Bảo tồn di sản tiếng hát trống quân Liêm Thuận

Hát trống quân Liêm Thuận ra đời khoảng nghìn năm trước, bắt nguồn từ câu hát trống canh. Ngay từ khi ra đời, những câu hát trống quân ngọt ngào, đằm thắm, thấm đậm tình đất, tình người luôn gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của người dân.

Cuối năm 2017, với dự án khoa học "Bảo tồn di sản tiếng hát trống quân Liêm Thuận", Trường THCS Liêm Thuận (Thanh Liêm) liên tiếp giành giải Nhất cấp huyện, giải Nhì cấp tỉnh trong cuộc thi "Dự án khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS".

Sau cuộc thi cấp tỉnh, dự án "Bảo tồn di sản tiếng hát trống quân Liêm Thuận" là một trong 6 dự án đạt giải cao được chọn tham dự cuộc thi "Dự án khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh THCS" cấp quốc gia được tổ chức vào năm 2018.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hát trống quân Liêm Thuận ra đời khoảng nghìn năm trước, bắt nguồn từ câu hát trống canh. Ngay từ khi ra đời, những câu hát trống quân ngọt ngào, đằm thắm, thấm đậm tình đất, tình người luôn gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của người dân.

Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, của thời gian, tiếng hát trống quân Liêm Thuận dần mai một và chỉ còn ít người biết đến. Chính vì vậy, bảo tồn tiếng hát trống quân Liêm Thuận từ lâu là mong mỏi của cấp ủy, chính quyền địa phương, của những người dân Liêm Thuận yêu, gắn bó, tâm huyết sưu tầm, giữ gìn làn điệu hát trống quân.

Chị Huệ, Chủ nhiệm CLB hát trống quân hướng dẫn các em học sinh cách đánh đàn.

Bắt nguồn từ mong mỏi chính đáng đó, từ tháng 8/2017, Trường THCS Liêm Thuận bắt đầu triển khai thực hiện dự án "Bảo tồn di sản tiếng hát trống quân Liêm Thuận" với mục đích: Giúp các em học sinh trong trường biết, hiểu, cảm nhận được những nét độc đáo và đặc sắc của hát trống quân Liêm Thuận. Từ đó, khơi dậy niềm yêu thích, tự hào, nâng cao ý thức, kỹ năng trong việc gìn giữ, bảo tồn nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc của quê hương. Đây cũng là dự án được trường chọn tham gia cuộc thi "Dự án KHKT dành cho học sinh THCS".

Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Vũ Văn Chung, Hiệu trưởng Trường THCS Liêm Thuận cho biết: Sau khi nhận được đồng thuận, ủng hộ cao của lãnh đạo xã, Chi bộ nhà trường đã họp ra Nghị quyết chuyên đề về việc triển khai thực hiện dự án "Bảo tồn di sản tiếng hát trống quân Liêm Thuận". Bám sát Nghị quyết chuyên đề của chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện.

Cụ thể, Ban giám hiệu nhà trường đã mời những người sưu tầm, hiểu biết về hát trống quân đến nói chuyện với các thầy cô giáo và học sinh về lịch sử hình thành cũng như những nét hay, nét lạ, nét độc đáo của hát trống quân. Tiếp đến, nhà trường mời Ban chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) hát trống quân Liêm Thuận tới dạy hát trống quân cho các em học sinh.

Nhà trường chỉ đạo 8 lớp học, mỗi lớp thành lập một CLB hát trống quân, lựa chọn từ 5 - 10 học sinh có năng khiếu, yêu thích hát trống quân tham gia luyện tập vào các buổi chiều, lồng ghép trong buổi học nhạc, thậm chí các em còn say mê luyện hát trong cả thời gian ra chơi …

Sau khi tập hát, tập đánh trống thành thạo, thành viên các CLB chính là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, hướng dẫn các bạn còn lại trong lớp học hát trống quân.

Cùng với việc tổ chức dạy hát, dạy đánh trống một cách bài bản, nhà trường còn đẩy mạnh tuyên truyền về hát trống quân trên website, trang fanpage của nhà trường... Đặc biệt, trong chương trình văn nghệ nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của nhà trường, các tiết mục hát trống quân tham gia biểu diễn nhận được sự ủng hộ tích cực của thầy, cô giáo và các em học sinh.

Là người dày công sưu tầm, biên soạn tài liệu về hát trống quân Liêm Thuận, đồng thời cũng là người trực tiếp tới nói chuyện, truyền dạy về hát trống quân cho các em học sinh trong trường, ông Nguyễn Đình Lâu bộc bạch chân thành: Dự án bảo tồn tiếng hát trống quân được đưa vào trường học, những người tâm huyết, yêu hát trống quân Liêm Thuận mừng lắm.

Mừng là điệu hát truyền thống của quê hương giờ đã được bảo tồn một cách bài bản, bởi các em học sinh là thế hệ kế cận, đưa hát trống quân vào trường học độ lan tỏa rất nhanh, rộng.

Đặc biệt, việc truyền dạy cách đánh trống, cách hát cũng dễ dàng hơn vì các em còn trẻ nên tiếp thu nhanh ... Có thể khẳng định, đưa dự án vào trường học là giải pháp quan trọng, hữu hiệu trong bảo tồn di sản tiếng hát trống quân Liêm Thuận.

Thầy giáo Vũ Văn Chung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Khi triển khai dự án, nhà trường phải đối diện với khó khăn đó là, hát trống quân ra đời từ lâu, giới trẻ hiện lại thích những dòng nhạc mới, sôi động. Ngoài ra, hát trống quân không có tài liệu bài bản, chỉ có làn điệu qua sưu tầm, cách truyền dạy chỉ theo kinh nghiệm...

Tuy nhiên, được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, cùng sự ủng hộ nhiệt tình, hết sức trách nhiệm của các thành viên CLB Hát trống quân Liêm Thuận..., dự án khoa học đã phát huy hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, trong cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, dự án của nhà trường thu hút được sự quan tâm, đón nhận của các thầy, cô giáo và thành viên các đội tham dự.

Hát trống quân Liêm Thuận có hai hình thức là hát trên cạn và hát dưới thuyền. Độc đáo nhất là nhạc cụ hát trống quân chính là chiếc chum sành (hoặc vò, vại sành), dây buộc bằng thừng, thanh gõ là thanh tre.

Để bảo tồn di sản văn hóa hát trống quân Liêm Thuận, theo ông Nguyễn Đình Lâu, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của thầy và trò Trường THCS Liêm Thuận, cần có sự chung tay góp sức từ chính quyền cơ sở và đông đảo người dân. Có như vậy, hát trống quân Liêm Thuận mới thực sự được bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả, bền vững, để tiếng hát trống quân vang mãi, vang xa.

P.Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy