Những bản tình ca xuân

Cứ khi mùa Xuân về, những bản tình ca xuân của nhạc sỹ Trần Hoàn lại gieo vào lòng mỗi người sự hồi hộp mong chờ, một niềm vui phơi phới gọi tương lai. Những nốt nhạc tươi vui, rộn ràng như cánh én mùa Xuân của Trần Hoàn đã làm cho những bài thơ xuân của nhiều tác giả thăng hoa, gắn với sự chuyển mình của đất trời và dân tộc.

Nghệ sỹ của mùa xuân

Trong lòng những người yêu nhạc Việt Nam và những người sáng tác âm nhạc, Trần Hoàn được coi là nghệ sỹ của mùa Xuân. Năm 1968, ông viết “Có một mùa xuân lịch sử” với một âm điệu vừa tha thiết, vừa cháy bỏng, đủ xua tan cái giá lạnh của mùa đông, hướng niềm tin yêu về phía mặt trời cách mạng. Năm 1978, sau khi gặp bài thơ “Tình ca mùa xuân” của nhà thơ Nguyễn Loan, một bài thơ giàu chất nhạc đã thổi bùng lên trong trái tim nhạc sỹ một cảm xúc dạt dào yêu thương trước những biến chuyển của thời gian, của mùa, của cỏ cây hoa lá, và của lòng người.

“Tình ca mùa xuân” là bài thơ viết theo thể thơ 5 chữ, ngắt nhịp 2/3, 3/2: “Em ơi em mùa xuân/ Đã về trên cành lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá/ Cho trời xanh xanh thẳm…” diễn tả một nội tâm bay bổng mà vẫn chất chứa suy tư. Sự thay đổi của đất trời, của tự nhiên đã làm cho lòng người rộn rã, náo nức, tâm hồn phơi phới bộc lộ trong ánh mắt cười, trong niềm hân hoan chờ đón. “Trong ánh mắt em cười/ Có mùa xanh khoai sắn/ Trong bàn tay xinh xắn/ Có hình lòng kênh xa...”. Em đắm mình trong hơi thở mùa Xuân, trong biếc xanh cây trái, trong tiếng chim ca rộn rã gọi mùa. Nghe đất thở, nghe mưa thì thầm, thấy nắng bay về như một giấc mơ. Khung cảnh mùa Xuân lãng mạn đến khôn cùng, làm cho tinh thần con người hòa đắm vào thiên nhiên, quyện trong gió, nắng, mây, trời để thỏa lòng khao khát.

Và, “Mùa xuân rồi đi qua/ Cơn mưa hè hối hả…”, đó là lúc Anh và Em xa nhau, Em vào nhà máy, Anh ra biên giới “Tình ta càng thêm sâu”… Nhịp  2/3, 3/2 để hòa âm rất phù hợp với cung la trưởng và cung la thứ. Nếu muốn diễn tả nỗi buồn thì cung la thứ là cung thể hiện tốt hơn cả các cung khác. Vì thế, để diễn tả nỗi nhớ thương, mong mỏi được gặp lại người yêu của người con gái (“Em”) và người con trai (“Anh”), nhạc sỹ Trần Hoàn đã hòa âm nhịp 3/2 với những hình ảnh tươi mới “mùi hương thơm”, “trời xanh”, “tiếng chim kêu”… Và, ở phần hòa âm cho cung la trưởng nhịp thơ 2/3, một cung phù hợp cho “tuyên ngôn của tình yêu trong trắng… sự hy vọng được nhìn thấy người yêu dấu thêm nữa trong buổi chia tay; niềm hân hoan, niềm tin của tuổi trẻ…”, nhạc sỹ Trần Hoàn đưa  nó vào phần hai bài thơ một cách tinh tế, tài tình. Và như thế, bài thơ không còn hình ảnh buồn, không than vãn, u uất mà trở thành một bản tình ca đậm nét tâm tư, dạt dào tình cảm và bay bổng tâm hồn. Nhạc Trần Hoàn - thơ Nguyễn Loan hòa quyện vào nhau làm nên một bản tình ca xuân rạo rực tin yêu trước cuộc sống, tương lai của đất nước, con người.  

Năm 1979, sau khi bài thơ ra đời, ca khúc “Tình ca mùa xuân” chính thức ra mắt công chúng, là lời động viên thúc giục những người lính trẻ lên đường ra biên giới: “Em ơi em mùa xuân/ Đã về trên cành lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá/ Giữa trời xanh xanh thẳm/ Mùi hương nào rất quen/ Nghe như làn hơi ấm/ Nghe đâu từ sâu thẳm/ Đất cựa mình sinh sôi…”.  Những cô gái ở lại hậu phương cũng mượn bài hát này để gửi trọn niềm tin yêu: “Nghe không anh mùa xuân/Về cùng tin chiến thắng/ Xóm vui trong màu nắng/ Như gọi đồng chín vàng/ Ngày anh đi cách xa/ Nguôi sao được nỗi nhớ/ Thương nhau dù cách trở/ Giữ trọn lời tin nhau…”.

Cho dù, bài thơ ra đời trong thời điểm đất nước đang dốc lòng cho cuộc chiến tranh vệ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, với giai điệu và ca từ đẹp đẽ, “Tình ca mùa xuân” vẫn cứ muôn thủa tràn đầy sức sống khi mùa Xuân của đất trời, của tình yêu, của lòng người  luôn gắn với sự chuyển mình của dân tộc.

Tình xuân. Ảnh minh họa

Lặng lẽ dâng cho đời

Với tôi, cả nhà thơ và nhạc sỹ khi viết về mùa Xuân đều trở thành những xứ giả mang Xuân đến với mọi người, gieo mầm Xuân vào trái tim và lẽ sống con người, hướng con người nhìn về tương lai, tiếp tục khát vọng và ước mơ… Còn nhớ năm 1991, trên Báo Hoa học trò, nhạc sỹ Trần Hoàn có nói về một bài thơ mà ông phổ nhạc thành một bài hát về mùa Xuân tiêu biểu nhất trong số những bài hát về mùa Xuân. Nhạc sỹ Trần Hoàn kể rằng, năm 1966, trong lúc đi B, hoạt động ở khu Trị  - Thiên - Huế, ông có gặp nhà thơ Thanh Hải. Họ đã sống, chiến đấu bên nhau 15 năm, trải qua mọi nỗi vui, buồn của cuộc đời chiến sỹ. Bấy giờ, Thanh Hải là Tổng thư ký  Hội Văn nghệ Giải phóng Trị - Thiên - Huế, Trần Hoàn là Hội trưởng. Năm 1980, nhà thơ Thanh Hải bị ung thư, sống những ngày tháng đau đớn, gian khổ. Ông đã viết bài thơ cuối cùng “Một mùa xuân nho nhỏ”, trút vào đó những đau đớn, dằn vặt vì bệnh tật như một lời trăng trối. “Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/ Một nốt trầm xao xuyến/ Ta biến trong hòa ca… Mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời…”.

Thanh Hải mất, vợ ông đã đưa bài thơ ấy cho Trần Hoàn. Đọc bài thơ trong giàn giụa nước mắt, nhạc sỹ Trần Hoàn đã nghĩ: “Phải chăng là suy nghĩ, nghị lực và cảm xúc của một nhà thơ trọn đời cống hiến cho cách mạng, luôn xác định trách nhiệm rất khiêm tốn của mình là phấn đấu góp cho được “Một mùa xuân nho nhỏ” hiến dâng cho mùa Xuân vĩ đại chung của dân tộc?”. Bài hát ra đời ngay sau đó. 

Biên tập viên chương trình ca nhạc Quỳnh Duyên, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: Ca khúc “Một mùa xuân” của nhạc sỹ Trần Hoàn trọn vẹn một tiếng chim hót náo nức mà đằm thắm. Sự cảm nhận ấy không hẳn đến trước, bởi ca từ có đoạn “Ơi con chim chiền chiện, hót chi mà vang lừng”. Linh diệu hơn, cảm giác ấy chính là hình tượng âm nhạc. Đặc biệt có những đoạn như mô phỏng mà lại như không phải mô phỏng. Tiếng hót vô tình của một con chim nào đó vừa cất lên lảnh lót, xao xuyến giữa đất trời bao la. Tiếng hót ấy ta lắng nghe như thấy âm thanh của chồi non, của lộc xuân vừa bất thần bừng dậy mang bùa phép đầy mê hoặc và cuốn hút của mùa Xuân. Tiếng chim hót tràn đầy hứng khởi, yêu thương, lạc quan về mùa Xuân, về đất nước, con người. Tiếng chim hót như chia sẻ, một hòa điệu chung - riêng, đầy bất ngờ giữa con người và đất trời…

Rõ ràng, đứng trước bất cứ một sự đổi thay nào, con người đều cảm nhận thấy những bất ngờ và hy vọng. Giống như sự thay đổi về mùa Xuân luôn làm cho lòng người cảm thấy thênh thang, gợi mở tâm hồn trước một không gian rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh. Xuân luôn làm cho con người có cảm hứng nhiều hơn với cuộc đời. Mỗi một niềm vui, niềm hy vọng hay một đổi thay nào đó đều như một bản tình ca xuân…

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.