Hào hùng âm hưởng những ca khúc về đoàn thanh niên

Trải qua chiều dài gần 90 năm lịch sử truyền thống Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, những ca khúc ngợi ca về ý chí, khát vọng, sự cống hiến, hy sinh của tuổi trẻ Việt Nam luôn gắn liền với mỗi chặng đường đấu tranh giành, giữ nền độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ở mỗi giai đoạn lịch sử, âm hưởng từ những ca khúc truyền thống Đoàn Thanh niên đều có nét đặc trưng riêng, gắn với hoàn cảnh ra đời, nhiệm vụ, hào khí cách mạng cũng như hơi thở sôi động trong thực tế cuộc sống thi đua lao động, học tập, công tác, chiến đấu của tuổi trẻ và của toàn dân tộc.

Nói đến ca khúc truyền thống của Đoàn dường như ai cũng nhớ ngay đến nhạc phẩm bất hủ "Lên đàng"(*) ra đời từ chặng đường đầu lịch sử cách mạng, lịch sử Đoàn.

Đây là tác phẩm mà hai tác giả Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng viết cổ vũ tinh thần dân tộc, động viên phong trào "Tổng hội Thanh niên" diễn ra vô cùng sôi nổi những năm 1940.

Với giai điệu và những ca từ mang đậm niềm tự hào: "Đoàn ta chen vai, nề chi chông gai lên đàng, ta người Việt Nam/Nhìn tương lai huy hoàng Đoàn ta bước lên đàng cùng hiên ngang hát vang", âm hưởng của ca khúc "Lên đàng" được ví như lời hiệu triệu, động viên thanh niên Việt Nam hãy "cùng nhau xông pha", cùng "đồng lòng, điểm tô non sông", dấn thân và góp sức vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tiếp đó, những năm tháng kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, ca khúc "Thanh niên làm theo lời Bác" của nhạc sĩ Hoàng Hòa (**) viết năm 1953 cũng được coi như hồi kèn thúc giục tuổi trẻ khắp mọi miền đất nước hãy đứng lên cùng toàn dân tộc chung sức gánh vác trọng trách thiêng liêng "kháng chiến, kiến quốc" theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu.

Đã 65 năm qua, âm hưởng của ca khúc "Thanh niên làm theo lời Bác" luôn đồng hành trong mỗi phong trào, cuộc vận động cách mạng của tuổi trẻ, trong những nghi thức trang trọng của tổ chức Đoàn, nhân lên niềm tự hào và khí thế vô cùng thiêng liêng, giục giã: "Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng nhau đi lên/Giơ nắm tay thề gìn giữ hòa bình, độc lập, tự do/Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng quyết tiến bước/Đánh tan quân thù xây đắp cuộc đời hạnh phúc ấm no/Đi lên thanh niên chớ ngại ngần chi/Đi lên thanh niên làm theo lời Bác/Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên".

Bước sang giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ca khúc "Tự nguyện" (sáng tác năm 1968) là lời hưởng ứng của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, của giới văn nghệ sĩ cũng như những người Việt Nam yêu nước với phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam và phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe".

Tròn nửa thế kỷ đã qua nhưng âm hưởng thiết tha, lắng đọng và rất đỗi tự hào của "Tự nguyện" vẫn luôn được ngân lên qua những giai điệu, ca từ rất hình tượng, hàm súc: "Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm/Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền/Là hoa tôi nở tình yêu ban sớm cùng muôn trái tim ngất ngây hòa bình/Là mây theo chiều gió tôi bay khắp miền/Ngàn xưa oai hùng đó tôi xin tiếp lời/Là người xin một lần khi nằm xuống nhìn anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ".

Nghe ca khúc Tự nguyện (Sáng tác: Trương Quốc Khánh; Trình bày: Trần Khánh)

Nếu như "Tự nguyện" của Trương Quốc Khánh thu phục lòng người bằng sự tha thiết, lắng đọng, thể hiện tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam tình nguyện cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng thì "Vui mở đường" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (cùng ra đời năm 1968) lại mang âm hưởng giục giã, thể hiện khí thế hừng hực của lớp lớp các thế hệ chàng trai, cô gái Bắc - Trung - Nam đang hối hả thi đua lập công trên khắp những ngả đường, mặt trận chống Mỹ, cứu nước.

Trong "Vui mở đường", lòng yêu nước, tinh thần thi đua của tuổi trẻ được diễn tả bằng khí thế của ngày hội lên đường, ngày hội ra trận: "Trông lên đỉnh núi cao/Tinh thần cứu nước còn cao hơn nhiều/Bạn Thanh niên ơi lên cao trên núi mà trông sóng vỗ biển Đông mênh mông đất nước/Như nhắn nhủ khó khăn không lùi/Mưa nắng gian khổ gió sương không ngại".

Nhắc đến những mốc son lịch sử của Đoàn, không thể không nhắc đến thời điểm năm 1970 khi Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được vinh dự mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Hòa chung niềm tự hào với dấu ấn lịch sử đó, nhạc sĩ Văn Dung đã sáng tác thành công bài hát: "Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh". Gần nửa thế kỷ qua, âm hưởng của ca khúc "đi cùng năm tháng" này vẫn luôn như lời kêu gọi, lời thúc giục các thế hệ thanh niên Việt Nam vững vàng, tự tin tiếp bước cha anh: "Đi ta đi lên/Tổ quốc chờ ta đem sức thanh xuân xây dựng quê hương thân yêu/Trong muôn gian lao/Truyền thống vinh quang nhắc nhở Đoàn ta sao xứng danh cháu Bác Hồ Chí Minh".

Bước sang thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những ca khúc của Đoàn Thanh niên thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tự tin trong lao động, học tập, chiến đấu. Hàng loạt ca khúc ra đời thời kỳ này luôn được các bạn trẻ say sưa hát vang như: "Tuổi trẻ niềm tin và ước mơ" (An Chung), "Nối vòng tay lớn" (Trịnh Công Sơn), "Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ" (Triều Dâng)…

Những ngày tháng ba này, trên sân khấu hay trên diễn đàn của tuổi trẻ chúng ta đều dễ dàng bắt gặp giai điệu và những ca từ quen thuộc của loạt ca khúc đó: "Đi đi lên bạn ơi! Đảng như sao sáng dẫn lối/Đi đi lên bạn ơi!Đời vui như ánh nắng lên/Trời Thăng Long nay lộng gió Ba Đình/Giục ta đi gieo ánh sáng mùa xuân cuộc đời" và "Là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh/Vì ngày mai ta xây đắp những công trình vĩ đại/Đồng lúa trĩu bông, quê ta nhà máy khói ngút trời/Cả Tổ quốc trong tương lai ánh điện tỏa sáng"…

Thời kỳ Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, những ca khúc của Đoàn cũng dường như ngay lập tức "bùng nổ" những âm hưởng rất cởi mở, trẻ trung và tràn đầy khí thế lạc quan cách mạng. "Hành trình tuổi 20", "Hành trình nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên là những ca khúc mang âm hưởng đặc biệt đó: "Lên rừng xuống biển/Tuổi thanh niên như chim tung bay đến với nông trường hay hải đảo xa/Một trái tim tình nguyện/Một dòng máu quê hương/Đâu cần là thanh niên có/Đâu khó có thanh niên/Nối vòng tay lớn/Bắc - Trung - Nam anh em một nhà/Nối vòng tay lớn/Cuộc hành trình tuổi xuân chúng ta".

Đặc biệt, ca khúc "Khát vọng tuổi trẻ" (nhạc sĩ Vũ Hoàng) vừa mang âm hưởng hào hùng gợi nhớ truyền thống lịch sử, vừa nghiêm ngắn trong cách đặt vấn đề về khát vọng, trách nhiệm lập thân, lập nghiệp và cống hiến của tuổi trẻ nhưng vẫn đậm chất mê say, cởi mở, đầy ngẫu hứng của một sáng tác âm nhạc thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển: "Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời/Tuổi trẻ hôm nay góp sức xây đời mới/Dù lên rừng hay xuống biển/Vượt bão dông, vượt ngàn gian khổ/Tuổi trẻ kề vai, vững vàng chân bước bạn ơi/Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/Mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay".

Gần chín mươi năm lịch sử Đoàn Thanh niên- một chặng đường dài với vô vàn những sự kiện, dấu mốc tự hào gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc. Đồng hành suốt chặng đường lịch sử đầy tự hào đó, những ca khúc về tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ sẽ mãi là những khúc tráng ca hào hùng, bất diệt, thôi thúc, vẫy gọi, động viên mỗi đoàn viên thanh niên tự tin, vững vàng đi tới.  

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh, Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy