trị của Mộc bản triều Nguyễn; đồng thời, hạn chế hư hỏng, thất lạc, bảo quản an toàn lâu dài khối di sản tư liệu thế giới đặc biệt quý hiếm của dân tộc. Mặt khác, phát huy giá trị khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn thông qua việc đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi, giúp công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu giá trị nội dung, ý nghĩa của di sản tư liệu quý giá này, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện chủ trương đó, hiện nay, toàn bộ khối tài liệu (đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã được phân loại, chỉnh lý khoa học, đồng thời được in rập ra giấy dó và được số hóa, tạo dựng phần mềm… để tiện cho công tác quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy giá trị.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc giới thiệu rộng rãi giá trị của nguồn di sản tư liệu quý Mộc bản triều Nguyễn đến công chúng cũng đã và đang được ngành chức năng quan tâm, chú trọng. Hằng năm, nhiều cuộc triển lãm, trưng bày giới thiệu giá trị của di sản Mộc bản triều Nguyễn đã được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp tổ chức, trong đó có một số triển lãm, trưng bày chuyên đề có ý nghĩa sâu sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, như: Triển lãm "Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản triều Nguyễn"; Triển lãm "Khoa bảng Việt Nam thời phong kiến qua di sản tư liệu thế giới"; Trưng bày “Di sản tư liệu thế giới về tổ chức bộ máy nhà nước qua các thời kỳ"…

Việc UNESCO ghi nhận, tôn vinh Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới không chỉ mang đến niềm tự hào mà còn đặt ra trách nhiệm đối với các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng xã hội trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy vốn quý văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thế Vĩnh (Tổng hợp)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy