Những "ca sỹ trường học"

Bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, nhiều năm qua, ngành giáo dục còn là một "điểm mạnh" về phong trào văn nghệ. Từ phong trào đó, xuất hiện nhiều hạt nhân văn nghệ vừa dạy giỏi, vừa đam mê ca hát, tạo nên những dấu ấn riêng cho từng nhà trường và cho toàn ngành. Những hạt nhân văn nghệ đó được gọi với cái tên chung "ca sỹ trường học"…

Là một giáo viên giỏi dạy môn Âm nhạc của Trường Tiểu học Thanh Hà (Thanh Liêm), cô giáo Bạch Kim Hiên còn được nhiều người biết đến bởi rất có duyên với phong trào văn nghệ quần chúng. Cô được trời phú cho một hình thể đẹp, khuôn mặt "bắt" đèn sân khấu cùng khả năng hát và diễn rất "ngọt".

Đã từng xem cô diễn, nghe cô hát, dù là solo hay đồng diễn, tốp ca, vẫn thấy ở cô toát lên thần thái riêng có, đằm thắm, nhẹ nhàng nhưng nổi bật. Cô tâm sự: Khó mà có sự lựa chọn khác được khi mình đã trót "đèo bòng" với ánh đèn sân khấu. Tôi yêu nghề sư phạm, yêu những đôi mắt ngây thơ, tâm hồn trong sáng của các bé thơ và tôi cũng yêu ánh đèn sân khấu, yêu khán giả thân thương…

Không chỉ được học hành bài bản về thanh nhạc, biết nhiều thể loại âm nhạc, biết thẩm âm và cảm thụ các tác phẩm âm nhạc, Bạch Kim Hiên còn biểu diễn khá chuyên nghiệp, luôn đi đầu trong các hoạt động văn nghệ phục vụ cho các chương trình, công việc của nhà trường và các chương trình, hoạt động chính trị của ngành, địa phương.

Vừa làm công việc chuyên môn, vừa tích cực tham gia các phong trào, cô mới thấy rõ một điều, làm nghề gì, việc gì cũng đều có những cái khó riêng nhưng với các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cái khó còn như nhiều hơn nếu thiếu đi đam mê và năng khiếu. Bởi vậy, cô luôn bắt mình phải tự học, tự rèn giũa.

Bạch Kim Hiên cũng không tham khi chỉ dành nhiều công sức, tâm huyết cho dòng nhạc dân gian. Cô thấy yêu và muốn gắn bó với dòng nhạc này vì nó nhẹ nhàng như chính tâm hồn cô. Nếu đã một lần được xem Bạch Kim Hiên hát và diễn, được thưởng thức các tiết mục hát văn và dân ca của cô mới nhận ra rằng cô dường như sinh ra để dành cho sân khấu- dù chỉ là những sân khấu của phong trào văn nghệ quần chúng…

Với cô, giá trị lớn nhất từ các phong trào chính là đã cho cô một bản lĩnh sân khấu vững vàng, một tâm thế biểu diễn chuyên nghiệp hơn, luôn biết làm mới mình, làm mới tiết mục biểu diễn, tránh sự đơn điệu, nhàm chán và tạo lòng tin, sự yêu mến của người xem.

Một tiết mục hát múa do cô và trò Trường THPT A Phủ Lý biểu diễn chào mừng ngày thành lập trường.

Với cô giáo Đinh Thị Trang, giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Phủ Lý), việc tham gia phong trào văn nghệ trong nhà trường hay của ngành và địa phương là một công việc không thể thiếu.

Là một Tổng phụ trách đội và được làm việc trong một môi trường có nhiều thuận lợi, ưu thế đã giúp cô có nhiều cơ hội để hát và tham gia các phong trào chung. Cô được trời phú cho một giọng hát trong trẻo, cao vút, không dễ lẫn. Với các phong trào văn nghệ của đơn vị, cô luôn thể hiện rõ khả năng của mình trong việc đảm nhận các khâu tổ chức, từ việc nghiên cứu tự biên các tiết mục, lựa chọn người thể hiện cho tới việc tập luyện và biểu diễn.

Không chỉ là một thành viên tích cực trong đội ca khúc chính trị của ngành, của thành phố, cô còn tham mưu với lãnh đạo nhà trường thành lập riêng đội văn nghệ, sẵn sàng tham gia phục vụ các hoạt động, phong trào của nhà trường. Hoạt động với phong trào văn nghệ một thời gian dài đủ cho cô tích lũy nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên, cô luôn tâm niệm một điều, dù chỉ là các phong trào ở cấp trường hay phong trào có quy mô lớn hơn thì việc tham gia cũng phải xuất phát từ lòng đam mê, sự nhiệt tình, khắc phục được những khó khăn, vất vả. Có như thế mới giúp xây dựng nên những chương trình văn nghệ hấp dẫn, không chương trình nào giống chương trình nào và được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật.

Không dễ gì vừa làm tốt công việc chuyên môn, vừa lĩnh vai đầu tàu phong trào văn nghệ trong nhà trường, nhưng với sự nỗ lực của mình, cô giáo Đinh Thị Trang đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì và phát triển các phong trào văn nghệ của nhà trường nói riêng, của ngành giáo dục thành phố nói chung.

Mỗi nhà trường, mỗi cấp học không chỉ có những đặc điểm khác nhau về thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo mà ngay cả trong các phong trào như văn hóa, văn nghệ cũng luôn tạo ra những điểm khác biệt, riêng có. Bên cạnh những cái tên như Bạch Kim Hiên, Đinh Thị Trang, cũng ghi nhận rất nhiều những hạt nhân tích cực của phong trào như: Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thúy Nhung (Trường Mầm non Hoa Sen, thành phố Phủ Lý), Vũ Thị Lụa (Trường Tiểu học Châu Sơn, thành phố Phủ Lý), Trịnh Thị Hà (Trường THCS Trung Lương, Bình Lục), Lê Thị Hằng (Trường Tiểu học Đồng Du, Bình Lục), Hoàng Kỳ Dịu (Trường THCS Châu Giang, Duy Tiên), Trần Hiền Hòa (Trường Mầm non Nhân Mỹ, Lý Nhân)… Họ vừa là các thầy cô giáo, đồng thời cũng là các "ca sĩ" trong trường học.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy