Đền Cửa Rừng và hội làng Bồng Lạng

Không biết từ bao giờ, ngôi đền cổ mang tên đền Cửa Rừng (Lâm môn tự) ở Bồng Lạng, xã Thanh Nghị (Thanh Liêm) đã trở nên quen thuộc, trở thành niềm tự hào truyền đời của người dân nơi đây.

Đền Cửa Rừng, thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị (Thanh Liêm). Ảnh: Thế Tân

Những câu chuyện về ngôi đền thiêng cùng tấm gương kiên trinh bất khuất, công đức cao dầy của các vị nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng tôn thờ tại đền được lưu truyền qua nhiều đời cùng những lề tục ăn sâu vào lời ăn tiếng nói của người dân Bồng Lạng càng làm dầy thêm lớp trầm tích và nét đẹp lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng quê bán sơn địa này.

Theo cuốn Thần phả, Thần tích Hà Nam (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội), đền Cửa Rừng, Bồng Lạng thờ tứ vị đức quốc mẫu: Quốc mẫu Hoàng Bà Sơn Tinh Công Chúa Thượng đẳng thần, Đệ Nhất Hảo Nương Thanh Y Công Chúa Trung đẳng thần, Đệ Nhị Liễu Nương Thanh Y Công Chúa trung đẳng thần, Quách Thị chúa linh thông đại vương Trung đẳng thần.

Tương truyền: Sơn Tinh công chúa vốn là do tinh hoa linh khí Trời Đất tích tạo nên và sinh ra vào ngày mùng hai tháng hai năm Canh Tý tại đỉnh núi Côn Mạo (giữa vùng Nam Sơn và Ái Châu, tương đương khoảng giữa vùng đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa). Sơn Tinh công chúa dung nhan tựa Hằng Nga giáng thế, thông minh mẫn tiệp, học một biết mười, tinh thông thiên văn, địa lý, am tường binh pháp, điệu nghệ võ thuật, cung tên, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Cùng thời đó, ở trang Bồng Lạng (làng Bồng Lạng) có bà Nguyễn Thị Phương kết duyên cùng ông Đinh Văn Cao, người Xích Thổ, huyện An Hòa, phủ Thiên Quan (nay thuộc Nho Quan, Ninh Bình) sinh được song nữ, đặt tên là: Hảo Nương và Liễu Nương. Năm 14 tuổi, nghe danh tiếng và cảm phục tài nghệ của Sơn Tinh, hai nàng Hảo Nương, Liễu Nương xin phép cha mẹ đón Sơn Tinh về Bồng Lạng để được thụ giáo cầm, kỳ, thi, họa, võ nghệ, cung tên... Từ đó, hai chị em Hảo Nương, Liễu Nương trở thành tài giỏi, ý chí hơn người.

Năm Canh Tý 40, nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, cả ba nàng đồng lòng tìm về Hát Môn (nay thuộc Phúc Thọ, Hà Nội), tụ nghĩa dưới cờ, mưu cầu việc lớn. Hai Bà Trưng rất mực tin yêu, phong cho ba nàng là: Sơn Tinh Công chúa; Hảo Nương Thanh Y Công chúa; Liễu Nương Thanh Y Công chúa. Cùng thời gian đó, tại Bồng Lạng có một liệt nữ tên là Quách Thị chí khí hơn người, tập hợp được mấy trăm quân cũng đã kéo về xin gia nhập nghĩa quân. Hai Bà cả mừng, thường tin dùng cử bốn người đi đánh nhiều trận quan trọng và đều lập công lớn. Khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà xưng vương, lập đô ở Mê Linh, bốn vị nữ tướng tài Bồng Lạng trang đều được bổ nhiệm vào các chức vụ trọng yếu của triều đình, chung tay gánh vác, liệu lo việc nước.

Năm Nhâm Dần 42, Mã Viện kéo đại quân tái chiếm nước ta, sau nhiều trận chặn đánh địch không thành, Hai Bà lui về cố thủ ở Cấm Khê (thuộc Thạch Thất, Hà Nội ngày nay). Cả bốn dũng tướng Bồng Lạng trang luôn là những người thân cận, chiến đấu quên mình vì nghĩa lớn và đều liệt oanh ngã xuống vào mùng Một tháng Một (mùng 1 tháng 11 âm lịch) năm Quý Mão 43. Nhân dân Bồng Lạng trang vô cùng thương tiếc, cảm phục đã thành tâm tìm thế đất đẹp nơi Cửa Rừng lập đền thờ để muôn đời hương khói ghi nhớ công ơn.

Thời Đinh Bộ Lĩnh đứng lên dẹp loạn 12 sứ quân (966- 968), một lần trên đường kéo đại binh từ Hoa Lư đi dẹp loạn khi qua nơi đền Cửa Rừng Bồng Lạng, vị tướng họ Đinh đã dừng chân cầu khấn oanh linh tứ vị đại vương âm phù cho mưu cầu thành công việc nghĩa. Quả như lời cầu khẩn, quân tướng Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đó. Sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân và lên ngôi hoàng đế, không quên ân đức các vị thần nơi đền Cửa Rừng, Đinh Tiên Hoàng đã xuống chiếu ban sắc phong và sức cho dân chúng Bồng Lạng trang muôn đời hương khói phụng thờ. Từ đó về sau, các triều đại phong kiến đều ban mỹ tự và sắc phong tôn vinh tứ vị là quốc mẫu, đại vương  thượng đẳng thần, trung đẳng thần. Đền Cửa Rừng qua nhiều đời được nhân dân Bồng Lạng cung kính chăm lo việc thờ phụng và quen gọi là "Đền Mẫu" .

Theo lệ xưa cứ nhằm mùng hai tháng hai (ngày sinh Sơn Tinh công chúa) và mùng một tháng một (ngày mất của tứ vị đức quốc mẫu đại vương), chức việc và dân chúng các phe giáp Bồng Lạng trang lại cắt cử công việc, nô nức tổ chức việc làng, vừa tỏ lòng thành kính ghi nhớ, tri ân công ơn tứ vị đức quốc mẫu vừa động viên nhau giữ gìn nét đẹp truyền thống quê hương. Lệ làng định rằng: trước ngày chính hội, dân làng sửa soạn kiệu cống, cờ quạt, trống chiêng… sắp thành đội ngũ chỉnh tề trang nghiêm đi vào đền Cửa Rừng thành kính tôn rước chân nhang tứ vị quốc mẫu đại vương về nơi đình làng để con cháu xa gần cùng chiêm bái tế lễ.

Sau khi rước chân nhang yên vị trên hương án chính giữa tiền đình, chức việc và các cụ cao niên thay mặt dân làng cung lễ, ca ngợi ân đức, cầu khẩn tứ vị quốc mẫu độ trì cho quốc thái dân an, che chở cho dân chúng mọi nhà bình yên, sung túc. Tiếp đó, các phe giáp, họ tộc và tư gia lần lượt theo ngôi bậc, thứ tự cung kính dâng tiến vật phẩm, kêu cầu mọi sự tốt lành. Ngoài phần tế lễ, việc làng Bồng Lạng xưa bao giờ cũng có mời phường chèo về diễn xướng những tích chèo cổ mà nhiều người dân đã từng thạo thuộc, háo hức. Lại đặt lệ mở hội tổ tôm điếm, cờ người, thi thổi cơm, bắt vịt… rất náo hoạt, rôm rả.

Qua đi hàng nghìn năm lịch sử, chiến tranh loạn lạc, cùng với chè xanh, sắn trắng, lạc bùi và những bài vè ca ngợi cảnh đẹp trữ tình nên thơ của rừng Bồng Lạng, khu di tích đền Mẫu Cửa Rừng cùng lề tục "Việc làng tháng Một, tháng Hai"… bao đời nay đã tạo nên nét đẹp lịch sử, văn hóa độc đáo riêng có của miền đất bán sơn địa giàu truyền thống này.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy